(BVPL) - Câu chuyện về lão nông Mai Công Tài (xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM) thông hiểu lịch sử một cách tinh tường đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên, nể phục. Đã thế, chuyện của ông Tài kể lại khiến người nghe thích thú, lôi cuốn và dễ hiểu. Bởi vậy mà mỗi lần có ai muốn tìm hiểu về lịch sử nơi bản địa thì đều tìm đến nghe ông Tài giảng giải. Có lần, có cả một vị giáo sư đầu ngành đến nghe ông kể chuyện sử…

Đến xã Bà Điểm, không khó khăn gì khi tìm gặp ông Mai Công Tài, bởi người dân nơi đây đã đặt cho ông một cái tên khá thân thiện “Tài sử”. Nhưng chẳng ai có thể ngờ rằng lão chỉ là một nông dân chân đất, suốt ngày vùi đầu vào việc chăm sóc mấy con bò và lo việc đồng áng.

Gặp ông “Tài sử” trong căn nhà nhỏ nằm ven cánh đồng, ấn tượng ban đầu của chúng tôi là hình ảnh của một người nông dân mộc mạc, lam lũ. Với vóc người nhỏ bé, khuôn mặt gầy xương và đậm chất phong trần, ông đón mời khách bằng nụ cười thân thiện. Trong gian nhà bé nhỏ, tài sản của ông chẳng có gì đáng giá ngoài những kệ sách chất chồng lên nhau. Ông Tài bảo: “Đây là những gì mà tôi có được, niềm yêu thích và lòng tự hào về lịch sử dân tộc đã dấy lên trong tôi một lòng say mê đến vô hạn. Vì thế mà lúc nào tôi cũng khao khát tìm hiểu về Sử Việt”.

 

Lão nông tinh thông lịch sử Mai Công Tài.
Lão nông tinh thông lịch sử Mai Công Tài.


Tiếp theo câu chuyện của mình, ông “Tài sử” phân bua về việc tại sao mình lại thông hiểu về lịch sử: “Tôi không phải là người dạy sử mà đơn giản chỉ là người kể chuyện sử. Vốn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày lịch sử, lại là mảnh đất trọng điểm của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, được chứng kiến, nghe kể nhiều về lịch sử ông cha đứng lên chống giặc nên lâu dần mọi thứ đã ngấm vào tôi như một lẽ tự nhiên, chứ quả thực cũng chẳng có gì ghê gớm cả”.

Rồi ông “Tài sử” cũng phân tích về việc tại sao học sinh ngày nay lại không thích học lịch sử. Ông bảo: Bây giờ, đa phần học sinh chỉ được học nhiều về lý thuyết nên khiến chúng khó khăn trong việc tiếp thu. Ngày đó, khi ông còn là một học sinh tiểu học đã được học những bài học lịch sử có đan xen với văn học. Có những bài học mà đến tận bây giờ, mặc dù đã ba, bốn mươi năm đi qua ông vẫn không thể nào quên được.

Kể về gia đình mình, ông Tài bảo gia đình mình trước nay cũng là gia đình cách mạng, bởi vậy mà ông yêu thích lịch sử một cách đặt biệt. Ông cũng cho biết thêm, bà nội của ông cũng là mẹ Việt Nam anh hùng, rồi chú, bác của ông cũng hy sinh tại chiến trường… bởi thế mà từ lâu trong ông đã mong muốn tìm hiểu về những mốc lịch sử kháng chiến của dân tộc…

Tiếp theo câu chuyện của ông Tài, con dâu của ông là Nguyễn Thị Kim Oanh (47 tuổi) kể: cách đây hơn hai mươi năm, ông phụ trách Phó ban tuyên huấn  xã (bây giờ là Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã). Sau đó, cấp trên chỉ đạo là phải làm mỗi xã một cuốn sử truyền thống. Ông cũng tham gia trong ban biên tập, mà ban biên tập thì có nhiệm vụ là đi sâu đi sát vào quần chúng nhân dân để nắm tư liệu, nắm các sự kiện lịch sử. Từ chỗ đó nên ông tích lũy được cái vốn. Cuốn sách này, xã Bà Điểm giao cho ông đảm nhiệm là chính. Trong đó, mục lời nói đầu về truyền thống yêu nước của xã là do ông tự tìm hiểu và viết ra...

Rồi chị Oanh kể tiếp về bố chồng mình với giọng từ hào: “Bố tôi chuyên thuyết trình ở nhà truyền thống, tiếp các báo đài. Nhất là những ngày lễ, ngày hè, ông phải tiếp các cháu học sinh, sinh viên thường xuyên, kể cho họ nghe những câu chuyện lịch sử. Có những người làm luận văn từ nơi xa cũng đến tìm ông để nhờ tư vấn, lấy tư liệu thêm. Ông tiếp cả những ông giáo sư, tiến sỹ. Có những người rất giỏi, trong số đó có giáo sư Vũ Khiêu cũng đã từng đến nghe”.

Cuối câu chuyện, ông Tài cũng có lời nhắn nhủ tới thế hệ trẻ của đất nước về tầm quan trọng của việc học sử, hiểu sử quê hương, đất nước là như thế nào. Ông ngâm mấy câu thơ sau:“Cây có gốc, ngọn có cành mới tốt/ Sông có nguồn dòng nước mới xa/ Nước cây còn thế nữa mà/Huống chi dòng giống người ta ở đời”.
 

Mai Phong

.