(BVPL) - Làng Phù Yên (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) từ lâu được xem là “đại bản doanh” cung cấp các kiểu nhà cổ trong khắp cả nước. Mỗi năm, những nghệ nhân ở đây đã cho ra đời hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà cổ.

Thú “săn” nhà cổ đang là mốt của các đại gia nhiều tiền khắp cả nước. Kiểu nhà càng cổ, họa tiết chạm khắc càng cầu kỳ, tinh xảo, độc đáo bao nhiêu lại càng được săn lùng bấy nhiêu vì không đụng hàng và thể hiện đẳng cấp nên dù đắt đến đâu thì cũng không thiếu khách đặt làm. Trước đây, thợ trong làng Phù Yên chủ yếu đi các nơi làm ăn, ngủ tại công trình để làm nhà cổ cho khách nhưng khoảng chục năm trở lại đây, nhiều gia đình bắt đầu nhận gói việc dựng các ngôi nhà cổ tại xưởng của mình. Sau khi đục đẽo, chạm khắc xong sẽ vận chuyển đến nơi và lắp đặt.

Đến thăm cơ sở sản xuất nhà cổ của ông Nguyễn Chí Điền (65 tuổi), một đầu mối làm nhà cổ khá nổi tiếng tại làng Phù Yên mới thấy sự choáng ngợp bởi những cột, kèo được đục đẽo tinh xảo, công phu dựng ngổn ngang. Ông Điền cho biết, để dựng được mỗi ngôi nhà cổ cần có một người thợ cả thiết kế và làm “tổng chỉ đạo” một tốp thợ khoảng hơn chục người. Tùy vào mực thước, thiết kế của từng ngôi nhà mà cần nhiều hay ít nhân công. Có ngôi nhà công phu cần đến hàng ngàn công lao động mới hoàn thành. Đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Như vậy, vừa đảm bảo độ bền chắc cho ngôi nhà và càng sử dụng lại càng thấy sự hài hòa trong từng thớ gỗ.

Hiện nay, các loại gỗ được ưa chuộc để dựng nhà cổ thường là đinh, lim, sến, táu, mít, xoan….với giá thành từ vài tỉ đến vài trăm tỉ. Tại xưởng của ông Nguyễn Chí Quân (56 tuổi), một nghệ nhân trong làng cũng vừa dựng xong một ngôi nhà cổ bằng gỗ mít trị giá hơn 5 tỷ đồng cho một đại gia ở Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội).

Dân dã và vừa tiền nhất là loại nhà cổ dựng bằng gỗ xoan đào và vài loại gỗ tạp khác. Những căn nhà gỗ xoan 3 gian hiện nay có giá từ 300 đến 500 triệu đồng với thời gian hoàn thành khoảng 2 tháng.

Hiện nay, cả nước cũng có rất nhiều địa phương có nghề làm nhà cổ như Nam Định, Hòa Bình, Nghệ An…  Tuy nhiên, theo so sánh và đánh giá của nhiều người thì những ngôi nhà cổ do thợ làng Phù Yên làm hoa văn trang trí thường đẹp hơn, dáng nhà cao ráo, thoáng đãng hơn so với thợ làm nhà cổ ở các nơi khác. Chính vì lý do đó mà khách hàng của làng Phù Yên đến từ khắp nơi, thậm chí trong Nam cũng lặn lội tìm đến làng Phù Yên để đặt nhà cổ.

Ông Nguyễn Chí Mười, một  nghệ nhân làm nhà cổ tại Phù Yên cho biết, hiện nay xưởng của gia đình ông đang tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động, mỗi năm thu lãi từ 1,5 đến 2 tỷ đồng.

 

Một nghệ nhân làng Phù Yên đang chế tác chi tiết của ngôi nhà cổ.
Một nghệ nhân làng Phù Yên đang chế tác chi tiết của ngôi nhà cổ.


Theo thống kê, thôn Phù Yên có hơn 100 xưởng sản xuất đồ mộc, trong đó có hơn 10 hộ chuyển hướng sang làm nhà cổ, còn lại làm đồ mộc dân dụng như giường, tủ, sập, bàn ghế… Giá thành sản xuất mỗi ngôi nhà cổ (diện tích 200m2) thấp nhất 2 tỷ đồng, cao lên tới hàng chục tỷ đồng. Giá công cho đội thợ trung bình từ 180.000 - 200.000 đồng/ngày. Riêng những thợ cả có tay nghề cao giá công khoảng 400.000 - 500.000 đồng/ngày.

Theo các nghệ nhân ở ngôi làng này thì với những công trình nhà lớn, hay còn gọi là “đại khoa” thì cần tới 120 khối gỗ để hoàn thành, còn những công trình “trung khoa” cần khoảng 60 - 70 khối. Hiện nay, sản phẩm nhà cổ Phù Yên đã có mặt ở khắp các tỉnh từ Bắc vào Nam như: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Bến Tre…

Ông Nguyễn Xuân Vần – Phó Chủ tịch UBND xã Trường Yên (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: Trong vài năm trở lại đây, việc nhiều người thích làm những ngôi nhà cổ để ở đã tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân tại địa phương. Giá trị của mỗi căn nhà cổ làm ra thường lớn nên đem lại thu nhập và hiệu quả kinh tế rất cao.
 

P.V

.