Với bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú ông đã tạo ra hàng ngàn hình hài từ vổ trứng,  ghi tên mình vào Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam. Thế nhưng ít ai biết được, để đạt  như thế, ông đã vượt qua bao trở ngại đời thường. Hơn hết là niềm đam mê. Ông là giáo viên về hưu Nguyễn Thành Tâm - kỷ lục gia tạo hình từ vỏ trứng.

 


Với đôi bàn tay khéo léo và khả năng thẩm mỹ, năm 2001, thầy Tâm bắt đầu tỉ mẩn tạo hình những con thú bằng gốm, giấy bồi, giấy bìa, mút, giấy báo nhồi. Tuy nhiên, tất cả đều thô và xấu, không như ý của mình.  Cho đến khi ông phát hiện ra vỏ trứng chim cút rất dẻo và có thể tạo hình cho hầu hết con thú và nhân vật. Thầy Tâm chia sẻ: “Vỏ trứng cút rất dễ cắt, không bị vỡ bất thình lình và tẩy màu cũng dễ dàng bằng nước chanh”. Từ vỏ trứng cút, thầy chuyển qua thí nghiệm tạo hình từ vỏ trứng gà, vỏ trứng đà điểu và tất cả các loại vỏ trứng khác đều được thầy “sưu tầm” về, hiện diện khắp trong căn phòng nhỏ ở chung cư Nguyễn Văn Lượng 2 (quận Gò Vấp) - nơi gia đình thầy đang sinh sống.

 Năm 2008 thầy Tâm đăng ký kỷ lục. Ở thời điểm đó, bộ sưu tập của thầy chỉ có khoảng  200 con thú được làm từ vỏ trứng. Đến khi được chính thức xác lập kỷ lục với biệt danh “người tạo hình từ vỏ trứng nhiều nhất Việt Nam” năm 2010,  thầy đã có khoảng 500 con thú và các nhân vật lịch sử.

Từ những con sâu, con kiến, chú chuột thổi kèn đánh trống, chim cánh cụt, rùa, hươu, trâu, gấu trúc, kanguru, đà điểu, tê giác, khủng long... trở thành một vườn thú mini. Thầy Tâm cho biết, phần lớn những mẫu tạo hình được lấy ý tưởng từ những câu chuyện cổ tích, truyện tranh như Đám cưới chuột, 12 con giáp, cho đến những phim hoạt hình được trẻ em yêu thích như chuột Mickey, Tom và Jeri, Đôremon.

Rồi những nhân vật được bàn tay khéo léo của thầy thể hiện cũng rất sinh động theo sự kiện như Seagames, Olympic, Euro… theo lễ hội như Hội chọi trâu, tết Dương lịch, tết Canh Dần…. Mới  đây nhất là bộ sưu tập về loài mèo được thầy kỳ công làm trong dịp Tết Tân Mão.

Biến đam mê thành bài giảng sinh động

Ít ai biết rằng, để tạo ra được cả một “nhà thú” thầy đã tốn không biết bao nhiêu công sức và thời gian. Nhưng với thầy, khi đã là đam mê thì mọi khó khăn khác không còn ý nghĩa. Mày mò sáng tạo với nhiều loại thú vật khác nhau, cắt trứng, dán, rồi tô màu … ngoài giờ dạy học tại nhà, thầy Tâm còn dành thời gian đọc sách báo, truy cập internet để thêm những ý tưởng tạo hình.

Cũng từ đó, thầy bắt đầu nghĩ tới việc tạo ra những giáo cụ sinh động trong mỗi tiết dạy. Mỗi lần giảng bài, thầy đều đưa các hình tượng từ vỏ trứng gắn với nội dung trong bài giảng, mẩu chuyện cho các em quan sát. Mỗi tiết học với những giáo cụ từ vỏ trứng trở nên hấp dẫn, sinh động và gần gũi hơn với các em học sinh.

“Để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, ngoài việc lựa những vỏ trứng gà, trứng cút, trứng đà điểu... phù hợp với kiểu dáng con vật muốn tạo thành và để nắm bắt được "cái hồn" của các con vật như thật, không thể thiếu những quan sát thực tế” - thầy Tâm bật mí.

Cũng vì để “không thể thiếu được quan sát thực tế” nên trong một lần để tạo hình được một con trâu thật sinh động và ngộ nghĩnh, thầy đã quyết định dành thời gian cả ngày để đi tìm con trâu thật ngoài đời ở tận Hóc  Môn, Củ Chi để quan sát, thu nhận cái “hồn” của nó rồi về nhà say sưa thực hiện tác phẩm của mình. Có những khi đi cả ngày trời, nhưng cảm thấy chưa đủ chi tiết, thầy lại tiếp tục đi đến vùng khác để thu nhận mọi yếu tố chi tiết thực của một con trâu ngoài đời đưa vào tác phẩm của mình.

Cho đến nay, sau 10 năm gắn bó với niềm đam mê sáng tạo từ vỏ trứng, “gia tài” thầy Nguyễn Thành Tâm có được trên 500 mẫu với hàng ngàn vỏ trứng các loại, vô số con thú, nhân vật lịch sử. Công phu và tâm huyết là thế, nên mỗi tác phẩm đều được thầy nâng niu trưng bày trong nhà và không bán dù nhiều người đề nghị mua. Cũng ngần ấy năm trong mỗi bữa cơm gia đình thầy, món trứng chiên đã trở thành món không thể thiếu.

Thầy Tâm bật mí thêm: “Có nhiều lúc chưa đến bữa cơm gia đình, nghĩ đến món trứng chiên đã quá ngán, nhưng cần vỏ trứng để làm, tôi lại cắt trứng, chiên cho học trò ăn, cùng ăn với học trò”. Nhiều lúc, hết tiền không thể mua trứng, thầy lại phải “nhờ” đến vợ. Và có nhiều khi do quá hứng thú với một tác phẩm mới, thầy có thể cần mẩn từng chi tiết bên vỏ trứng đến quên ăn quên ngủ.

“Nhiều lần thấy tôi say sưa quá, vợ tôi nhắc nhở vì lo sức khỏe của tôi. Nhưng dần thấy quen, nên vợ cũng phụ một tay trổ tài trang trí may áo váy, thắt nơ cho các con vật, nhân vật” - ông Tâm cho biết. Không “giấu nghề”, nhiều học trò cũng được thầy hướng dẫn cách làm những con vật từ vỏ trứng, bởi thầy muốn “chia sẻ niềm đam mê sáng tạo vỏ trứng với các em, để các em có thể nhận biết chỉ cần một chút khéo léo, những vật dụng bỏ đi hoàn toàn có thể trở thành những sản phẩm dễ thương, hữu ích". Hiện thầy Tâm đang nghiên cứu để có thể làm bộ sưu tập mặt nạ tuồng, chèo bằng vỏ trứng.

 

Theo Thái Khuê
SGĐTTC

.