Đêm xuống, chỉ cần lia đèn pin có thể phát hiện cỏ kim tuyến từ xa, bởi lá của chúng phản quang, phát sáng óng ánh.
 
Đêm ở đỉnh Tây Côn Lĩnh, “nóc nhà Đông Bắc” xuống chậm hơn làng bản phía dưới. Khi thung lũng Chúng Phùng và Túng Quá Lìn (thuộc xã Túng Sán, Hoàng Su Phì, Hà Giang) nhuốm màu đen đậm, thì Tây Côn Lĩnh vẫn còn sáng rõ. Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao nhất phía Đông Bắc, nên là nơi nhìn thấy mặt trời muộn nhất trong ngày.
 
Ăn xong bữa tối với cơm nắm, thịt hộp, lương y Phạm Văn Thanh rủ tôi xuống khe suối bắt ếch. Tôi từng đi rừng nhiều và cũng không ít lần được ăn món ếch và cá suối nướng.
 
Cá và ếch ở vùng rừng núi hoang rậm khá chậm chạp, ngô ghê, rất dễ bắt. Có thể, chúng ở quá xa, nơi không có bóng dáng con người, nên chúng không biết sợ.
 
Suối ở trên núi cao nước ít, chảy róc rách, nhưng thi thoảng lại có vũng sâu cỡ trên dưới 1m, nước trong vắt. Ban đêm, những chú cá cứ lờ vờ dưới đáy suối, lẫn với màu sỏi cuội. Chỉ cần soi đèn pin, thấy cá, thì dùng gậy nhọn xiên.
 
Lương y Thanh phát hiện rất nhiều quần thể thuốc quý trên Tây Côn Lĩnh
Lương y Thanh phát hiện rất nhiều quần thể thuốc quý trên Tây Côn Lĩnh
 
Giống cá suối trên núi cao, vốn hiền lành, gặp ánh đèn pin thì cứ đờ ra, nên chỉ việc đưa lao nhọn đến sát đầu, dí mạnh là bắt được. Tuy nhiên, trên núi cao ít nước, cá chỉ bằng cỡ ngón tay, không có cá lớn.
Thế nhưng, loài ếch suối ở núi cao rừng thẳm thì lại rất to. Giống ếch núi to bằng cái bát con, có thể nặng đến 3 lạng. Ếch núi thịt trắng, dai và thơm. 
 
Đám thợ rừng chỉ việc đi dọc suối, lia đèn lin lên các mỏm đá giữa suối, hoặc ven bờ, gặp ếch thì cứ soi vào mắt chúng, rồi nhẹ nhàng tiến lại vồ sống.
 
Mới xăm được ít cá, lương y Thanh liếc đèn pin lên khe suối trước mặt, cỏ cây rậm rạp. Anh reo lên sung sướng. Lương y Thanh bảo: “Em có biết phía trước mặt là thứ gì không?”. 
 
Tôi nhìn mãi nhưng không thấy gì ngoài bụi cây rậm rạp, thi thoảng ánh lên màu rắc lạ trông như thể mạng nhện phát sáng.
 

 

Lương y Thanh chỉ cây cỏ kim tuyến ẩn trong bụi rậm
Lương y Thanh chỉ cây cỏ kim tuyến ẩn trong bụi rậm
 
Chúng tôi tiến lại gần. Lương y Thanh rọi đèn vào bụi cây nhỏ dưới mặt đất. Tôi reo lên sung sướng: “Trời ơi! Cỏ kim tuyến!”. Cả một quần thể cỏ kim tuyến sáng lấp lánh cả cánh rừng, hai bên con suối chảy rì rào trên đỉnh Tây Côn Lĩnh mờ sương. 
 
Cỏ này có tên gọi khác là cỏ nhung, vì lá nó mềm mại như vải nhung. Nhưng, chúng còn được gọi là cỏ kim tuyến, vì lá của chúng có những sợi phát sáng óng ánh như kim tuyến. 
 
Cỏ kim tuyến mọc trong bóng tối, ở khe ẩm ướt, rất khó tìm. Thế nhưng, đêm xuống, người ta chỉ lia đèn pin, có thể phát hiện cỏ kim tuyến từ xa, bởi lá của chúng phản quang, phát sáng óng ánh như mạng nhện trong bóng đêm.
 
Tôi đã biết thứ cỏ này từ nhiều năm trước, trong các chuyến đi rừng với ông Trần Ngọc Lâm, người bị ung thư, từng ngày chiến đấu với căn bệnh này bằng các cây cỏ đặc biệt.
 
Có lẽ, ông Trần Ngọc Lâm là người đầu tiên biết sử dụng cỏ nhung. Cách đây chừng 10 năm, trong những chuyến đi rừng với “người rừng” Trần Ngọc Lâm, lúc nấu ăn, ông Lâm thường vào rừng nhổ một số loại cỏ để nấu canh. Ông Lâm thường nâng niu những chiếc lá nhỏ hình trái tim, có màu xanh tía, với những sợi óng ánh như kim tuyến.
 
Lương y Phạm Văn Thanh phát hiện cả quần thể cỏ kim tuyến trên đỉnh Tây Côn Lĩnh
Lương y Phạm Văn Thanh phát hiện cả quần thể cỏ kim tuyến trên đỉnh Tây Côn Lĩnh
 
Khi đó, ở Việt Nam chẳng ai biết loại cỏ này, cũng không có trong sách. Ông Lâm bảo rằng, loài cỏ này là một vị thuốc cực quý, quan trọng thứ nhì trong bài thuốc chữa ung thư mà ông sử dụng để cứu mình.
Loài cỏ này thực sự là thần dược. Tôi ăn bát canh có lá kim tuyến, thấy sức khỏe hồi phục rất nhanh. Những lúc đi rừng mệt quá, không muốn bước nữa, chỉ cần bứt lá kim tuyến nhai sống, lại tiếp tục đi được.
 
Hồi trèo lên độ cao 2.800m, thấy loài cỏ này, ông Lâm đã xúc động trào nước mắt và ông tin rằng mình sẽ sống được. Ông cứ ngắt lá, thân, rửa qua nước suối rồi nhai tất. Thế mà sức khỏe hồi phục rất nhanh. 
 
Hồi sống trong hang đá ở Tây Tạng, các thiền sư đã chỉ cho ông Lâm loài cỏ này. Nhưng Tây Tạng cũng rất hiếm, bởi người Trung Quốc kéo lên săn lùng suốt bao nhiêu năm.
 
Ngày đó, tôi đã mang cỏ nhung về Hà Nội, hỏi một số giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành đông y, dược học. Tuy nhiên, ngày đó, chẳng vị nào biết về loại cỏ này. Có vị còn bảo nó chả có giá trị gì cả. 
 
Nhưng rồi, về sau Trung Quốc phát hiện ở Việt Nam có loài cỏ này, đã thu mua ráo riết. Ở ngoài Bắc thì gọi nó là cỏ nhung, còn trong Tây Nguyên thì gọi là cỏ kim cương. 
 
Lương y Thanh đào thuốc quý
Lương y Thanh đào thuốc quý
 
Trong khi các thương lái thu mua với giá bạc triệu cho một kg cỏ kim tuyến tươi, thì một số nhà dược học của ta vẫn khẳng định trên báo chí rằng loài cỏ này có giá trị rất thấp, chỉ sánh ngang… lá lốt.
 
Có vô số loài cây cỏ bí ẩn, là những thần dược thực sự, nhưng chưa được biết đến. Vậy nên, người Trung Quốc vô tư thu mua những cây cỏ quý với giá… cỏ rác.
 
Ông Lâm vốn có bao năm bôn ba Trung Quốc, làm việc và sống với người Trung Quốc, nên ông biết họ cực kỳ cao thủ trong việc thu mua nguyên liệu thảo dược từ nước ngoài. 
 
Họ không bao giờ họ tiết lộ công dụng của những thứ mà họ sẽ mua. Bởi vì, nếu công dụng của thứ họ mua lộ ra, người khác sẽ biết cách chế biến, sử dụng, như vậy, họ sẽ khó thu mua tiếp, hoặc phải thu mua với giá cao.
 
Hồi ông Lâm mới vào Hoàng Liên Sơn sống với thú hoang, cỏ nhung mọc lan khắp các hốc cây, bụi rậm. Thậm chí, chúng mọc đầy trong vườn thảo quả của đồng bào. Đồng bào phải nhổ bỏ đi.
Có lần, ông Lâm nấu bát canh cỏ nhung cho tôi ăn, ông bảo: “Chú thân với cháu lắm, chú mới tiết lộ cho cháu về cây cỏ này. Cháu có biết người Trung Quốc và người Nhật mua cây cỏ này với giá bao nhiêu tiền không?”.
 
Thấy loài cỏ này mọc đầy trong rừng, tôi đoán bừa cỡ trăm ngàn. Tôi ngã bổ chửng khi ông Lâm tiết lộ rằng, người Trung Quốc mua ở Tây Tạng với giá 5 triệu đồng/kg tươi dính cả đất ở rễ.
Người Nhật còn mua nó với giá đắt hơn nhiều. Nếu là cỏ nhung khô thì có giá trên 100 triệu đồng/kg. 
Mới đây, trở lại đại ngàn Hoàng Liên Sơn, lang bạt trong rừng, ông Lâm đố tôi tìm được cây cỏ nhung nào. Tôi và ông đi rạc cẳng chẳng kiếm nổi một cây. 
 
Một củ thuốc quý hơn cả nhân sâm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh
Một củ thuốc quý hơn cả nhân sâm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh
 
Hóa ra, người Trung Quốc phát hiện ở Hoàng Liên Sơn có cỏ nhung, họ thuê đồng bào Mông đi hái. Không đầy một năm, cỏ nhung trong đại ngàn Hoàng Liên bị nhổ sạch. 
 
Lúc đầu, người Trung Quốc mua với giá 50 ngàn/kg, sau tăng lên 100 ngàn, 500 ngàn, 2 triệu đồng, và khi cỏ nhung được thu mua với giá 5 triệu đồng cho một kg cây tươi gồm cả rễ dính đất, thì Hoàng Liên Sơn đã sạch bóng loài cỏ này. 
 
Theo ông Trần Ngọc Lâm, các thiền sư Tây Tạng sử dụng cỏ nhung để tăng cường sức khỏe, giải độc cơ thể, điều trị ung thư. Vận động viên của Trung Quốc thường dùng cỏ nhung trước các cuộc thi đấu bởi nó có tác dụng chẳng kém gì doping. Viện quân y Trung Quốc sử dụng cỏ nhung cùng một số vị khác trong điều trị ung thư từ rất lâu rồi. 
 
Nhưng cỏ nhung có một tác dụng thần kỳ mà người Việt không biết, đó là có khả năng tái tạo tế bào, đặc biệt là tái tạo tế bào gan. Với tác dụng này, cỏ nhung thực sự là thần dược, cỏ trường sinh, quý hơn vàng ròng. 
 
Mặc dù biết giá trị rất lớn của cỏ nhung, song lương y Thanh không thu hái cây nào. Anh đánh dấu quần thể cỏ nhung trên bản đồ địa danh thuốc quý của mình.
 
Còn tiếp… 
 
Theo VTC News