Kỳ 3: Sai nhiều, xử lý ít
Cập nhật lúc 08:34, Thứ sáu, 21/09/2012 (GMT+7)
Nạn sử dụng CMND “ma” để tuồn hàng ra ngoài tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn cứ tồn tại trước sự bất lực của cơ quan chức năng.
Những ngày chúng tôi có mặt tại cửa khẩu Mộc Bài, một “cò” tên Bằng phân tích, một chai rượu Louis Cognac XO (Pháp) sẽ được bán với giá gần 3,9 triệu đồng/chai (đã tính thuế), nhưng “cò” có thể mua được giá gốc chỉ hơn 1,9 triệu đồng/chai, thì đã lời khoảng 2 triệu đồng. Sau đó, dân buôn đem đi tiêu thụ sẽ lời trên mỗi chai từ 300.000 - 500.000 đồng nữa.
Ông Nguyễn Nam Hồng Sơn, Phó trưởng chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Cục Hải quan Tây Ninh), cho biết người cho thuê CMND cũng là một dạng gian lận thương mại nhưng khó để có thể xử lý được vì họ đã bán sức mua và mua hàng giùm đúng quy định. Tuy nhiên, lợi dụng chính sách mua hàng miễn thuế (đối với người Việt, mỗi CMND được mua tối đa 500.000 đồng/ngày, người Campuchia mua tối đa 10 triệu đồng/ngày - PV), một số “cò” đã bắt tay với doanh nghiệp và giới buôn bên ngoài để tuồn hàng đi nhiều nơi tiêu thụ.
Vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài đã xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm. “Nhân viên hải quan phát hiện doanh nghiệp bán hàng không đúng đối tượng lần 1 thì sẽ đề nghị đình chỉ kinh doanh trong 30 ngày, nếu tái phạm sẽ đình chỉ vĩnh viễn; người mua sẽ bị xử phạt và nộp thuế theo quy định”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, những ngày qua, chúng tôi tiếp tục bắt gặp nhiều “cò” đang hối hả tuồn hàng ra khỏi khu vực siêu thị miễn thuế. Tại khu vực “sát nách” trạm kiểm soát hải quan, nhiều “cò” còn vô tư leo qua hàng rào cao hơn 2 m, chuyển theo hàng chục thùng sữa Ensure vào bên trong nhà vệ sinh qua một lỗ thông gió. Cùng lúc đó, một nhóm “cò” khác bên trong đón hàng và chuyển ra ngoài. Một số dân buôn khác còn hoạt động dưới vỏ bọc là khách du lịch.
Có thể xử lý hình sự
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho biết việc xử lý các hành vi vi phạm về sử dụng giấy CMND được quy định trong Nghị định số 73/2010/NĐ-CP. Theo đó, tại điều 12 của nghị định này quy định, đối với hành vi sử dụng giấy CMND của người khác không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; đối với hành vi thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn giấy CMND và hành vi sửa chữa, tẩy xóa giấy CMND cũng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; riêng đối với hành vi làm, sử dụng giấy CMND giả thì bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng; hành vi sử dụng CMND để thế chấp nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.
Theo luật sư Hậu, các hành vi nói trên không chỉ dừng lại ở mức độ vi phạm hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo bộ luật Hình sự, cụ thể: Điều 139 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Điều 161 về tội trốn thuế; Điều 266 về tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức; Điều 267 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Điều 268 về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội.
Theo Thanh niên
.