Ở đâu đấy ta vẫn nghe người đời truyền tụng về bùa phép. Có những người vẫn tin vào bùa phép bất chấp sự giải thích của khoa học và nghiêm nghị của pháp luật, từ đó tự chuốc lấy những hậu quả khó lường. Vậy bùa phép là gì và nguồn gốc của nó có từ đâu. Sau đây là những chia sẻ của GS-TS, chuyên gia tâm lý Vũ Gia Hiền
Người bị tự kỷ ám thị bằng sự thôi miên kiểu bùa phép không mất ý chí cuộc sống thường ngày, thậm chí còn trở nên “ma thuật” để lừa người khác. Do tin vào thần linh của bùa phép nên họ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, tính toán làm ăn và liều lĩnh hơn... vì thế có thể đem lại cho họ những thành công nhất định, từ đó bùa phép trở thành cứu cánh đối với họ.
Khi đã tin người ta thêu dệt thêm về bùa phép và cứ thế lan truyền trong xã hội và trở thành sự tin tưởng của một số người. Trong xã hội hiện đại việc dùng bùa phép vẫn còn tồn tại ở những dân tộc lạc hậu, thậm chí một số người ở các nước tiên tiến vẫn tin vào bùa phép nhưng ở bậc cao hơn, gọi là “chiêm tinh học”. Chiêm tinh học có cùng nguồn gốc với phù thủy chỉ thay đổi hình thức bằng các kiến thức khoa học hiện đại như thay giấy vẽ bùa bằng loại đá nào đó như hóa thạch, đá thiên thạch, đá núi lửa...
Về bản chất chiêm tinh học cũng giống với phù thủy ở chỗ thôi miên tâm lý và chỉ khác vật thể thôi miên mà thôi. Vì vậy, việc cảnh giác các hiện tượng bùa phép, chiêm tinh, bói toán... là điều hết sức quan trọng trong xã hội hiện đại vì xã hội hiện đại người ta có kỹ thuật thôi miên tâm lý cao hơn ngày xưa.
Về mặt hiện tượng thôi miên thì thôi miên không có lỗi, người ta có thể sử dụng thôi miên để điều trị tâm lý theo phương pháp tâm lý trị liệu. Tuy nhiên, một số kẻ lợi dụng phương pháp thôi miên này dưới nhiều góc độ khác nhau và gán cho nó các trò yêu thuật, phù thủy cũng khác nhau, dẫn đến một số người tin vào bùa phép.
Không cảnh giác rước họa vào thân
Ngày nay chúng ta đã am hiểu khoa học nhưng ít ai nghiên cứu về yêu thuật, xảo thuật của phù thủy nên ở đâu đó vẫn tồn tại nhận thức về bùa ngải như một sự huyền bí, thần linh. Ở đấy, phù thủy sử dụng kinh nghiệm về các loại cây thuốc, cây có độc tố, trong khi chúng ta không thực sự điều tra khoa học, chỉ dùng biện pháp hành chính dẫn đến sự đối lập với thủ đoạn ngày càng tinh vi của nhóm lợi dụng khoa học biến khoa học thành công cụ huyền bí.
Một số người ngày nay có học hành nhưng do không có đủ nhận thức để phân tích nguồn gốc của ngải nên đã xếp “bùa ngải” thành chung một hiện tượng mà họ cho là có thật. Về mặt tâm lý, khi người ta tin thì người ta dùng mọi biện pháp, lời lẽ để biện hộ cho cái người ta tin, trong khi đa phần giới trẻ không tin nhưng lại thiếu sự hiểu biết về bản chất của “ngải”, cũng như “bùa”. Từ đó, người ta trở nên hoang mang; còn số khác thì chủ quan phán đoán, không nghiên cứu sâu về bản chất của hiện tượng “bùa ngải” đã vội kết luận là mê tín dị đoan, trong khi những “phù thủy” thì tìm mọi cách để moi móc tiền của nhóm người đang bị mê hoặc.
Mặc dù chính quyền đã cấm rất quyết liệt nhưng chưa giải quyết được triệt để cũng là do “có cung thì có cầu - có cầu thì có cung”. Nhóm người tin vào “bùa ngải” không dừng lại ở đấy mà còn lôi cuốn những người khác vào cuộc và càng làm cho câu chuyện phức tạp.
Trong xã hội hiện đại nhưng không phải khoa học đã đủ khả năng giải thích được tất cả bản chất của tự nhiên, vì thế những người hành nghề phù thủy còn biến hình, biến tướng dưới nhiều góc độ phức tạp khó lường. Nếu chúng ta không làm sáng tỏ về bản chất của ngải với bùa thì vấn đề bùa ngải sẽ trở nên phức tạp. Qua bài báo này tác giả xin chuyển đến quý độc giả về quan niệm “ngải” chỉ là sự lợi dụng chất hóa học của một số loài cây trong tự nhiên, lợi dụng hóa chất để lừa đó là “ngải”.
Nếu ta không cảnh giác thì tự ta chuốc vạ vào thân.
Theo NTD