(BVPL) - Không lãng mạn như những xe ngựa kết đầy hoa trên những con đường ven đồi thơ mộng, cũng không hùng dũng phi nước đại trên những thảm cỏ xanh ngút mắt ở cao nguyên, những chú ngựa ở xứ Nghệ nghèo nàn suốt ngày nhẫn nhục rong ruổi trên những tuyến đường phố thị, mang trên mình số phận ngựa thồ, gầy xác xơ như chính người đang cầm cương điều khiển chúng.
 


Khổ cực là vậy, nhưng nghề ngựa thồ ở đây vẫn không bị mai một, khi những chuyến xe ngựa thồ từ Thạch Hạ, Thạch Trung, Thạch Linh… vẫn ngày ngày rảo bước “lóc, cóc” trên đường phố, những chú ngựa vẫn cứ nhẫn nại kéo xe, kéo mơ ước của những người phu ngựa đi lên thoát cảnh đói nghèo. Như nhà ông Mến, nghề chủ lực là làm ruộng, nhưng ruộng đất ngày một bị thu hẹp, cả nhà sống chờ vào từng chuyến xe ngựa của ông, vậy mà hàng chục năm nay cả gia đình chưa từng đứt bữa, mấy đứa con của ông đều học hết cấp 3…. Gia cảnh phu ngựa tên Minh thì khá hơn, từ những chuyến xe ngựa nhẫn nại này, anh đã nuôi 02 đứa con ăn học đại học, viết tiếp ước mơ thoát nghèo, thoát kiếp ngựa thồ long đong.

Theo tâm sự của các “xà ích” ở đây, thì thu nhập không đều, nhưng trung bình mỗi ngày cũng kiếm được 100-150 ngàn đồng, chủ yếu chở vật liệu xây dựng, xi măng, cát, sỏi cho các đại lý gần đó, và thường là những mối quen thân lâu năm. “Đã có lúc muốn bán quách ngựa đi cho những người mua nấu cao, nhưng cứ nghĩ cái kiếp ngựa đã gắn bó với mình hàng chục năm nay, là cần câu cơm cho cả gia đình mà giờ định bán đi thì không biết làm chi ăn, nên đành để lại để cầm cự qua ngày….”- một “xà ích” tâm sự.

Lòng chợt chùng xuống, khi bắt gặp ánh mắt buồn bã của một “xà ích” đang nhìn về chú ngựa đứng buồn ủ rũ cạnh chiếc xe cũ kỹ. Thăm thẳm trong ánh mắt đó chứa đựng niềm hy vọng tột cùng về một tương lai tương sáng cho những đứa con. Bởi hơn ai hết, họ không muốn con mình tiếp tục gắn bó với kiếp người - phu ngựa.
 

Thành Phong

.