Vào mùa cưới, từ các làng quê đến thành thị, nơi nào cũng có người làm dịch vụ nấu cỗ thuê, đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Ăn theo các đám cưới còn có những dịch vụ, như: giết heo (gà, bò…) thuê, hát đám cưới, làm MC…, giúp nhiều người kiếm thêm một khoản thu nhập kha khá.

Ngồi mài lại những con dao thêm sắc lẹm, ông Tiến cho hay, thù lao ông nhận được từ gia chủ đôi khi là tiền, nhưng cũng có lúc vài ba cân thịt đem về cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Theo ông, khi có đám tiệc, ngoài chuyện phục vụ các món ăn như ở nhà hàng, nhiều người muốn rình rang cho vui nhà vui cửa còn thuê ông giết hộ heo (dê, bò…) để chế biến thêm vài món ăn. “Cuối tuần không có việc gì làm, làm thịt gia súc, gia cầm thuê kiếm thêm chút ít cũng tốt. Ở nhà ngồi không chán lắm, lại sinh tật nhậu nhẹt không hay” - vừa nói xong, ông Tiến đã chuẩn bị “đồ nghề” đi giết heo cho một người ở trong xóm.

Không cần chạm tay đến dao, kéo hay dầu mỡ, những người đi hát thuê cũng có thể kiếm bộn tiền vào mỗi dịp cưới. Họ là các “ca sĩ” không chuyên nhưng biết chọn những bài hát sôi động, hợp với yêu cầu của khách hàng. “Hiện nay, các đám cưới thuê những người chơi nhạc sống là bình thường. Bây giờ, ngoài nhạc phải có người biết hát, biết nhảy để khuấy động không khí bữa tiệc. Không cần giọng hát thật hay như ca sĩ hay MC chuyên nghiệp đâu…” - Ngọc Danh (25 tuổi, một người chuyên hát nhạc đám cưới) kể lại.

Vào những ngày cuối tuần, Danh có thể chạy “sô” từ 3-5 đám bất kể giờ giấc. Với công việc này, thu nhập thêm của Danh từ 200-300 ngàn đồng/ngày. Tất bật chuẩn bị đi hát cho một tiệc sinh nhật, chàng ca sĩ không chuyên không ngần ngại cho biết: “Sở thích của mình là hát hò, tụ tập ở chỗ đông người đem niềm vui, góp thêm tiếng cười cho mỗi dịp hiếu hỉ. Ngày thường lại quay về với công việc ở công ty, xí nghiệp”.

Cuối năm, các đôi  bạn trẻ kết duyên nên nghĩa vợ chồng không chỉ mang điều tốt lành cho những người trong cuộc, mà còn mang đến niềm vui với nhiều người làm công việc thời vụ, như: nấu cỗ, phục vụ lễ tân, ca hát.
 

Theo Báo Đồng Nai

.