Hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) là khoảng không gian dọc theo đường dây để bảo vệ an toàn cho đường dây dẫn điện, được quy định rõ trong Nghị định số 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Hành lang này cũng được hiểu là khoảng cách bảo đảm an toàn cho người và gia súc… Tuy nhiên thực tế cho thấy, công tác bảo đảm HLATLĐ trên địa bàn Dak Lak, đặc biệt là lưới điện cao áp trong thời gian qua vẫn chưa được quan tâm đúng mức…
Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật - An toàn Công ty Điện lực Dak Lak cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện đang tồn tại hàng trăm kiểu vi phạm HLATLĐ mà khó có thể kể hết được, thường tập trung ở các khu vực trung tâm, đông dân cư như: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã, Buôn Hồ và các thị trấn… Các vi phạm HLATLĐ chủ yếu là việc xây dựng phần xa-nô, mái hiên nhà, việc lắp đặt các biển quảng cáo nhô ra sát với đường dây trung áp; việc dựng giàn giáo thi công các công trình nằm gần sát đường dây điện; xe đổ bê-tông tươi có cần vươn cao tại các công trình nằm gần các tuyến đường điện trung áp… Đối với một số biển hiệu quảng cáo, quá trình cấp phép của các cơ quan chức năng chủ yếu là xem xét về mặt nội dung, phần kết cấu ít được đề cập đến, được lắp đặt trên các tòa nhà cao tầng, rất dễ ngã đổ vào đường dây điện khi có gió, bão. Đối với khu vực nội thành, một số trạm biến áp ở gần khu vực chợ, nơi tập trung đông người, bị người dân “trưng dụng” để đồ đạc, quây dựng lều bạt… gây mất an toàn. Ngoài ra, việc treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền của một số cơ quan, đơn vị đôi khi đã để xảy ra va quệt vào kết cấu lưới điện, trạm biến áp gây mất an toàn cho lưới điện.
Một trong những dạng vi phạm HLATLĐ nữa, mà theo ông Sỹ là do “lịch sử để lại”, rất khó giải quyết. Đó chính là hồ sơ pháp lý của một số đường dây tiếp nhận từ các nông trường, các tổ chức mua bán điện trước đây nên trong công tác quản lý và giải quyết khiếu nại về HLATLĐ cũng như giải quyết các công trình nằm trong hành lang tuyến rất phức tạp và khó khăn. Một số đường dây đi ngang qua khu vực rừng đặc dụng, Vườn quốc gia, các nông trường cao su… cũng đang là vấn đề nan giải cho việc bảo vệ HLATLĐ.
Khó giải quyết triệt để
Theo thống kê của Công ty Điện lực Dak Lak, trong năm 2009, trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 786 trường hợp vi phạm HLATLĐ. Con số này đến cuối năm 2013 giảm xuống còn 280 vụ, và đến thời điểm này vẫn còn 253 vụ vi phạm HLATLĐ chưa giải quyết được. Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, nguyên nhân còn tồn đọng số lượng lớn các vụ vi phạm HLATLĐ như vậy là do một số cơ quan chủ quản, cá nhân vi phạm nhưng cố tình không khắc phục. Trong khi đó, một số chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác phối hợp, giải quyết vi phạm…
Ông Sỹ dẫn chứng: Tại khu vực đầu đường Lê Thánh Tông (TP. Buôn Ma Thuột) hiện đang tồn tại 5 trường hợp vi phạm HLATLĐ, chủ yếu là do kết cấu nhà bê tông xây dựng rất gần đường dây trung áp. Đã vậy, phía trước nhà còn dựng lên các biển quảng cáo bằng kim loại, vi phạm nghiêm trọng khoảng cách hành lang bảo vệ lưới điện cao áp. Hằng năm, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đều có báo cáo và phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột lập biên bản vi phạm đối với những trường hợp này. Thậm chí, tháng 11-2011, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có quyết định xử phạt hành vi vi phạm HLATLĐ. Tuy nhiên đến nay tình trạng này vẫn còn tồn tại và chưa xử lý được.
Tương tự, đối với đường dây đi qua các khu rừng đặc dụng, các vườn cây cao su… thì việc chặt tỉa cây để bảo đảm HLATLĐ càng khó khăn, phức tạp hơn. Mỗi khi phát hiện có trường hợp vi phạm, ngành điện chỉ biết thông báo đến đơn vị chủ quản (hoặc chủ sở hữu) chứ không đủ thẩm quyền để xử phạt hoặc giải tỏa. Trường hợp nào cần thiết lắm thì đơn vị phụ trách chỉ có thể chặt tỉa những cành nhỏ, sau đó lập biên bản vi phạm gửi chính quyền địa phương theo đúng trình tự quy định. Tuy nhiên, hầu như những thông báo, những biên bản vi phạm HLATLĐ đều không được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết. Đơn cử là trường hợp vườn cây cao su của ông L.Q.Tr. ở xã Ea Khal, huyện Ea H’leo vi phạm HLATLĐ, Điện lực Ea H’leo đã gửi thông báo bằng văn bản cho UBND huyện và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện từ tháng 8-2012 đề nghị xử lý. Tuy nhiên, vi phạm này đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng ở địa phương giải quyết triệt để.
Thời gian qua, ngành điện đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo đảm HLATLĐ, cùng với đó là tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xử lý những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, thực trạng vi phạm HLATLĐ sẽ rất khó được giải quyết triệt để nếu như không có sự phối hợp tích cực, có trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan. “Chúng tôi có cảm giác là ngành điện đang đơn phương một mình. Chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm, giải phóng HLATLĐ mà xem đây là trách nhiệm của riêng ngành điện. Nếu cứ như vậy thì sẽ rất khó có thể bảo đảm an toàn cho lưới điện. Thực tế là đã có nhiều vụ phóng điện gây chết người, gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội…” – ông Sỹ bức xúc.
Theo Báo Đaklak