Ông Địch giật mình không phải vì khoản tiền khổng lồ mà ông khách lạ bỏ ra để mua lại “khúc gỗ”, mà trước đấy, ông nghĩ trên thế gian này chỉ có mình ông là người “rồ dại”.
Ngay sau khi ông khách Trung Quốc không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lại chiếc mỏ neo, chủ quán bia đã “liều mạng” viết một bức thư dài, chụp ảnh gửi đến nhà sử học Dương Trung Quốc.
Năm 2002, một đoàn khách du lịch người Trung Quốc vào quán bia của ông để giải nhiệt. Sau mấy chầu bia bọt, một ông khách to béo, sang trọng bỏ cuộc nhậu và đắm đuối nhìn hai chiếc mỏ neo của ông.
Sau đó, ông này đã nhờ cô hướng dẫn viên phiên dịch giúp, ngỏ ý muốn mua lại một chiếc mỏ neo hai ngạnh với giá... 30.000 USD. Lúc ấy, 30 ngàn đô, tính theo giá vàng là cả một gia tài. Ông Địch chỉ cười, vì ngỡ rằng ông khách Trung Hoa nói đùa.
Nhìn vẻ mặt của ông Địch, vị khách du lịch lại nghĩ mức tiền mà ông trả xem ra chưa hợp lý. Sau mấy ngày vào Sài Gòn theo tuor, ông này quay trở lại và quyết định nâng giá lên gấp... năm lần: 150.000 USD. Bây giờ thì đến lượt ông Địch giật mình.
|
Tiến sỹ Long đã mời các bạn nghiên cứu nước ngoài của mình vào cuộc để tìm hiểu về hai "khúc củi" của ông Địch. |
|
Lớp vỏ gỗ của chiếc mỏ neo đã "lên nước" theo thời gian. |
|
Các chuyên gia nước ngoài trong thời gian nghiên cứu, tìm hiểu chiếc mỏ neo của ông Địch. |
Ông Địch giật mình không phải vì khoản tiền khổng lồ mà ông khách lạ bỏ ra để mua lại “khúc gỗ”, mà trước đấy, ông nghĩ trên thế gian này chỉ có mình ông là người “rồ dại”.
Sau đấy nghĩ lại, ông mới lờ mờ suy đoán, chắc hẳn đây là một cổ vật có giá trị lịch sử rất lớn chứ không chỉ đơn thuần là một vật vô tri bấy lâu nay trầm tích dưới sông Hồng, được người ta tình cờ phát hiện.
Năm 2006, ông Địch tiếp một đoàn khách nước ngoài gồm các chuyên gia nghiên cứu đến từ bốn nước: Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Úc. Trước khi đoàn này đến là cả một câu chuyện dài, và rất dài.
Ngay sau khi ông khách Trung Quốc không ngần ngại bỏ ra khoản tiền lớn để mua lại chiếc mỏ neo, ông chủ quán bia Quách Văn Địch đã “liều mạng” viết một bức thư dài, chụp lại ảnh chiếc mỏ neo mang đến gửi nhà sử học Dương Trung Quốc.
Trong thư, ông Địch viết rằng ông đang có hai chiếc mỏ neo rất kỳ lạ và cổ kính, tuy không phải là chuyên gia nhưng ông biết nó là những thứ mà các nhà sử học cần, nhất là khi địa điểm trục vớt được hai chiếc mỏ neo này nằm ở đoạn hiểm nhất của con sông Hồng, ngay trước cửa Bạch Đằng, Hàm Tử Quan, Bến Gỗ - những địa danh mà nhắc đến cũng khiến một người vô tình nhất cũng có liên tưởng đến những cột mốc lịch sử.
Hai hôm sau ông Dương Trung Quốc đến, dẫn theo một chuyên gia ngành khảo cổ, tiến sỹ Vũ Thế Long. Cả ông Quốc và ông Long sửng sốt trước hai chiếc mỏ neo kỳ lạ này, và hai ông hứa sẽ không vô tình.
|
Ông Nguyễn Văn Mười - người dân làng chài Bãi Giữa (sông Hồng) - người tìm thấy chiếc mỏ neo cổ hai ngạnh trong một lần đi... xăm củi! |
|
Ông Địch và ông Mười trong một lần ngồi cùng nhau bên bến sông Hồng. |
Lời hứa của ông Quốc và ông Long dẫn tới câu chuyện mà chúng tôi vừa nhắc đến, đó là sự xuất hiện của các chuyên gia, giáo sư đầu ngành... của những nước có ngành hàng hải phát triển. Và, những người khách lạ đến tìm hiểu nghiên cứu về chiếc mỏ neo cổ của ông Địch là những chuyên gia kỳ cựu đó.
Đoàn nghiên cứu sau khi tìm hiểu, quan sát hình dáng, đặc điểm bên ngoài đã cẩn thận lấy mẫu vật về giám định để xác định niên đại hai chiếc mỏ neo này. Theo đó, chiếc mỏ neo một ngạnh có tuổi đời từ khoảng thế kỷ 13. Còn chiếc mỏ neo thứ hai, hai ngạnh có niên đại khoảng thế kỷ 15.
Hai chiếc mỏ neo đều được làm bằng những loại gỗ tốt, họ cây bồ kết, và là một phần của những chiếc tàu lớn, chưa xác định cụ thể là tàu buôn hay tàu chiến thuộc các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Nghe được những thông tin chính xác từ các chuyên gia này, ông Địch là người hạnh phúc nhất. Ông ngỡ ngàng hiểu ra, bấy lâu nay ông đang sở hữu những cổ vật độc nhất vô nhị, nó là minh chứng cho cả một giai đoạn lịch sử quan trọng cho thấy sự phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, hay chí ít cũng là nhân chứng của một thời kỳ kinh tế giao thương phát triển của thời kỳ phong kiến.
“Nhóm chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ phía Việt Nam về phương pháp nghiên cứu và thậm chí cả việc kêu gọi tài trợ để lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu”, Randall Sasaki, nghiên cứu sinh tiến sĩ của INA khẳng định.
“Qua so sánh với những mỏ neo gỗ trục vớt được ở Nhật năm 1994 (đã được xác định có từ thời Nguyên Mông, thế kỷ thứ 13), cảm giác của tôi là có vẻ như hai chiếc này ra đời muộn hơn”, Jun Kimura, nghiên cứu sinh tiến sĩ của Flinder University, nhận xét.
Bây giờ, ông Địch đã nghỉ bán bia. Hai chiếc mỏ neo cổ mà vô tình ông mua được, ông đặt nó ở vị trí trang trọng nhất trong nhà, như đồ gia bảo.
Theo Vietnamnet