Điều đáng nói, nhận định về hợp đồng này, Tòa án đã thể hiện sự bất nhất…

Theo phản ánh, vợ chồng ông Võ Ngọc Thạch và bà Phan Phạm Thị Lệ Hà là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và bị đơn là Cty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh (Cty Cam Ranh). Trước đó, do vợ chồng ông Thạch có quan hệ họ hàng với ông Võ Ngọc Hiệp - chủ Xí nghiệp tư doanh chế biến thủy sản Cam Ranh (XN Cam Ranh) nên ông Hiệp nhờ vợ chồng ông Thạch dùng 04 tài sản là nhà, đất tại TP. Cam Ranh thuộc quyền sở hữu, sử dụng của 2 vợ chồng để ký kết Hợp đồng bảo lãnh giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 01/HĐBL/THACH ngày 1/6/2006 để bảo đảm cho các khoản vay của XN Cam Ranh tại Agribank Chi nhánh Khánh Hòa và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Nha Trang.

Tại Điều 11 hợp đồng bảo lãnh trên có nội dung: Hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm. Tuy nhiên, cho đến nay, hợp đồng này chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm. Theo quy định của pháp luật thời điểm này, cụ thể tại khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP: “… hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất... (VPĐKQSDĐ)”. Như vậy, Hợp đồng này không phát sinh hiệu lực, không có giá trị pháp lý do không đăng ký giao dịch bảo đảm tại VPĐKQSDĐ.

leftcenterrightdel
Một trong những tài sản nhà đất của vợ chồng ông Thạch 

Bên cạnh đó, tháng 10/2010, XN Cam Ranh đã chuyển đổi thành Cty TNHH Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cam Ranh (Cty Cam Ranh), là một công ty TNHH 2 thành viên. Khi có sự thay đổi pháp nhân mới, các khoản nợ cũ của XN Cam Ranh đã được chuyển giao sang cho Cty Cam Ranh. Tuy nhiên, khi chuyển giao nợ này thì các ngân hàng cũng như XN Cam Ranh không hỏi ý kiến vợ chồng ông Thạch về việc có tiếp tục bảo đảm cho khoản nợ chuyển sang công ty mới này hay không? Vợ chồng ông cũng không ký kết bất cứ văn bản nào để bảo lãnh, thế chấp tài sản cho Công ty mới này. Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, nếu không có thỏa thuận khác”. Theo ông Thạch, như vậy, khi chuyển nợ từ XN Cam Ranh sang Cty Cam Ranh (pháp nhân mới), không có sự đồng ý của vợ chồng ông nên hợp đồng bảo lãnh đã ký cũng đương nhiên chấm dứt hiệu lực.

Do giữa XN Cam Ranh và Vietcombank phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng nên ngày 5/1/2009, Vietcombank đã khởi kiện XN Cam Ranh ra TAND tỉnh Khánh Hòa để yêu cầu thanh toán tiền vay và xử lý các hợp đồng bảo lãnh, thế chấp, trong đó có Hợp đồng bảo lãnh 01 năm 2006. Tại Bản án số 13/2009/KDTM-ST ngày 24/9/2009 của TAND tỉnh Khánh Hòa (đã có hiệu lực pháp luật) xét xử tranh chấp nêu trên đã nhận định Hợp đồng bảo lãnh 01 không có hiệu lực do không đăng ký giao dịch bảo đảm. Do đó, bản án không hề tuyên phải xử lý tài sản theo Hợp đồng bảo lãnh 01. Tuy nhiên, khi xử vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng phát sinh giữa Cty Cam Ranh và Agribank, Bản án số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/10/2016 của TAND tỉnh Khánh Hòa lại tuyên Hợp đồng bảo lãnh số 01/2016 có hiệu lực. Như vậy, có thể thấy, cùng là một cấp tòa của TAND tỉnh Khánh Hòa, nhưng nhận định và phán quyết về cùng 1 giao dịch bảo đảm lại hoàn toàn khác nhau?.

Bản án số 04/2016/KDTM-ST sau đó đã bị vợ chồng ông Thạch kháng cáo, đến ngày 25/5/2018 (tức là sau 1 năm rưỡi), TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mới đưa vụ án ra xét xử và tiếp tục tuyên Hợp đồng bảo lãnh số 01 ngày 1/6/2006 có hiệu lực.

Nhóm PV