(BVPL) - Đi miền núi nhiều rồi, đã quá quen với hình ảnh rách rưới, phong phanh của những đứa trẻ, nhưng không thể không xót xa khi trời lạnh đến vài độ C, lũ trẻ cứ phong phanh không quần, thiếu áo, tím tái, run rẩy... Dẫu biết, con trẻ vùng cao quen chịu khổ và cũng có sức đề kháng cao, nhưng thật ra, cũng bởi cái nghèo mà phải cắn răng chịu đựng. Chính thế, khi chúng tôi lên những đồn biên phòng vùng cao, mang quần áo cũ trẻ em lên, anh em trong đội vận động quần chúng quý lắm.
 


Rưng rưng khi thấy bọn chúng loay hoay mãi không bóc nổi lớp giấy bóng kính bọc ngoài chiếc kẹo - miếng bánh và có đứa còn khóc òa khi... bất lực, mắt vẫn một màu lóng lánh nước mắt trong. Các cô giáo kể: Đường đi học của chúng xa lắm, đứa trên núi xuống - đứa thung lũng lên, nên mỗi sáng, chúng phải dậy từ rất sớm và về đến nhà khi trời đã nhập nhẹm tối. Bởi thế, trước mỗi mùa rét, các thầy cô lại bảo nhau huy động người thân xin quần áo cũ, cất trong lớp làm “cơ số dự phòng”, đứa nào thiếu áo - đường xa - gặp sương mưa, sẽ lấy ra ủ ấm cho chúng và lúc nào cũng dặn “xong trả lại để cho bạn khác dùng”, nhưng chả khi nào chúng trả.

Lý giải về điều này, một giáo viên dạy tiểu học, người Tuyên Quang, đã công tác ở đây được 3 năm cho biết: “Mỗi chiếc áo - đôi ủng này sẽ được... dùng chung cho cả mấy anh chị em trong gia đình. Có khi còn được để dành, đợi dịp Tết mới mang ra mặc!”. Cô cũng không quên nhắc khéo: “Khi nào các anh chị lên lại cho tụi em xin thêm mỗi trường vài chiếc áo - đôi ủng, để dành cho bọn trẻ không có điều kiện đi học nhé!”.

Và chúng tôi biết vẫn còn rất nhiều những đứa khác ở nơi đây chưa thể đến trường cũng như rất nhiều đứa trẻ đang ngóng trông từng manh áo ấm, từng viên kẹo ngọt. Ôi! Thương sao những ánh mắt tròn….!
 

Xuân Hồng

.