Dù chưa có dịp ra thăm Hoàng Sa, Trường Sa để có những ngày đêm cùng ăn, cùng ở và cùng lặn xuống lòng đại dương với những ngư dân để săn tìm hải sản, song vốn lớn lên từ vùng quê nghèo giáp biển, tuổi thơ gắn liền với những ngày trốn dưới khoang thuyền theo cha đi biển, nên tôi hiểu được những hiểm nguy của ngư dân trong cuộc mưu sinh đầy nhọc nhằn đó.
 


Và những ngày được mắt thấy, tai nghe qua truyền hình, đài, báo để thấy rõ hơn những giờ phút nghẹt thở của ngư dân khi vượt qua vùng biển “tử thần” Hoàng Sa, Trường Sa ấy, tôi càng hiểu được cái giá của tự do mà cha ông ta đã đổ bao nhiêu máu xương để có được.

Tôi còn nhớ như in những bài báo viết về những hải trình như: “Nín thở đi qua vùng biển “tử thần”, “10 ngày nghẹt thở trên vùng biển Hoàng Sa” hay “Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa”… của ngư dân. Theo đó, chỉ tính trong hơn 10 năm qua, đã có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Việt Nam, chủ yếu ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi đánh bắt tại đây bị Trung Quốc bắt giữ, cướp tàu và đòi tiền chuộc, thậm chí nhiều người còn bị mất mạng, bị thương…, nhưng điều đó không làm những ngư dân chùn bước mà vẫn can trường bám biển. Những con tàu ngày đêm vẫn rẽ sóng ra khơi bởi trong trái tim của họ, biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa mãi là phần máu thịt thiêng liêng không thể thiếu.

Còn nhớ câu chuyện của ngư dân tên là La ở Quảng Ngãi khi ông đã 3 lần trắng tay vì bị phía Trung Quốc bắt giữ, thu tàu chỉ trong vòng 5 năm. Hai lần trắng tay trở về, ông đi làm thuê nhưng cũng không đủ nuôi vợ con (7 người) trên bờ. Đánh liều ông tiếp tục vay tiền mua tàu để ra Hoàng Sa, Trường Sa. Lần này thì ông cùng 11 thuyền viên tiếp tục bị bắt, thu tàu và đòi tiền chuộc với số tiền vượt ngoài khả năng của một ngư dân nghèo.

Theo ông La, việc ngư dân Việt Nam khi đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ, thu tàu xảy ra như cơm bữa trong những năm gần đây. Hiểm nguy là vậy, nhưng những ngư dân đều xem Hoàng Sa, Trường Sa là nhà của họ, mỗi năm hơn 2/3 thời gian, họ sống và mưu sinh nơi vùng biển đầy nguy hiểm này. “Bà con ngư dân tụi tui một cảnh hai quê. Nhà ở đất liền nhưng cuộc sống thì ở biển. Tất cả miếng cơm manh áo, tài sản và tính mạng đều ở hết ngoài biển nên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa như ngôi nhà thứ hai của chúng tôi vậy”. Chúng tôi rất bất bình trước việc mấy năm gần đây, Trung Quốc thường xuyên tăng cường tuần tra, không cho tàu các nước đánh bắt, bắt giữ vô lý tàu của ngư dân Việt Nam để độc chiếm khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng “ăn cơm dương gian, làm bạn với hà bá” cực khổ trăm bề nhưng quyết không bỏ biển” – ông La khẳng định. Và bộ sưu tập những vỏ ốc biển từ vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa do các ngư dân đánh bắt hải sản ở đây mang về, tại cuộc triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” được tổ chức tại TP. Hà Tĩnh từ ngày 2-8/6/2013 giới thiệu gần 150 bản đồ, tư liệu… đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế… đã minh chứng cho quyết tâm của ông La và những ngư dân Việt Nam vẫn ngày đêm kiên trường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
 

Trần Phong

.