Ba lô, quần áo, đôi giày hầm hố cùng một hộp nhỏ đựng đủ thứ: bông, ga-rô cứu thương, thuốc.., Minh Anh (sinh viên năm thứ 2- Đại học Kinh tế Đà Nẵng) hớn hở khoe: “Em với mấy đứa bạn chuẩn bị phượt Đà Nẵng - Huế 2 ngày”. Không ngại những bất trắc, “phượt” từ lâu là một niềm đam mê đối với nhiều bạn trẻ.

 


 “Phượt” là từ các bạn trẻ thường dùng chỉ những chuyến du lịch “bụi”. Khác với du lịch thông thường, địa điểm “phượt” thường là những nơi độc đáo, hiểm trở. Không cần khách sạn, không cần các địa điểm vui chơi, dân “phượt” có thể tiện đâu nghỉ lại đó. Nhóm cũng rất đa dạng thành phần, có thể là bạn cùng lớp, cùng cơ quan… hay thậm chí chỉ là những người mới quen cùng sở thích. Từ Bắc vào Nam, từ những địa điểm du lịch nổi tiếng: Lào Cai, Lai Châu, Đà Lạt, Đà Nẵng..., hay những chốn được xem là “thâm sơn cùng cốc” như: đèo Hải Vân, đèo Lò Xo… đâu đâu cũng thấy bóng dáng của dân “phượt”. Một chiếc xe máy, số tiền không nhiều, ba lô, máy ảnh với vài thứ cần thiết là đủ để các bạn trẻ đi trong vài ngày, một tuần hoặc thậm chí cả tháng!

Quán cà phê Tuổi Hồng (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) sáng thứ bảy đông khách hơn mọi hôm, tiếng nói cười rôm rả. Được biết, từ thông tin một diễn đàn trên mạng, các bạn trẻ cùng nhau họp mặt để bàn kế hoạch “phượt” Quảng Nam tuần tới. Mặc dù hầu hết chưa quen biết, nhưng do đã được phổ biến trên internet nên các thành viên trong đoàn đều rất hòa đồng .

Để chuẩn bị cho chuyến đi trong tháng sáu này, Huy Cường (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) và các bạn trong đoàn lên kế hoạch một cách chi tiết và tỉ mỉ, Cường chia sẻ “Mình đi “phượt” cũng được ba năm rồi, điều thú vị có được đó là cảm giác thoải mái và chụp được nhiều tấm ảnh đẹp. Du lịch bụi là niềm đam mê của mình suốt thời gian nghỉ hè trong các năm học đại học”. Cùng tham gia với đoàn, bạn Phan Đức (quê ở TP. Vinh - Nghệ An) nói: “Những trải nghiệm từ hành trình khám phá những vùng đất mới có nhiều bất ngờ lẫn khó khăn, nhưng nó giúp những bạn trẻ như mình rèn luyện được kỹ năng sống”.

Những hiểm nguy rình rập

Không ít thành viên của các nhóm “phượt” đều cho rằng, sở thích này đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho tuổi trẻ, thỏa mãn đam mê cá nhân, tuy nhiên, hầu hết đều không phủ nhận những nguy hiểm bất trắc có thể xảy ra trong mỗi chuyến đi.

Trong niềm hớn hở, Mai Thư tâm sự: “Vui thì vui thật nhưng cũng sợ lắm, trên đường xuống đỉnh Phan-xi-păng bọn em bị lạc nhau, điện thoại mất sóng, em với một bạn nữa lang thang trên con đường vắng mãi bốn giờ sau mới tìm được đường ra, nghĩ lại, nhỡ lúc ấy mà có việc gì xảy ra thì ân hận lắm”.

Nhớ về lần “phượt” hè năm ngoái, Phan Đức cũng chia sẻ: “Đi phượt mà bị lạc là… chuyện bình thường. Bạn tớ có lần lang thang trên đỉnh Mộc Châu còn bị rắn cắn, may mà hai bạn đi cạnh đã được học sơ cứu từ trước, nhanh chóng đem đến trạm xá dưới bản”.

Mặt khác, do có những đội hình “phượt” thành viên làm quen trên mạng xã hội, một số người mới, chưa biết nhau, bởi vậy, trên đường đi dễ gặp nhiều bất trắc hơn như mất đoàn kết, thậm chí còn có kẻ trà trộn vào nhóm với mục đích xấu.

Theo Huy Cường: “Phượt” là một thú vui mới của giới trẻ, điều đó không cần bàn cãi, tuy nhiên để có một chuyến “phượt” an toàn, các bạn cần có những kỹ năng trong việc ứng biến với nhiều điều kiện sống khắc nghiệt và những địa hình có tính rủi ro cao”.

Thực tế cho thấy, những năm vừa qua đã có một số trường hợp tử nạn trong những chuyến du lịch bụi khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là lời cảnh báo đối với các bạn trẻ hãy biết coi trọng sức khỏe và tính mạng của mình bởi an toàn vẫn là điều cần đặt lên hàng đầu khi bạn muốn đặt chân đến bất cứ nơi đâu.
 

Anh Trâm