Việc xuất hiện một số trang wedsite với những lời mời hấp dẫn như đi chung, ghép xe nhằm tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc giao thông đã tạo sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh sự hữu ích mang lại, hiện còn nhiều hệ luỵ khó lường.
"Đi nhờ" mất ngay tiền triệu
Không quá khó để bất kỳ ai khi lướt mạng internet đều có thể cập nhật thông tin về việc tìm người đi chung xe, ghép xe hoặc tìm người ghép xe hay xe ghép người… Để mục sở thị, chúng tôi truy cập vào wed dichungxe.vn với hàng loạt lời mời hấp dẫn như: Giao lưu với các bạn là chính. Đi học một mình vừa xa vừa buồn, mình có thể chở các bạn đến khu vực lân cận trường mình hoặc đến trường đại học Công nghiệp, Tôn Đức Thắng (TP.HCM)… Phương tiện đi lại là xe máy, hiện còn một chỗ trống chiều đi và chiều về, thanh toán trả sau, giá cố định... Hãy liên lạc ngay với mình, đón chào người bạn mới. Tương tự là một lời mời của chủ nhân xe máy ở TP. Hà Nội có chiều đi từ Nhà Hát Lớn đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia với mức giá 15.000 đồng.
Không chỉ có xe máy, tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi thu nhận được rất nhiều lời mời đi xe ô tô chung có các chiều đi từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Kạn… về Hà Nội và ngược lại. Trong đó, có ghi cụ thể ngày, giờ khởi hành cùng với mức giá thoả thuận, tất nhiên không thể thiếu số điện thoại liên lạc.
|
Rủ người lạ đi chung xe luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường. (Ảnh minh họa) |
Qua tìm hiểu được biết, đa phần những người đưa ra nội dung trên chỉ nhằm mục đích tìm kiếm bạn đồng hành cho vui, giúp quãng đường đi về có thể ngắn lại và cũng là dịp để mọi người có thể giao lưu, trò chuyện với nhau. Đặc biệt là trong thời buổi kinh tế khủng hoảng, khó khăn vừa có thể tiết kiệm, cắt giảm tối thiểu các khoản chi phí mà cũng là cách thức làm giảm ùn tắc giao thông… Không thể phủ nhận, bên cạnh những tiện ích hữu dụng mang lại thì có không ít trường hợp dính "quả đắng" vì trót rơi vào hoàn cảnh dở khóc dở cười.
Tiếp xúc với PV Người Đưa Tin, anh Nguyễn Quang Anh (trú tại TP.Vinh, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng về những sự việc xảy ra "chớp nhoáng" với mình. Anh Quang Anh cho biết, cách đây khoảng hai tháng anh có việc phải ra Hà Nội gấp. Trước khi đi do tình cờ lướt mạng và biết được thông tin có người đang chuẩn bị khởi hành ra Hà Nội với xe ô tô du lịch nhãn hiệu Toyota Innova 7 chỗ ngồi đang thừa chỗ và muốn tìm người đi chung. Vì tính chất công việc và không muốn chịu cảnh tra tấn của các xe khách nên anh điện thoại liên lạc, được đầu phía bên kia nhận lời đến đón sau chừng 30 - 40 phút.
"Từ tác phong ăn nói cho đến thời gian hẹn đều được họ thực hiện rất đúng giờ nên tôi càng tin tưởng người bạn mới quen của mình mà chẳng hề đề phòng hay nghi ngờ gì. Trên đường đi từ Nghệ An ra tới Ninh Bình, chiếc xe này liên tục dừng lại và đón thêm 5 người nữa. Những tưởng mọi việc sau đó đều thuận buồm xuôi gió thì khi xe ra tới đoạn cầu vượt Đồng Văn (tỉnh Hà Nam) bỗng nhiên lái xe nói dừng lại để mọi người uống nước, tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát rồi lấy cớ lên cầu gặp người quen lấy bộ hồ sơ xin việc cho đứa cháu. Do tin tưởng nên toàn bộ hành khách chúng tôi yên tâm, để mọi đồ đạc trên xe và xuống uống nước. Đợi mãi 30 phút sau không thấy họ quay lại, khi tôi nhìn ra chiếc ô tô đỗ cách đó khoảng 20 mét cũng "không cánh mà bay" khiến tổng giá trị tài sản và tiền mặt của cả nhóm khoảng gần 30 triệu đồng cũng biến mất theo.
"Tôi mất tiền, trong thâm tâm tự động viên của đi thay người cho đỡ tiếc. Chỉ tội cho hai em nhỏ từ Thanh Hoá ra Hà Nội thi đại học bỗng bị chúng lừa lấy hết mọi đồ đạc cá nhân, máy tính và cả thẻ dự thi. Không hiểu các em sẽ phải xoay xở ra sao khi không còn bất kỳ thứ giấy tờ nào nữa. Đây là bài học nhớ đời về sự cảnh giác đối với người lạ ngoài xã hội", anh Quang Anh bức xúc nói.
Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Phạm Hằng, trú tại phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết thêm: "Cái lợi của việc đi chung, đi ghép xe chẳng thấy đâu mà cô bạn thân của tôi phải trả giá. Mới đầu, để tiết kiệm chi phí đi lại, đỡ tốn công sức lái xe nên người bạn đã lên mạng tìm số điện thoại, liên lạc với một bạn học ở gần trường đại học Quốc gia Hà Nội để đặt lịch đi chung. Sau thời gian đưa đón nhau được hơn một tuần thì người kia bỗng đặt vấn đề chuyển sang đi xe của cô bạn. Tất nhiên là cô bạn tôi đồng ý nhưng chỉ đi lúc sáng, chiều về cô bạn hớt ha hớt hải gọi điện thông báo khi vào quán uống nước đã bị "người bạn chung xe" biến mất cùng với chính chiếc xe máy của mình".
Chị Hằng chia sẻ, "mọi chuyện chẳng đâu vào đâu, tự dưng cô bạn thân lại đặt niềm tin không đúng chỗ, không đúng đối tượng khiến bản thân phải trả giá bằng việc mất tài sản lên tới 30 - 40 triệu đồng".
|
Ảnh minh họa. |
Thật giả lẫn lộn
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Đoàn Minh Thuyết, nguyên cán bộ công an TP.Hà Nội cho biết: "Mục đích, động cơ của những nội dung đăng tải trên mạng internet về chuyện đi chung, ghép xe nhằm tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm thời gian chờ đợi xe khách ở bến xe, bến tàu… là rất tốt. Tuy nhiên, người dân cần hết sức cảnh giác, đặc biệt là thế hệ trẻ không nên quá tin tưởng vào một đối tượng nào đó ngoài xã hội. Tất cả đều phải có khoảng thời gian dài tìm hiểu, hiểu biết về nhau thì mới có thể tâm sự, làm bạn đồng hành được. Trên thực tế, có rất nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trái phép có nguồn gốc bắt đầu từ mạng internet. Trong khi đó, những đối tượng xấu (có thể là lái xe và cũng có thể là khách đi chung) rất dễ trà trộn hoặc lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin để lừa đảo tiền mặt hoặc tài sản cá nhân của người khác. Hơn nữa, với việc phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, đặc biệt là những trang mạng xã hội khiến các lực lượng chức năng rất khó kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm".
Cũng theo ông Thuyết, những "chiêu trò" của các đối tượng xấu hay sử dụng là sẽ tìm mọi cách nhằm tạo niềm tin đối với "con mồi". Có thể về mặt thời gian, sự tích cực, nhiệt tình… để dễ bề lấy tình cảm của "đối tác", sau đó lợi dụng vào sự bất cẩn, lơ là của đối phương thì những đối tượng này mới ra tay hành động. Hậu quả thông thường là việc mất tiền hoặc những tài sản có giá trị, khiến bị hại vừa ngại ngùng vừa sợ mang tiếng nên không dám khai báo với cơ quan chức năng. Đây chính là nguyên nhân khiến các cơ quan chức năng không biết thông tin để vào cuộc ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Đối tượng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì chưa xử lý nghiêm
Luật sư Nguyễn Duy Thuần, đoàn luật sư TP.Hà Nội khẳng định: "Việc sử dụng công nghệ mạng để lừa đảo, chiếm dụng tài sản bất hợp pháp đang có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đa phần người bị hại đều có khoảng thời gian tiếp xúc với đối tượng vi phạm, tuy nhiên vì lý do nào đó họ không cung cấp thông tin khiến các cơ quan bảo vệ pháp luật rất khó vào cuộc. Đối với những vụ án bị điều tra, xử lý hình sự đã rõ ràng, nhưng hiện có nhiều vụ, không hiểu vì lý do nhạy cảm hay vì thiếu thông tin mà các cơ quan điều tra "dửng dưng" trước sự việc và đối tượng vi phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?!".
|
Theo Văn Hoàng
Vietnamnet.vn