GS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Phải đánh giá trình độ học sinh trong cả quá trình, không chỉ đánh giá qua kỳ thi. Như vậy bệnh tiêu cực và thành tích mới giảm bớt".
Việc thí sinh quay clip gian lận trong thi cử ở Hội đồng coi thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang đang được dư luận rất quan tâm. Đây không chỉ là vấn đề cụ thể xảy ra ở Bắc Giang, mà qua vụ việc này, cũng đặt ra cho những người làm công tác giáo dục nhiều suy nghĩ từ việc dạy và học hiện nay.
Phỏng vấn GS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập về vấn đề này.
|
GS.TS Trần Xuân Nhĩ |
PV: Dư luận đang rất quan tâm về việc một thí sinh quay clip tiêu cực trong thi tốt nghiệp PTTH ở Hội đồng coi thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang). Là một người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, ông nhìn nhận như thế nào về vụ việc này?
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Cuộc thi nào cũng có quy chế cụ thể. Nếu thí sinh này làm không đúng quy chế thì rõ ràng vi phạm. Nhưng vấn đề là phải xem xét bản chất sự việc và người vi phạm đó làm hại hay lợi như thế nào.
Nhưng đứng về góc độ quy chế thì nhất định phải phê phán thí sinh thực hiện clip này. Giáo viên và các thí sinh trong clip cũng là người vi phạm quy chế.
Những người vi phạm quy chế thì phải xử lý theo quy định. Nhưng trong việc này, xử lý thí sinh quay clip nên xem xét giữa tội và công. Tội là vi phạm quy chế, nhưng thí sinh này cũng có công là phát hiện ra người vi phạm quy chế thi cử. Vấn đề bây giờ là phải xử lý công minh giữa công và tội.
PV: Nhưng thưa ông, nhiều người cho rằng rất khó luận tội thí sinh này, vì không có quy định cấm mang máy quay vào phòng thi, mà chỉ cấm mang thoại, máy ghi âm...Liệu học sinh này có vi phạm quy chế?
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, thí sinh không nên mang những thứ như vậy vào phòng thi. Việc lập luận chi tiết bản chất hiện tượng đó như thế nào mới là quan trọng. Còn việc bắt bẻ từ ngữ là công việc của các nhà luật pháp, tôi chỉ nêu quan điểm về hiện tượng đó là mang máy quay vào làm rối loạn ở phòng thi là điều không nên.
Ở sự việc này, tôi nghĩ học sinh quay clip cũng rất bức xúc về những gì xảy ra ở phòng thi, giám thị thì dung túng cho thí sinh quay cóp, thí sinh thì không tập trung làm bài mà chỉ chăm chăm quay bài.
Đúng ra, nên sau cuộc thi này, thí sinh quay clip hãy viết đơn tố cáo. Nhưng có lẽ thí sinh này nghĩ rằng, viết đơn tố cáo đôi khi mất thời gian và việc xử lý rất khó vì không có nhân chứng, vật chứng, nên mới làm việc này. Và rõ ràng những người trong clip là vi phạm quy chế thi.
PV: Theo ông, với những giáo viên vi phạm ở trong clip này nên xử lý như thế nào?
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi, giáo viên khi vào phòng thi phải là những người giám sát, không để cho chuyện thí sinh quay cóp xảy ra. Nhưng ở đây, giáo viên lại làm ngược lại, còn tiếp tay cho thí sinh vi phạm. Nên xử lý nghiêm các giáo viên này theo đúng quy chế.
PV: Qua vụ việc này, ông có thấy rằng đến lúc báo động về đạo đức của người làm thầy?
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Riêng những cá nhân vi phạm trong vụ việc này rõ ràng vi phạm đạo đức của người thầy giáo. Vì người thầy phải trung thực, chấp hành các quy định và là tấm gương cho học sinh noi theo. Nhưng họ lại không chấp hành, không làm gương, nên theo tôi cứ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý nghiêm.
Phải cải tiến việc thi cử
PV: Thưa ông, trong nhiều năm qua, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp PTTH luôn ở mức rất cao, có khi là 98-99%. Theo ông, con số này có phản ánh đúng chất lượng đào tạo hiện nay?
|
Các bản sao bài giải từ bên ngoài chuyển vào cho thí sinh |
Các bản sao bài giải từ bên ngoài chuyển vào cho thí sinh
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Theo tôi đề thi cũng rất đúng và vừa với trình độ học sinh. Nếu ta làm đúng đắn, thì chắc chắn đánh giá được chất lượng đào tạo. Nếu có gian lận như thế này mà thí sinh vẫn đỗ tỷ lệ cao thì cần phải xem lại.
PV: Qua những sự việc như vừa rồi và những con số đã nêu, theo ông đã đến lúc nên có giải pháp cho việc thi cử ở nước ta hiện nay?
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Thi cử theo tôi là cần thiết. Học mà không thi thì học sinh lại không học. Do vậy, cuối mỗi cấp học có một cuộc thi để đánh giá. Nhưng cách đánh giá như thế nào để cho thật chính xác với năng lực của học sinh.
Riêng ý kiến của tôi, nếu học xong lớp 12, cuối lớp tổ chức một kỳ thi như thế thì chưa được chính xác. Mà muốn đánh giá chính xác là phải qua cả quá trình. Vì khi đó nếu người nào có gian lận thì cũng không thể nào gian lận trong cả quá trình. Ví dụ như cấp THPT, thì phải đánh giá việc học tập trong suốt 3 năm lớp 10, 11, 12. Cho nên nếu đánh giá cả quá trình với kỳ thi cuối cấp cộng lại tính toán hệ số thì xác suất tiêu cực sẽ ít đi.
PV: Thưa ông, để xảy ra vụ việc như ở Hội đồng thi Đồi Nên, ông có cho rằng nguồn gốc sâu xa của việc này vẫn là việc chạy theo thành tích, thích học giả, bằng thật?
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Việc này rất đúng. Nếu nói chung cả ngành thì tôi không vơ đũa cả nắm. Nhưng riêng vụ việc ở Hội đồng thi Đồi Ngô thì rõ ràng đây là bệnh thành tích. Cụ thể là học giả, nhưng muốn có một cái bằng thật nên xảy ra chuyện như vừa rồi.
PV: Nhưng là một người trăn trở với ngành giáo dục mấy chục năm qua, ông có nghĩ rằng bệnh thành tích trong lĩnh vực giáo dục không chỉ riêng ở Đồi Nên?
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Cũng vì thế nên tôi mới nói là phải cải tiến việc thi cử. Phải đánh giá trình độ học sinh trong cả quá trình, không chỉ đánh giá qua kỳ thi. Kỳ thi chỉ là để cộng điểm với hệ số trong suốt quá trình học của học sinh để đánh giá, như vậy bệnh tiêu cực và thành tích mới giảm bớt.
PV: Như ông nói thì không đặt nặng kỳ thi cuối cấp?
GS.TS Trần Xuân Nhĩ: Đúng vậy. Vì hiện nay thi tốt nghiệp PTTH chương trình vẫn đặt nặng vào lớp 12. Cho nên việc luyện thi, ôn thi vẫn tạo ra nhiều áp lực với học sinh. Nếu đánh giá cả quá trình, việc học của học sinh và việc dạy của giáo viên sẽ nghiêm túc hơn.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV