Khi cuộc hải chiến Trường Sa tháng 3 năm 1988 diễn ra trên đảo Gạc Ma khiến 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh cũng là lúc bác sĩ Trần Văn Phụng nhận lệnh ra đảo Trường Sa công tác.
 

 

Mổ ruột thừa bằng… dao lam
 
Đặt chân lên Trường Sa lúc 1h30 phút chiều khi còn say sóng thì bác sĩ Phụng được nhận bàn giao công việc. Đến 8h tối, một người lính trên đảo bị đau bụng dữ dội. Qua chẩn đoán, bác sĩ Phụng kết luận bệnh nhân bị viêm ruột thừa, để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Ngày ấy chưa có một ca mổ ruột thừa nào được tiến hành trên Trường Sa, vì dụng cụ thiếu thốn, đèn điện không có. Nhớ lại thời khắc này, bác sĩ Phụng kể: Lúc đó tình thế rất cấp bách, không thể chuyển bệnh nhân về đất liền được vì sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi quyết định cùng anh em trên đảo phải mổ cho bệnh nhân. Sau khi kiểm tra dụng cụ tôi thấy rất thiếu thốn. Tất cả đều gỉ, lọc đi lọc lại được hơn chục bộ. Tôi phải lấy đến dao cạo râu của anh em cho vào luộc hấp. Đèn chiếu sáng cũng phải nhờ anh em lấy từ đèn ắc quy của xe tăng. Đang mổ thì bất ngờ đèn tắt phụt. Tôi phải nhờ đảo trưởng huy động các đèn pin có trên đảo được 20 chiếc rọi vào. Rất may là lúc đó các mạch máu đã được kẹp xong. Bệnh nhân sau 7 ngày cắt chỉ và 10 ngày nghỉ ngơi đã hoàn toàn khỏe mạnh trở về đơn vị công tác.
 
Đây cũng là ca mổ ruột thừa đầu tiên trong cuộc đời làm nghề của bác sĩ Trần Văn Phụng ở một nơi cách đất liền hàng trăm km và không có những điều kiện tối thiểu nhất. Tuy nhiên 18 tháng làm bác sĩ ở đây, bác sĩ Phụng đã phải 5 lần mổ ruột thừa cho bệnh nhân cũng bằng cách đó. Liên lạc qua điện thoại với anh Đinh Quang Thế, hiện đang ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, người đầu tiên được bác sĩ Phụng mổ đau ruột thừa năm đó cũng xúc động kể lại: Ngày ấy tôi bị đau bụng dữ dội, nếu không có bác sĩ Phụng thì chắc tôi không còn sống được đến ngày hôm nay. Chính bác sĩ đã cứu sống tôi. Cả đời tôi không bao giờ quên thời khắc đó.
 
Sáng chế… ống thụt
 
Công tác tại Trường Sa 18 tháng thì bác sĩ Trần Văn Phụng được trở về đất liền. Việc đầu tiên là anh tổ chức đám cưới: Mình đã để cô ấy chờ đợi quá lâu, không thể trì hoãn thêm được nữa. Cưới xong khi cô ấy vừa mang bầu 2 tháng thì tôi lại nhận được quyết định đi công tác tại đảo Sinh Tồn Đông. Đây là một hòn đảo nhỏ nhưng điều kiện vô cùng khó khăn vì không có rau xanh. Cả năm các chiến sĩ chủ yếu chỉ ăn thịt hộp, lương khô và cá nên ai cũng bị mắc bệnh táo bón. Nhiều chiến sĩ kể với tôi rằng đã đọc hết một tờ báo vẫn không thể đi vệ sinh được. Làm bác sĩ, tôi suy nghĩ vô cùng. Chẳng lẽ không có cách nào. Tôi nghĩ đến việc giá như có một cái ống thụt thì tốt biết bao. Nhưng ở giữa biển này kiếm đâu ra. Bỗng một hôm tôi nhặt được phao cứu sinh của Philippines trôi dạt vào bờ. Tôi liền nhặt lấy đem về cắt, khoan lỗ hình quả bầu, lấy van bếp khò, làm thêm một cái dây dẫn, mỗi lần cho một lít nước vào trợ giúp. Nhờ có cái ống thụt “có một không hai đó” đã giải quyết được “nỗi buồn” không dễ nói của hơn một trăm chiến sĩ. Sau này chiếc ống thụt đó được lưu trong phòng truyền thống của Lữ đoàn 146, vùng 4 quân chủng Hải quân.
 
18 tháng trên đảo Sinh tồn Đông cũng qua nhanh. Bác sĩ Phụng trở về khi con gái đã được gần một tuổi. Nhưng đó cũng là lúc ông phải đối mặt với những khó khăn, vất vả của cuộc sống mưu sinh đời thường. Vợ con nheo nhóc, kinh tế không có, ông thì biền biệt ở Hải Phòng nên năm 1991, ông đã quyết định xin phục viên trở về để có điều kiện chăm sóc vợ con. Ông tâm sự: Không phục vụ quân đội thì tôi phục vụ bà con nhân dân. Ở đâu cũng là phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Ngày ấy ở làng Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội, ai có bệnh gì cũng tìm đến bác sĩ Phụng. Không quản ngại đêm hôm, mưa gió ông đều nhiệt tình cứu chữa. Trạm Y tế Mễ Trì mời ông về làm việc. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm ông gắn bó với Trạm y tế, được bổ nhiệm làm Trạm trưởng. Tại nhà ông cũng mở phòng khám phục vụ nhân dân, được đông đảo người dân tin tưởng. Những người nghèo không có tiền thường được bác sĩ khám chữa bệnh miễn phí. Nhiều năm trong quân đội nên lúc nào ông cũng tâm niệm: Đã không làm thì thôi, đã làm phải có trách nhiệm. Đến giờ tôi vẫn răn dạy các con sống phải giúp người thì cuộc đời mình sẽ gặp nhiều may mắn.
 

Theo ANTĐ