Với nhiều lữ khách phương xa chưa một lần đặt chân đến Đà Nẵng, nếu chỉ có dịp lướt qua cung đường này, chắc chắn sẽ tặc lưỡi: “Thành phố chỉ có vậy thôi sao, có gì xinh đẹp đâu mà được khen nức nở…”.


Bắt đầu ở nút giao thông ngã ba Huế, cắt ngang tuyến đường Điện Biên Phủ, đường Trường Chinh với chiều dài 5.550m, rộng 24m, chạy thẳng đến điểm cuối giáp ngã tư cầu vượt Hòa Cầm. Quả thật, với vẻ ngoài của mình, đường Trường Chinh có thể ví như “anh chàng nhà giàu” không quá phô trương hình thức, mà ngược lại rất đỗi khiêm tốn so với những con đường khác ở trung tâm thành phố.

Nằm trên trục đường chính QL1A, là con đường giao thông huyết mạch ở Đà Nẵng, song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam, đường Trường Chinh chính là “gương mặt thành phố” trong mắt du khách thập phương trên chuyến tàu chạy dọc chiều dài Tổ quốc. Ngày qua ngày, âm thanh tàu hoả xình xịch, tiếng còi tàu inh tai đã trở thành một phần không thể thiếu đối với người dân nơi đây.

Với người nơi khác, có thể những âm thanh đó quá ồn ào, nhưng với người dân trên đường Trường Chinh, đó lại là âm thanh của cuộc sống. Mỗi chuyến tàu qua luôn tràn đầy những ánh mắt cảm xúc, là những cái nhìn lướt qua đầy háo hức và tò mò về thành phố của người đi tàu, là ánh mắt đáp trả đầy trìu mến của người dân nơi đây…

Trước đây, khi tôi còn bé, đường Trường Chinh dù được trải nhựa khang trang nhưng còn hẹp, nhà cửa hai bên đường thấp bé, đơn sơ, đa phần nhà cấp 4; có những đoạn chỉ là những dải đất trống toàn cỏ khô cằn, càng đi đến cuối đường càng thấy hoang vắng hơn.

Ngày nay, đường đã được mở rộng, đặc biệt từ khi nút giao thông ngã ba Huế khánh thành và đưa vào sử dụng, đoạn đầu đường có phần thay đổi khang trang, hiện đại hơn; dân cư hai bên đường cũng đông đúc hơn, nhà cửa san sát. Tuy vậy, khi chạy dọc về phía nam của tuyến đường, quang cảnh trước mắt tôi vẫn tựa như ngày thơ bé: có những đoạn vắng vẻ thưa dân, những ngôi nhà kiên cố hơn, nhưng vẫn thâm thấp giản đơn, rất ít những ngôi nhà cao tầng xa hoa như các con đường khác.

Có thể vì ít nhà cao tầng hoành tráng như những khu vực khác nên đường Trường Chinh thường được cho là không phát triển. Tuy nhiên, đằng sau đó, mấy ai biết rằng cư dân sống dọc hai bên đường tuy có điều kiện kinh tế, nhưng không thể xây cao ốc vì phải nhường sự ưu tiên cho Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Những căn nhà nằm nép mình bên hai tuyến đường sắt và đường bộ, mặc nhiên tồn tại, giản dị trong suốt hàng chục thập niên kể từ khi địa giới Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn là một. Nhưng nếu để ý một chút sẽ thấy đằng sau những giàn hoa giấy, dây leo phủ um tùm là những căn biệt thự nhỏ, xinh hết sức ấn tượng. Có lẽ, ít con phố nào ở Đà Nẵng còn hiện diện những loại cây ăn quả truyền thống như xoài, vú sữa, mít, mận… được trồng trước cửa những căn nhà mặt tiền như ở đường Trường Chinh.

Sẽ là phiến diện khi nhắc đến con đường với những nét đẹp ẩn chứa bên trong mà quên rằng để có con đường rộng rãi, thông thoáng như bây giờ, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vi phạm an toàn giao thông đường sắt và đường bộ. Bởi trước đó, đã có bao vụ tai nạn thương tâm xảy ra bên cung đường sắt không có rào chắn. Không chỉ vậy, vì đây là tuyến đường quan trọng đối với nhà xe chạy tuyến đường ngắn nên hành khách và cả “cò” xe khách thường xuyên tụ tập, gây nên cảnh mất trật tự an toàn giao thông, cảnh quan đô thị.

Không sầm uất với những cửa hàng, cửa hiệu lớn, hoạt động thương mại trên tuyến đường này chỉ đơn giản là phục vụ “nội bộ”. Tuy vậy, có vài điểm nhấn khiến người dân có việc cần mua những mặt hàng phải đến đúng địa chỉ như Trống Trường Sơn hay làng giá đỗ Nghi An khá nổi tiếng.

Trước đây, khi tuyến đường Trường Chinh chưa được nâng cấp, mở rộng, trục đường kết nối như Lê Trọng Tấn vẫn chỉ là một con đường lầy lội toàn màu đất đỏ dẫn lên núi Phước Tường. Nhưng từ khi thành phố quy hoạch, chỉnh trang đô thị, đã có thêm những tuyến đường xương cá cắt ngang đường Trường Chinh, như: Hà Huy Tập, Nguyễn Phước Nguyên, Lê Đại Hành, giúp rút ngắn dần khoảng cách đi lại của người dân, gia tăng hiệu quả các hoạt động giao thương với khu vực nội thành.

Con đường Trường Chinh hôm nay là chốn đi về ngày đêm tấp nập, hối hả với những dòng người ngược xuôi: Người từ các vùng ngoại thành Hòa Vang (Đà Nẵng), Điện Bàn, Đại Lộc… (Quảng Nam) đổ vào trung tâm thành phố. Người từ trung tâm đổ về các khu công nghiệp để làm việc, lữ khách trên mỗi chuyến tàu. Nhịp sống bận rộn diễn ra, hối thúc mọi người cùng hòa nhịp, song cảnh vật nơi đây lại dường như vẫn âm thầm, lặng lẽ như thuở ban sơ rất đỗi “khiêm tốn”…

 

Theo Báo Đà Nẵng

.