Đường hoa Nguyễn Huệ, văn hóa Tết của Sài Gòn
Cập nhật lúc 14:36, Thứ năm, 31/01/2013 (GMT+7)
Lần đầu xuất hiện vào Tết Giáp Thân 2004, sau 9 năm, đường Hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nét văn hóa của Tết Sài Gòn và là hoạt động không thể thiếu đối với người dân TP HCM mỗi dịp Tết đến xuân về. Báo Bảo vệ Pháp luật điện tử, Cơ quan của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
(BVPL) - Lần đầu xuất hiện vào Tết Giáp Thân 2004, sau 9 năm, đường Hoa Nguyễn Huệ đã trở thành nét văn hóa của Tết Sài Gòn và là hoạt động không thể thiếu đối với người dân TP HCM mỗi dịp Tết đến xuân về.
Ngoài ra, đường hoa Nguyễn Huệ còn là nơi chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân; thể hiện sự vững tin vào tương lai tươi sáng của thành phố, dân tộc. Không chỉ là sự kiện vui chơi giải trí, lễ hội Tết mà còn là dịp mang lại niềm vui cho những gia đình khó khăn, trẻ em tại các mái ấm nhà mở thông qua việc tặng quà, bánh tét...
Sau 9 năm xuất hiện, đường hoa Nguyễn Huệ nay trở thành hoạt động quen thuộc, nét văn hóa với người dân Sài Gòn và cả du khách quốc tế mỗi dịp Tết.
Năm nay sẽ có nhiều hoạt động để kỷ niệm đường hoa Nguyễn Huệ tròn 10 tuổi. Trong đó, sẽ dành ra một khu vực để trưng bày mô hình thu nhỏ con giáp của các năm qua. Chất liệu làm con giáp giống như chất liệu đã được dùng để tạo hình qua từng năm như gà tre, chó đá, heo đất, chuột lục bình, trâu gốm, cọp sơn màu, mèo thạch cao, rồng mây; riêng năm đầu tiên là khỉ được tạo hình mới bằng chất liệu xơ dừa và rắn vỏ cừ tràm để tạo thành trọn bộ 10 con giáp qua 10 năm đường hoa Nguyễn Huệ.
Cũng như mọi năm, Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mở cửa cho người dân đến thưởng thức, vui chơi từ 27 tháng Chạp đến 22h đêm mùng 4 Tết Quý Tỵ.
Theo Ban tổ chức, điểm nhấn của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Tỵ 2013 là khu vực Xuân biển đảo ở cuối đường hoa (từ Mạc Thị Bưởi đến Tôn Đức Thắng). Bắt đầu là chiếc thuyền đi biển cách điệu với một biển hoa tươi thể hiện mùa đi biển bội thu của bà con, xa xa là hàng dừa xanh, bãi cát trắng, thuyền thúng... Những cây cờ hội trang trí xung quanh nơi đây thể hiện sức mạnh của dân tộc từ ngàn xưa. Cuối đường hoa sẽ là hoa hướng dương trên nền nước xanh với hai cánh buồm hoa ở hai bên đường tượng trưng cho vầng thái dương mang đến bình minh, tương lai tươi sáng cho đất nước.
Theo VnExpress.net