Tình trạng mại dâm trá hình, chặt chém du khách sẽ được khắc phục nếu người vi phạm, không thể phân biệt được đâu là khách hàng, đâu là “cảnh sát ngầm”. Cứ bắt gặp là lập biên bản tại chỗ.
 
Hiện tôi đang sống ở nước ngoài. Thời gian gần đây, tôi thấy báo chí thường xuyên phản ánh về tình trạng “chặt chém” khách du lịch ở Đồ Sơn, Hà Nội, tình trạng mại dâm ở Đồ Sơn, tình trạng thanh thiếu niên dưới 18 tuổi hút thuốc lá hay tình trạng bán thuốc lắc ở vũ trường...
 
Nhưng khi đọc trên một số tờ báo khác thì thấy các cơ quan chuyên trách phản ánh rằng: “Rất khó kiểm soát vì các tệ nạn này thường hoạt động trá hình, và khi lực lượng chức năng đến kiểm tra thì họ sẽ giải tán ngay lập tức”.
 
Tôi thấy ở Mỹ và các nước Châu Âu, các nhà chức trách thường áp dụng một biện pháp rất hiệu quả. Đó là thành lập một lực lượng đặc biệt chuyên đi kiểm tra. Lực lượng này mặc quần áo bình thường, giả danh khách hàng vào “để câu”.  Mỗi lần đi kiểm tra, họ thường mang theo máy ghi âm (có thể là điện thoại di động), để thu âm lời thoại làm chứng cứ.
 
Khi đã “ bắt tận tay” cộng với máy ghi âm, là đủ chứng cứ để phạt người vi phạm. Khi lập biên bản vi phạm, họ thường xuất trình thẻ nhân viên, và viết hóa đơn tại chỗ rồi đưa luôn cho người vi phạm. Để tránh hiện tượng “đút lót”, các nhân viên kiểm tra phải ghi nhật ký kiểm tra, bật máy ghi âm trong suốt thời gian đi làm việc (hoặc tối thiểu là phải bật trước khi vào cửa hàng kiểm tra).
 
Bên cạnh đó, họ cũng thường thay đổi người luân phiên qua các địa điểm. Làm như thế sẽ gây ra tâm lý lo sợ cho người vi phạm, vì không thể phân biệt được đâu là khách hàng, đâu là “cảnh sát ngầm”. Nếu phát hiện có cơ sở nào vi phạm, thì coi như cơ sở đó đã vi phạm rất nhiều lần và hình phạt do lực lượng “cảnh sát ngầm” phát hiện thường sẽ rất nặng.
 
Tôi đọc trên báo thấy người bán hàng thường nói họ không biết chính xác độ tuổi của người mua thuốc lá là bao nhiêu, vì không được phép kiểm tra chứng minh thư của khách hàng”. Còn ở Châu Âu, thì họ quy định, nếu không chắc chắn độ tuổi của người mua, thì họ không được quyền bán. Và người mua phải tự xuất trình giấy tờ của mình cho người bán nếu họ muốn mua.
 
Để đảm bảo an toàn cho người dân trước tình trạng tội phạm ở xã phường, tôi nghĩ ở mỗi địa phương nên mở một hộp thư tố giác tội phạm, cũng như tích cực gửi bằng chứng phạm tội của người vi phạm về hộp thư tố giác qua đường bưu điện. 
 
Tại các trụ sở công an xã phường thì nên lập một email tố giác tội phạm để người dân dễ liên lạc. Ngược lại khi công an cần sẽ dễ dàng liên lạc lại với họ khi cần biết thêm thông tin chi tiết. Ưu điểm của thông tin chi tiết là không cần khai báo danh tính cá nhân. 
 
Theo Vnexpress