Trước đây, để có giấy khám sức khỏe làm hồ sơ đổi giấy phép lái xe (GPLX), người làm chỉ cần bỏ ra 200 ngàn đồng thì nay giá đã tăng lên gần gấp đôi. Để qua mặt cơ quan chức năng, ngoài việc yêu cầu khách cung cấp ảnh 3x4cm, “cò” đề nghị phải có mặt tại phòng khám hoặc bệnh viện, nhưng mọi chuyện họ đã “bao sân”.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai ngày 22-10, đường dây làm hồ sơ cấp đổi GPLX từ mẫu cũ sang mẫu mới bằng vật liệu PET tại Sở Giao thông - vận tải (GTVT) của “cò” Khánh đã ngừng hoạt động sau khi báo đăng bài phản ánh, nhưng vẫn còn nhiều nhóm “cò” tiếp tục làm “dịch vụ” này.
Khi chúng tôi vừa ghé vào bãi giữ xe của Sở GTVT thì một phụ nữ tự xưng tên Hảo nhào tới chào mời làm giấy chứng nhận khám sức khỏe. “Cò” Hảo ra giá: “Chị lấy giá 350 ngàn đồng. Em chỉ cần đưa ảnh cho chị, tụi chị sẽ cho người chở em đến chỗ khám sức khỏe”.
Khi chúng tôi chê giá cao, “cò” Hảo không ngại cho biết: “Họ siết chặt lắm, tụi chị chỉ bỏ túi 50 ngàn đồng thôi. Em yên tâm, phòng khám ở gần đây, em chỉ cần có mặt thì người của chị sẽ dẫn vào làm, nhanh lắm”.
Khi có một khách chịu làm, “cò” Hảo liền điều “tài xế” tên Hiếu lấy xe máy chở khách đến Phòng khám đa khoa quốc tế S.M để làm giấy khám sức khỏe. Ngoài Hiếu chuyên làm “tài xế”, còn có thêm người em của “cò” Hảo tên Hòa tham gia. Hai người này liên tục thay nhau chở khách đi khám sức khỏe và nhận nhiệm vụ ghi hồ sơ.
Hợp nhất một mẫu giấy khám sức khỏe
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực trước cổng Sở GTVT có gần chục người mời chào làm giấy khám sức khỏe cho người đến đổi, xin cấp mới GPLX. Những quán nước, quầy bán vé số, hàng ăn trên vỉa hè đều có “cò” chạy hồ sơ chờ đợi, tìm “mối” làm giấy phép sức khỏe.
Bà Lê Thị Hoàng Thắng, Phó trưởng phòng Phòng Người lái, Sở GTVT, thừa nhận: “Do có quá nhiều cơ sở y tế nên chúng tôi không thể phát hiện, cũng như không đủ nghiệp vụ để phân biệt đâu là giấy khám sức khỏe thật và giả. Sau khi báo chí phản ánh, ngay sáng 22-4, chúng tôi đã tiến hành rà soát và phát hiện nhiều giấy khám sức khỏe không đúng nên đã đề nghị người dân làm lại, hoặc bổ sung các tiêu chí còn thiếu”.
Trước tình trạng quá tải do người dân đến đổi GPLX hạng A1 không đúng lộ trình, Sở GTVT đã có thông báo thời gian thực hiện việc đổi GPLX, đồng thời phối hợp với lực lượng Công an TP.Biên Hòa và Thanh tra giao thông Sở GTVT điều tiết, hướng dẫn người đến đổi GPLX đúng trật tự, không gây mất an toàn giao thông.
Cũng theo bà Thắng, các giấy khám sức khỏe người dân nộp trong hồ sơ xin đổi, cấp mới GPLX phải nằm trong 43 cơ sở khám chữa bệnh do Sở Y tế công nhận đủ điều kiện khám sức khỏe. Hiện tại, Sở GTVT vẫn duy trì 2 mẫu giấy khám sức khỏe là mẫu theo văn bản 4132/2001/QB-BXT của Bộ GTVT và mẫu theo Thông tư 14 của Bộ Y tế. Do việc thực hiện song song 2 mẫu này đã dẫn đến tình trạng không cần khám vẫn có giấy khám sức khỏe.
“Sắp tới, khi người dân đến làm hồ sơ xin đổi, cấp mới GPLX, chúng tôi sẽ áp dụng duy nhất mẫu theo văn bản 4132/2001/QB-BXT của Bộ GTVT, nhưng việc này được thực hiện theo lộ trình. Trong mẫu này, ngoài khám lâm sàng: tuần hoàn hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu sinh dục, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt…; người đến khám phải làm thêm các xét nghiệm và trắc nghiệm bắt buộc… Từ đó, sẽ hạn chế việc “chạy” giấy khám sức khỏe diễn ra như hiện nay. Vì trong các nguyên nhân dẫn đến vi phạm và tai nạn giao thông, sức khỏe của người lái xe đóng vai trò rất quan trọng (khi tham gia giao thông)” - bà Thắng chia sẻ.
Theo Báo Đồng Nai
ss