Ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có một đặc sản nổi tiếng đó là rượu men lá. Để thỏa sự tò mò, tôi vượt qua hàng trăm cây số đường rừng đến bản Chợ, xã Yên Hoa, huyện Na Hang, để gặp một phụ nữ có nghề làm men lá nức tiếng.
 


Cách làm được bà Ương hướng dẫn tỉ mỉ như sau: Đem tất cả về xếp rồi phân loại, phần dễ, vỏ cây thì rửa sạch, để khô nước, sau đó mới giã nhỏ. Phần lá cây cũng giã nhỏ. Tất cả giã nhỏ xong thì trộn với bột gạo nứt xay nhỏ và có dùng cả quả men cũ (đã lên mốc) trộn vào theo tỷ lệ bột gạo, rồi nhào nặn thành từng quả men to như quả trứng gà, sau đó hong phơi liên tục trên gác bếp củi, để men được tráng qua lớp bồ hóng, giúp men thẩm thấu vị mặn chát của khói bếp thì nấu rượu mới ngon, đậm đà và cơ bản để hạn chế lũ mọt đục phá.

Cũng chỉ vì quả men lá rất thơm, không chỉ hấp dẫn con mọt, con dán, mà luôn hấp dẫn lũ chuột, chúng mà ngửi thấy hơi sẽ kéo bầy đàn đến để tìm mọi cách tấn công những noong nia phơi men, nếu không bảo quản, che đậy tốt và nhà nào làm men lá mà không nuôi thêm vài chú mèo tinh nhanh, chắc chắn men chưa kịp khô thì chuột đã công trộm hết.

Khi được hỏi về nguồn gốc nghề làm men lá, bà Ương cho biết: Nghề làm men lá thì rất nhiều phụ nữ các dân tộc ở vùng cao biết cách làm, được truyền theo kinh nghiệm từ đời này qua đời khác. Tuy nhiên, mỗi người lại có thêm vài cây thuốc khác nhau, cách pha chế khác nhau. Có người thì thiên về cây thuốc lấy được nhiều rượu, nhưng chỉ để được mấy tháng rượu đã nhạt và hơi có vị chua. Có người thì thiên về cách làm men lá để nấu rượu nặng đem ngâm thuốc. Có người thì nấu bình thường để uống... Nhìn chung, các loại cây làm men lá nấu rượu chủ yếu là cây bổ dưỡng, không sợ có cây độc hại, nếu có cây lá độc hại sẽ không thể làm men lá được. Vì nhiều cây còn được đun nước cho phụ nữ uống, tắm sau khi sinh nên không bao giờ sợ độc hại.

Trong câu chuyện, bà Ma Thị Ương đã chỉ cho tôi biết nghề làm men của gia đình bà đã được các cụ dâu hiền tiền bối truyền lại từ thời cụ Ma Thị Ẻng, rồi đến cụ Ngô Thị Mới, rồi mới đến bà Ương kế nghề suốt hơn 30 năm qua. Mấy năm gần đây, bà đã truyền nghề cho người con dâu là Nguyễn Thị Thủy.

Trong lúc trao đổi về cách làm men, chị Nguyễn Thị Thủy, con dâu bà Ương, đã vui vẻ cho biết thêm: Mình đã theo mẹ chồng mấy năm lên rừng hái lá làm men rồi, vất vả lắm, chẳng được bao tiền. Nhưng ở vùng đồi núi Yên Hoa này ruộng không có, nếu không làm men bán cũng chẳng biết làm gì có tiền mua gạo, đành theo nghề làm men lá, nấu rượu và nuôi lợn. Rượu men lá bán tại nhà với giá 35 nghìn đồng/lít, nấu đến đâu bán hết ngay đến đó. Chịu khó làm mỗi ngày cũng kiếm được mấy chục nghìn tiền ăn, còn tiền lãi ở chỗ mỗi lần bán lợn thịt (do ăn bã rượu).

Cũng theo chị Thủy, chỉ vì quá vất vả mỗi khi đi rừng lấy lá nên nhiều phụ nữ cùng lứa tuổi với chị trong vùng Yên Hoa đã bỏ hẳn nghề làm men lá. Họ chấp nhận mua quả men lá của nhà chị với giá 40 nghìn đồng/kg, có thể nấu được trên 16 kg ngô hạt, đủ phục vụ sử dụng trong một gia đình cả tháng.
 

Theo Âu Vượng
NNVN

.