“Tâm lý của người dân mình là khi trở thành công chức sẽ được nhà nước bao cấp, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về mà vẫn có lương”, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nhận định.
|
Hàng ngàn người đội mưa nắng xếp hàng để nộp hồ sơ dự thi tuyển công chức tại Cục Thuế Hà Nội |
Hàng ngàn cử nhân khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi đội nắng, đội mưa đứng xếp hàng dài cây số trên phố Giảng Võ, quên cả ăn, để chờ đến lượt nộp hồ sơ thi tuyển công chức vào Cục Thuế Hà Nội từ ngày 11/8 đến ngày 15/8/2014 khiến dư luận băn khoăn trước tình trạng muốn đổ xô vào công chức hiện nay. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao khi làm việc trong các cơ quan, đơn vị của nhà nước lương chỉ “ba cọc bà đồng”, mức lương thấp hơn khi làm việc cho doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài mà hàng nghìn người vẫn đội nắng để xin nộp hồ sơ?
Trong khi đó, tại kỳ thi công chức năm 2014 của Hà Nội mới đây, chỉ tiêu tuyển công chức chỉ có 458 người nhưng có tới gần 4.000 thí sinh dự thi, gấp gần 10 lần như cầu tuyển dụng. Phải chăng do con số thất nghiệp của hơn 72 nghìn tân cử nhân đã khiến cho các kỳ thi công chức trở nên “khốc liệt”?
Mọi thí sinh dự thi lại phải tận dụng các mối quan hệ, sử dụng kế “một người làm quan cả họ được nhờ”. Vụ “lộ đề thi” trong đợt thi tuyển công chức của Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương đã làm “đảo lộn” mọi sắp xếp khiến cho Bộ Công Thương phải huỷ bỏ kết quả thi trong kỳ thi tuyển công chức của Cục Quản lý thị trường năm 2013.
Để xử lý tiêu cực này, Ban cán sự Đảng Bộ Công thương đã phải kỷ luật hạ bậc lương đối với hai cán bộ do vi phạm nghiêm trọng quy định trong việc bảo mật đề thi (trao đổi với 4 thí sinh tham gia thi tuyển công chức).
Để vào công chức quả là rất khó, gian nan, việc duy trì, phấn đấu khi trở thành công chức cũng không đơn giản. Vấn đề đua nhau “học vị” của công chức đã khiến cho nhiều người sử dụng kế “ngư ông đắc lợi”. Ví dụ như vụ 40 học viên nộp số tiền 1,08 tỷ đồng cho 3 cán bộ phòng quản lý đào tạo của Trung tâm giao dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa để “chống trượt” trong kỳ thi vào lớp cao học quản lý kinh tế (Trường ĐH kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) đang gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, trong số 40 học viên này chỉ có 7 người trúng tuyển nên nhiều học viên không trúng tuyển đã đề nghị cán bộ phòng Quản lý đào tạo của Trung tâm GDTX Thanh Hóa trả lại số tiền dùng để “ bôi trơn” đầu vào!.
Trên đây chỉ là một vài vụ việc xảy ra gần đây liên quan đến vấn đề xin việc vào các cơ quan đơn vị nhà nước để trở thành công chức.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc muốn trở thành công chức của nhiều người trước tiên là do người ta vẫn chuộng chữ được gọi là "bao cấp", tâm lý của dân mình vẫn muốn được nhà nước bao cấp cho các chế độ, bên cạnh đó việc làm thì nhàn hạ. Còn việc hàng ngàn người xếp hàng để nộp hồ sơ dự thi kỳ thi tuyển công chức tại Cục thuế Hà Nội, Tổng cục thuế mới đây có thể do mọi người cho rằng làm việc tại Cục thuế thì có nhiều nguồn thu nhập khác ngoài lương nên nhiều người muốn vào.
"Điều quan trọng hơn cả, đó là tâm lý của người dân mình là trở thành công chức sẽ được nhà nước bao cấp, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về mà vẫn có lương", ông Thạch nhận định.
Ông Thạch cũng cho rằng, các vụ tiêu cực trong thi tuyển công chức như “lộ đề thi” ở Bộ Công thương, “bôi trơn” khi công chức thi cao học ở Thanh Hóa đều là do con người gây ra và do cơ quan chủ quản quản lý chưa tốt. Tức là tính nghiêm túc của việc thi tuyển công chức đã được quy định rất rõ, còn việc thực hiện như thế nào là do con người hết.
“Việc hàng ngàn người xếp hàng để chờ nộp hồ sơ dự thi công chức tại Cục thuế Hà Nội mấy ngày qua tôi cho rằng đây cũng là vấn đề tồn kho trong nhân lực, cử nhân ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. Trong khi đó ở các cơ quan nhà nước nhiều người là công chức mặc dù trình độ không có, hoặc thấp nhưng chưa đến tuổi về hưu và rất khó sa thải được, còn hàng ngàn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp chính quy có khi giỏi lại không vào được. Đấy là thực trạng ở ngành nào cũng có, giáo dục cũng có, nhiều người tốt nghiệp sư phạm chính quy giỏi lại không xin việc được, trong khi đó ở nhiều cơ quan, đơn vị có những người không đúng ngành nhưng vẫn cứ làm bình thường, vì đã là công chức thì yên tâm chắc chân rồi, đẩy ra khó lắm”, ông Thạch khẳng định.
Ông Thạch cho rằng: "Để thay đổi suy nghĩ mong muốn trở thành công chức trước hết các em cần phải thay đổi tư duy theo lối mòn, thay đổi cái hệ lụy đấy là do thời bao cấp để lại, chính mình phải tự tạo việc làm cho mình.
Cái thứ hai là phải năng động, sinh viên mình là chưa làm được điều đó, phải biết tự đào tạo mình, trang bị đầy đủ kiến thức để ra xã hội biết mình làm được việc gì là phù hợp, trình độ đến đâu... Nếu có trình độ thì thử sức ở các doanh nghiệp nước ngoài sao lại cứ phải vào làm việc trong nhà nước, mục đích cuối cùng là thu nhập của mình là bao nhiêu mà thôi".
Theo Infonet