Những chiếc còi “độ” phát ra tiếng kêu lớn đang được một số người lùng mua trang bị cho chiếc xe của mình để gây chú ý khi đi trên đường. Tuy nhiên, các loại còi xe có âm thanh “khủng” được sử dụng tràn lan hiện nay tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, gây mất an ninh trật tự.
 
Khiếp vía với tiếng còi “khủng”
 
Để hoàn thiện chiếc còi “khủng”, đòi hỏi thợ “độ” phải biết “chế” làm sao để còi bền và không bị phát hiện. Bởi, kích cỡ loại còi “độ” thường to hơn còi xe máy bình thường nên khi lắp ráp phải qua một công đoạn “chế” mới có thể thích ứng được.
 
Đem chiếc còi vừa mua ở cửa hàng bán phụ tùng xe máy đến một tiệm sửa xe, L. được thợ tư vấn khá tận tình. Tuy nhiên, để chiếc còi hoạt động, người chơi phải mua thêm rơ-le đấu nối vào bình ắc-quy. Nếu khách thích kín thì thợ sẽ cắt bớt phần đầu rồi gắn vào trong hộc kín. Gắn như vậy tiếng kêu nhỏ hơn, còn để hẳn bên ngoài sẽ phát ra âm thanh “khủng” gấp nhiều lần.
 
Đây chỉ một trong những cách “độ” còi bình thường của dân chơi mà nhiều người cũng biết. Nhiều thợ sửa xe không ngại chỉ cho khách nhiều kiểu “độ” tinh vi và dễ thao tác nhằm đối phó với việc kiểm tra của lực lượng chức năng.
 
Sau một hồi loay hoay, chiếc xe của L. được “chế” thêm một công tắc chuyển nằm ở dưới tay lái bên trái. Chỉ cần gạt qua là có thể sử dụng còi một cách dễ dàng; trường hợp có cảnh sát giao thông kiểm tra thì chuyển sang công tắc còi xe bình thường.
 
Theo chia sẻ của L., còi rú lên tiếng ngân giống còi ô tô và có thể hụ như xe cảnh sát. Mỗi lần phát ra thời lượng rất dài và lớn, do đó L. yêu cầu thợ “chế” thêm phụ kiện, bằng cách lấy nguồn phát còi từ tay thắng. Chỉ cần không bóp thắng thì chiếc còi “độc” sẽ ngưng hoạt động, tắt ngay lập tức.
 
Trên nhiều tuyến đường, tiếng còi “khủng” vẫn thường vang lên làm náo động cả một khu vực. Đặc biệt, vào các tối cuối tuần, trên đường đông đúc phương tiện qua lại hoặc khi diễn ra các sự kiện, lễ hội lớn lại xuất hiện vài thanh niên tụ tập chạy theo nhóm bấm còi, nẹt pô xe ầm ĩ. Điều này khiến người tham gia giao thông không khỏi bức xúc, bởi lúc nghe thấy tiếng còi xe cấp cứu, xe cảnh sát mọi người sẵn sàng nép vào lề nhường đường, nhưng sau đó nhìn lại không phải xe ưu tiên mà chỉ là xe máy bình thường. Nhiều trường hợp khi nghe tiếng còi “khủng”, người điều khiển phương tiện đã hốt hoảng giật mình, luống cuống dẫn đến va chạm giao thông, gây thương tích.
 
Ngoài nguy cơ mất an toàn giao thông và an ninh trật tự thì việc tự tiện “độ” còi xe một cách vô tội vạ có thể dẫn đến tình trạng cháy, nổ do chập điện. Vì vậy, với những trường hợp bị phát hiện cần phải kiên quyết xử lý nghiêm, không để tình trạng này gây nguy hiểm đến người đi đường.
 
Theo Dương Ngọc (Báo Đồng Nai)
.