Trong những ngày gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng liên tục phản ánh, luận bàn xung quanh việc phát hiện một “Vườn Thượng uyển”, “Phủ đệ hoành tráng”, “Tư dinh nguy nga, lộng lẫy”… với vườn cây cảnh và đá phong thủy quý giá- công trình trị giá tới trăm tỷ đồng của con trai ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương. Sức nóng của sự kiện khiến dư luận đang hướng sự quan tâm đặc biệt về một làng quê nhỏ bé ở huyện Ninh Giang (Hải Dương) với thái độ vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều thông tin, đơn thư phản ánh xung quanh vụ việc “động trời này”. Vấn đề còn đặc biệt đáng quan tâm ở chỗ, hiện Đảng ta đang triển thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Sự tham ô, tham nhũng, lộng quyền… rất cần sự vào cuộc của báo chí nhằm góp phần đấu tranh chống tiêu cực, khẳng định niềm tin của nhân dân.
|
Toàn cảnh ngôi nhà mái bằng tự xây trị giá hơn 900 triệu đồng |
Trước tình hình ấy, với một thái độ hết sức cẩn trọng, BBT Báo NB&CL đã quyết định cử nhóm P.V đến tận nơi để điều tra với tinh thần chỉ đạo phải hết sức trung thực, khách quan bằng lương tâm, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của BBT, nhóm P.V chúng tôi đã có mặt ở địa phương vào ngày 28/5/2012 để thực hiện bài điều tra này.
“Đột nhập” khu nhà vườn đang xây dựng
Từ Hà Nội, chúng tôi phóng thẳng về thôn Đông Tân, xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang để “đột nhập” thẳng vào “dinh thự” của anh Bùi Thanh Tùng, con trai ông Bùi Thanh Quyến, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương.Ninh Thành là một làng quê thuần nông nằm cách khá xa mặt lộ Hải Dương đi thị trấn Ninh Giang. Từ con lộ này vào làng là một đường liên xã nhỏ hẹp. Thôn Đông Tân có hệ thống điện, đường, trường, trạm khá tốt và nhiều nhà cao tầng nhưng khu nhà vườn của Bùi Thanh Tùng vẫn khá khác biệt bởi tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 4.000 m2, nằm ngay rìa làng và đang hoàn thiện hệ thống tường bao. Chúng tôi đi thẳng vào khuôn viên “dinh thự” và không gặp ai ngăn cản. Phải đến khi chúng tôi giơ máy ảnh lên chụp mới thấy một người đàn ông thấp nhỏ dắt xe đạp về dừng chân hỏi và cho biết: “Tôi là Thức, cậu ruột của cháu Tùng, giúp cháu trông coi xây dựng khu vườn này. Tôi muốn đóng cổng không cho ai vào để đỡ mệt nhưng cháu Tùng dặn cứ để cho người ra vào thoải mái”.
Quan sát toàn cảnh khu nhà vườn chúng tôi đã không khỏi bất ngờ, thất vọng. Tất cả không giống như chúng tôi hình dung lúc lên đường. Nơi chúng tôi đang chứng kiến chẳng thấy một hình hài nào của “Dinh thự nguy nga, phủ đệ hoành tráng” cả trăm tỉ bạc! Trước mắt chúng tôi hiển hiện bằng xương bằng thịt cái cơ ngơi “nhà vườn” kia chẳng ra nhà vườn, “biệt thự” không ra biệt thự… mà chỉ thấy một ngôi nhà mái bằng rộng xây trên nền đất tôn cao, nửa tỉnh, nửa quê, đúng “tầm” quê mùa, chẳng ra kiểu kiến trúc có ý tưởng hay quy hoạch, thiết kế bài bản gì. Duy chỉ thấy một hệ thống tường bao phía mặt tiền tỏ ra khá “hoành tráng” là có chút ít mỹ thuật. Chỉ bằng mắt thường chúng tôi cũng khái quát được bức tranh toàn cảnh về cái gọi là “dinh thự” này như sau: Trên khuôn viên rộng khoảng hơn 4.000m2, có một ngôi nhà rộng, xây vuông vức đã xong phần thô. Phía ngoài, hệ thống tường bao đã cơ bản hoàn thiện. Phía trước ngôi nhà có khu hòn non bộ khá lớn. Xung quanh nhà là các khu vườn trồng cây cảnh ước chừng không tới trăm cây đủ loại lớn nhỏ và được trồng khá…lôm côm! Ông Thức cho chúng tôi vào nhà. Quan sát cho thấy kiến trúc có phần thô kệch, đơn giản, nhà chỉ có một tầng xây mái bằng và dưới nền được thiết kế chìm một nửa là tầng hầm. Nhà mới xong phần xây thô nhưng nhìn kết cấu tường xây gạch 20 cm, hệ thống dây điện đang lắp đặt, trần thạch cao, chấn song cửa sổ bằng gỗ thường… không có tí gì thể hiện sự sang trọng, chỉ là một ngôi nhà bình thường, thậm chí kết cấu không bằng ngôi nhà hai tầng của một người dân gần đó. Các bậc tam cấp của ngôi nhà được lát bằng loại đá thô, rẻ tiền. Ông Thức cho chúng tôi xem bản thiết kế ngôi nhà ghi rõ “Nhà nông thôn tự xây” với tổng giá trị đầu tư là hơn 900 triệu đồng.
Có phải “vườn thượng uyển” hàng chục triệu đô-la?
|
Bên ngoài của “dinh thự” |
Ngôi nhà thì như vậy, còn hệ thống cây cảnh, non bộ, đá phong thủy thì sao? Trước hết nói về hệ thống cây cảnh, bằng mắt thường quan sát, chúng tôi có thể nhận thấy ngay khu vườn có chừng vài chục cây đúng nghĩa còn phần lớn là cây nhỏ, không có giá trị, được trồng khá…lôm côm không theo một ý đồ rõ nét, cũng không được trưng bày trong chậu cảnh hay tạo thế như vườn cảnh thông thường của các đại gia cây cảnh nổi tiếng như Thành “đất” (Hà Nội), Thành “vàng” (Phú Thọ), Toàn “đô-la”, Thịnh “cây” (Hải Phòng)…Hai hòn non bộ được ghép bằng loại đá xanh thông thường, quy mô không quá lớn, các chỗ lắp ghép thô kệch, còn nguyên vết xi măng. Xung quanh khu vườn, còn có hai khối đá can xít màu hồng nhạt, nhưng hoàn toàn không có hòn đá nào là đá quý, đá phong thủy trị giá bạc tỷ. Từ thông tin do ông Thức cung cấp, chúng tôi đã liên hệ với ông Trần Hồng Sơn- giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển và Thương mại Tân Vinh, có trụ sở tại số 406 đường Lạc Long Quân, Hà Nội – là người trực tiếp cung cấp và thi công lắp đặt số đá cảnh có trong vườn nhà ông Bùi Thanh Tùng. Theo hóa đơn giá trị gia tăng và bản kê chi tiết tiền nhân công lắp đặt, tiền thuê xe cẩu để vận chuyển số đá trên được lập ngày 25/9/2011 thì số tiền mua đá là 267 triệu đồng; số tiền nhân công lắp đặt là 45 triệu đồng; số tiền thuê xe cẩu vận chuyển lắp đặt là 60 triệu đồng. Tổng số chi phí cho việc đầu tư đá cảnh tại khu vườn trên là 372 triệu đồng. Ông Sơn khẳng định: “Số đá trong vườn nhà anh Tùng không có hòn nào quá 13 triệu đồng vì chỉ toàn đá xanh, đá can-xít mà thôi!”.
Về số cây cảnh tại vườn, theo điều tra của chúng tôi, cả vườn chỉ có vài cây lớn mang tầm cây cổ thụ, còn hầu hết là cây nhỏ. Ông Thức cho hay: “Vườn có mấy chục cây nhưng hầu hết là cây nhỏ, ít giá trị do họ hàng, anh em bạn bè cháu Tùng tặng. Trong vườn có khá nhiều cây…bình dân như ổi, mít, thị, bưởi, gạo…”.
Ông Thức cũng đưa chúng tôi tới xem hai cây được cho là quý giá nhất gồm: Cây Tùng La hán trồng trước bậc tam cấp ngôi nhà và cây cổ thụ cao lớn trong vườn được cho rằng đó là cây sưa cổ thụ, trị giá hàng triệu đô-la. Riêng cây Tùng La hán, ông Thức cung cấp hợp đồng mua bán lập ngày 8/11/2011 cho thấy cây này do anh Đỗ Văn Huy ở Thượng Vực, Chương Mỹ, Hà Nội bán cho ông Trịnh Văn Thịnh là người họ hàng với anh Tùng. Năm 2012, ông Thịnh đã tặng cây này cho Tùng với mong muốn hiến vào nhà thờ dòng họ. Hợp đồng ghi rõ cây bị lỗi nên được bán với giá 180 triệu đồng. Còn với cây cổ thụ bị cho là “cây sưa triệu đô” có một lịch sử hơi dài. Cây này của ông Trần Việt Dũng, hiện sống ở đường Điện Biên Phủ, thành phố Đà Nẵng tặng cho ông Tùng. Ông Dũng vốn là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc và lấy vợ là người họ hàng với gia đình ông Bùi Thanh Quyến nên khi hay tin Tùng làm nhà vườn, có nơi thờ tự dòng họ thì ông Dũng đã thuê xe vận chuyển cây này tặng Tùng. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Dũng cho biết: “Đó không phải cây sưa mà chỉ là cây giáng hương ở Quảng Nam và Đà Nẵng rất nhiều loại cây này”. Tìm hiểu trong khu vườn, chúng tôi phát hiện ra một chi tiết thú vị khác: Loại cây bị cho là…sưa này không chỉ có một mà có tới 17 cây, ngoài cây cổ thụ lớn ông Dũng tặng, còn có 16 cây nhỏ. Hỏi ra mới biết số cây này là do một người bạn của anh Tùng hiện đang làm việc tại Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương) tặng. Tại khu công nghiệp Đại An, chúng tôi tận mắt chứng kiến loài cây này được trồng rất nhiều ở đây. Ông Tường Duy Long, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đại An cho biết: “Đó chỉ là cây giáng hương, giá cây này khi trưởng thành chỉ 4-5 triệu đồng/cây”. Như vậy, tính tổng thể chi phí về cây cảnh được mua tại khu vườn chỉ khoảng hơn 300 triệu đồng.
|
Cây giáng hương có giá 100 triệu đồng bị cho là cây sưa có giá lên tới hàng triệu đô la |
Để kiểm chứng thông tin mà ông Thức, ông Dũng cung cấp, chúng tôi đã làm việc với ông Sử Trường Sơn, một chuyên gia cây cảnh, đá cảnh nổi tiếng ở Hà Nội. Sau khi xem bản hợp đồng kinh tế số 2109/2011/HĐKT-TV về việc thi công tổng thể cảnh quan sân vườn và lắp đặt hòn non bộ giữa công ty Tân Vinh và anh Bùi Thanh Tùng, ông Sơn khẳng định giá cả và giá trị đá, cây cảnh là hợp lý, toàn bộ đá và cây cảnh đều là loại bình thường, không thuộc hàng “đẳng cấp”. “Thậm chí toàn bộ khu vườn đó giá trị không bằng một cây cảnh trong vườn nhà tôi, cũng không nhằm nhò gì so với một biệt thự nhỏ, nhà vườn ven đô, cách bố cục, xây dựng không tầm vóc và thiếu tính thẩm mỹ. Giới cây cảnh chúng tôi không lạ gì khu vườn đó và chúng tôi bật cười khi có người “thổi” lên là “vườn thượng uyển”, “triệu đô” – ông Sơn khẳng định.
Đất đai, quyền sở hữu và tài sản có hợp pháp?
Những ngày qua, các thông tin dày đặc về “dinh thự”, “vườn thượng uyển triệu đô” đã thu hút không ít người hiếu kỳ tìm về khu vườn này. Trong số đó, có cả những cán bộ lão thành, cựu chiến binh bày tỏ sự bức xúc trước dấu hiệu xa hoa, tham nhũng theo dư luận phản ánh. Ông Trần Quang Toan, 75 tuổi, nguyên Chủ tịch huyện Ninh Thanh (nay là 2 huyện Ninh Giang và Thanh Miện – PV) kể: “Thiếu tướng Lê Ngọc Oa, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 3, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương đã gọi điện cho tôi, về Ninh Giang đề nghị tôi đưa đi tìm hiểu. Nhưng đến tận khu vườn “thị sát” rồi, anh Oa cũng ngỡ ngàng nói: “Hóa ra có một họ nói lên trăm. Xem báo đăng thì thấy cây to nhưng ra thực địa lại không phải thế”. Vẫn theo lời kể của ông Toan thì khu đất này vốn là vùng sình lầy, trước kia không canh tác được, lại ở rìa làng gà vịt phá hoa màu nên không ai chịu nhận, chính quyền buộc phải giao cho các hộ dân gần đó, đều là các hộ thuộc họ hàng gia đình anh Tùng. Sau này anh Tùng có ý định xây dựng khu vườn có nhà ở, nhà thờ ở quê nên đã nhận chuyển nhượng lại của 5 hộ gồm: hộ bà Trần Thị Ngát, Bùi Thị Điệp, Nguyễn Thị Thúy, Bùi Văn Nuôi, Trần Văn Hiệu với số tiền chuyển nhượng là hơn 844 triệu đồng.
Theo ông trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ninh Giang thì việc chuyển nhượng, chuyển đổi đất và cấp sổ đỏ cho anh Bùi Thanh Tùng là theo đúng các quy định của pháp luật, không có chuyện xây nhà trên đất nông nghiệp. Việc chuyển đổi 500m2 đất sang đất ở cũng đúng với các quy định của Luật Đất đai về chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất ở, không có quy định hạn mức 200m2 như dư luận nêu vì đây không phải là trường hợp giao đất.
|
Bên trong “dinh thự” không thật sự hoành tráng và đắc đỏ như các thông tin đồn thổi. |
Thời gian gần đây, xuất hiện khá nhiều thông tin liên quan đến các “cậu ấm cô chiêu” con các quan chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, ăn chơi xa hoa, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận. Vì vậy, những dấu hỏi đặt ra xung quanh chuyện anh Bùi Thanh Tùng chỉ là một cấp trưởng phòng thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, với nguồn thu nhập từ lương không cao thì lấy đâu ra tiền để đầu tư xây dựng một khu vườn hơn 4.000m2 là có cơ sở. Những câu hỏi về sự liên quan tới ông Bùi Thanh Quyến dù có phần khiên cưỡng nhưng ít nhiều cũng có lô-gic. Với quan điểm đó, Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã cố gắng tìm cách đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và xã hội và anh Bùi Thanh Tùng để làm rõ sự việc.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về nguồn gốc của số tiền đầu tư cho khu vườn và nhà đến nay khoảng gần 3 tỷ đồng, nếu hoàn thiện khả năng sẽ lên tới 4-5 tỷ đồng khiến dư luận hoài nghi rằng với lương công chức mà có tài sản lớn như vậy là “bất hợp lý”. Bùi Thanh Tùng giải thích: “Không có gì bất hợp lý cả!”. Theo Tùng thì số tiền đầu tư xây nhà và vườn đều chủ yếu lấy từ nguồn tiền anh bán căn hộ mua tại khu Yên Hòa – Hà Nội năm 2004. Căn hộ này anh mua với giá gần 1 tỷ đồng. Khi không làm việc ở Hà Nội chuyển về Hải Dương công tác và lấy vợ ở quê, Tùng ở cùng bố mẹ và đã quyết định xây dựng khu vườn, nhà và nhà thờ chi họ ở quê. Anh đã bán căn hộ ở Hà Nội được gần 5,5 tỷ đồng để đầu tư cho công trình này. Tùng cho biết anh cũng đã kê khai đầy đủ tài sản, trong đó có cả khu vườn và các công trình đang xây dựng từ tháng 11/2011.
Làm việc với chúng tôi, ông Lưu Văn Bản, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết: “Tùng là cán bộ trẻ có năng lực và sống rất khiêm tốn, giản dị. Tùng từng đảm nhiệm vị trí phó phòng từ năm 2007 nên khi năm 2011 chuyển công tác về Sở, chúng tôi vẫn bố trí phó phòng là hoàn toàn không có sự ưu ái nào và do quá trình phấn đấu tốt nên được bổ nhiệm trưởng phòng. Vừa qua thực hiện kê khai tài sản đảng viên theo quy định, đồng chí Tùng cũng đã kê khai đầy đủ cả khu vườn và tài sản liên quan, niêm yết công khai tại Sở suốt 3 tháng từ 31/12 đến 31/3/2012”. “Sau khi xảy ra sự việc báo chí nêu về khu vườn triệu đô, Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Sở cũng đã họp, giao cho Trưởng phòng tổ chức phối hợp với Chánh thanh tra Sở tìm hiểu, xác minh sự việc. Qua kiểm tra bước đầu, chúng tôi chưa phát hiện đồng chí Tùng vi phạm những điều cấm đảng viên không được làm cũng như chưa có sai phạm đến mức phải xem xét xử lý”.
Liên quan đến vụ việc này, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội (đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng: “Khi có những ý kiến của công luận đưa lên về một vụ việc nào đó mà có nghi vấn về tính minh bạch tài chính, thu nhập thì cần phải làm rõ, bất cứ người đó là ai. Người đó có chức quyền, cán bộ, đảng viên thì càng phải làm nhanh, làm sớm để khi công luận rõ sẽ tạo niềm tin đối với người dân và nếu không có cũng là một cách để “minh oan” cho người bị nghi ngờ, bảo vệ cán bộ, bảo vệ uy tín cho Đảng, Nhà nước”. Đồng tình với quan điểm này, anh Bùi Thanh Tùng mong muốn được các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ sự thật để thông tin được sáng tỏ trước công luận.
Ngày 30/5, trao đổi với phóng viên, một cán bộ lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết: “Trước những thông tin dư luận phản ánh liên quan đến nhiều người, trong đó cả cán bộ lãnh đạo tỉnh, chúng tôi sẽ kiến nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự thật”.
Theo NB&CL