Trong kiến nghị bổ sung mức xử phạt vi phạm giao thông từ ngày 15/3 mà Ủy ban ATGT Quốc gia trình Chính phủ, có một điều khoản đang gây nhiều tranh luận. Đó là đề xuất tịch thu xe hơi nếu người cầm lái có nồng độ cồn trong cơ thể quá cao, gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô online đã ghi nhận được những ý kiến trái chiều, cho rằng đề xuất này là trái luật, song cũng có nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất “táo bạo” này.
 
 
Cùng quan điểm với Lim là rất nhiều người khác lo lắng cho sinh mạng của bản thân và mọi người khi ngày càng có nhiều thông tin về tài xế say rượu gây tai nạn trên đường.
 
Anh Cao Phong – một người vừa chuyển sang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản được 3 năm – bày tỏ: “Không dễ để thực hiện đề xuất này do vướng về pháp lý của Việt Nam. Nhưng tôi rất ủng hộ đề xuất tịch thu đó. Cần phải có biện pháp mạnh và không chỉ riêng Bộ Giao thông Vận tải triển khai, mà phải có sự phối hợp liên ngành. Theo tôi, việc tịch thu xe nên áp dụng ở lần vi phạm thứ 3, ở 2 lần trước đó là phạt tiền thật nặng, lần sau gấp đôi lần trước”.
 
Trong khi đó, anh Ngô Thắng – kỹ sư điện tại Hà Nội – chia sẻ quan điểm: “Tôi cho rằng những ai từng một lần chứng kiến “xe điên” do tài xế say điều khiển sẽ ủng hộ ngay đề xuất mạnh tay mới. Cảm giác kinh hoàng khi phải né “xe điên” thực sự là rất ám ảnh. Ngay cả những người chưa từng chứng kiến thì cũng dễ trăn trở, như đồng nghiệp của tôi mỗi ngày mở báo lên đọc, thấy có những vụ tai nạn thảm khốc mà có chung một nguyên nhân là lái xe bước xuống, mặt đỏ gay và chẳng còn biết gì”.
 
Thậm chí, ngay cả không ít người sở hữu xe hơi cũng tỏ ra ủng hộ đề xuất mạnh tay mới của Ủy ban ATGT Quốc gia.
 
Nhà chị Thu Hiền (Liên Ninh, Hà Nội) hiện có 2 chiếc xe hơi để phục vụ nhu cầu đi lại của 2 vợ chồng. Theo chị Hiền, “ở vị trí là người cầm lái, tôi cũng thấy sợ hãi nếu như người điều khiển không đủ tỉnh táo, cứ nhấn chân ga một lúc thì không biết bao nhiêu hiểm họa có thể giáng xuống những người đi đường quanh mình. Tôi ủng hộ việc xử phạt mạnh tay như vậy. Nếu đã say thì đừng bước lên cầm vôlăng. Ở nhà tôi, nếu chồng lỡ quá chén thì luôn có ý thức gọi điện cho vợ tới lái xe về. Mạnh tay là cần thiết, phải siết chặt vì tính mạng của mọi người!”
 
“Ngoài tịch thu xe, vẫn có phương án phạt nặng…” 
 
Hiện xe hơi vẫn được coi là một thứ tài sản đắt giá trong xã hội Việt Nam. Do vậy, khi xuất hiện thông tin “tịch thu xe hơi nếu trong máu người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở”, có những chủ sở hữu ô tô đã tỏ ra “giật mình”.
 
Anh Lê Quốc Minh (Gia Lâm, Hà Nội) – chủ nhân của một chiếc xe hơi đắt giá – tỏ ra băn khoăn: “Về pháp lý thì có vẻ không ổn. Vì nhiều chiếc xe hơi là tài sản cá nhân, nếu vi phạm thì bị xử phạt phù hợp chứ không thể xâm phạm tài sản cá nhân. Nếu thu xe được thì chả lẽ thu nhà cũng được? Theo tôi, có thể siết chặt tình trạng tài xế quá chén bằng khoản phạt thật nặng, chẳng hạn tới cả 1 tỷ đồng, miễn là xử nghiêm, minh bạch”.
 
Trong khi đó, anh Vũ Hùng (Tây Hồ, Hà Nội) phản ứng, cho rằng: "Đề xuất này là trái luật. Có thể phạt nặng, chứ không thể tịch thu. Muốn tịch thu phương tiện của ai đó, phải có quyết định của toà an. Không thể tuỳ tiện nói là tịch thu xe khi người điều khiển uống rượu bia, có nồng độ cồn trong máu/khí thở cao được. Nếu muốn áp dụng đề xuất này, nhất định phải sửa luật. Mà sửa luật thì không đơn giản, phải qua rất nhiều khâu, trong thời gian dài".
 
Trong giai đoạn giao thông Việt Nam còn đang tồn tại rất nhiều bất cập như hiện nay, những sáng kiến điều tiết giao thông, xử lý vi phạm là rất cần thiết để mang lại một không gian lưu thông lành mạnh, an toàn đối với mọi người. Vậy nên, khi vẫn còn đó những lái xe thiếu ý thức, coi thường sinh mạng của người khác, thì càng dễ hiểu khi nhiều người dân tỏ ra ủng hộ những giải pháp “táo bạo” và mạnh tay, dù đôi khi, nó có thể sẽ gây “sốc”!
 
Theo ANTĐ
.