Buồn, đau xót, xấu hổ, nhục nhã… là cảm xúc của hàng ngàn bạn đọc khi thấy lời thoại của một bộ phim Hàn Quốc đánh giá cô dâu Việt “rẻ” như bèo.
 
Câu thoại trong phim Nông dân hiện đại - Ảnh: K.A.
Câu thoại trong phim Nông dân hiện đại - Ảnh: K.A.
 
"Chẳng lẽ trong mắt người Hàn Quốc, phụ nữ Việt Nam "rẻ bèo" như cách người mẹ Hàn Quốc trong phim ví von hay sao?" là chia sẻ của độc giả Trầm Kim Anh về câu nói khá nhạy cảm rằng dù có sang Việt Nam cũng không lấy được vợ, trong bộ phim Hàn Quốc Nông dân hiện đại.
 
Hàng ngàn bạn đọc phẫn nộ, có ý kiến về lời thoại của bộ phim này. Không chỉ thể hiện sự bất bình với cách ví von, so sánh trong phim, nhiều bạn đọc còn bày tỏ cảm xúc buồn bã và đau xót vì suy nghĩ cô dâu Việt Nam bị xem nhẹ trong mắt người nước ngoài. 
 
Buồn cho phụ nữ Việt
 
Trong phim, một người mẹ Hàn Quốc nói với con trai hay say xỉn của mình rằng: “Con muốn kết hôn thì cai rượu đi. Con uống rượu cả ngày thì dù có sang Việt Nam cũng không tìm được dâu đâu”.
 
Bạn đọc Lê Xuân Cường chia sẻ “thật đau đớn”, còn bạn Bảo Apple nói “đau lòng quá”. Bạn đọc Nguyễn Quân thì bình luận: “Đọc mà thấy đắng”.
 
Là một khán giả theo dõi bộ phim này, bạn Min Trần cảm thấy khá chua xót khi nghe đến câu nói này trong phim. “Có thể họ không có ý miệt thị nhưng là người con gái Việt Nam, nghe những câu nói này, mình vẫn có cảm giác tổn thương” - Min Trần nói.
 
Một người khác bày tỏ suy nghĩ: “Phim này chiếu trên Ðài truyền hình SBS phát đi cho cả Hàn Quốc xem, chưa kể dịch ra vài thứ tiếng rồi đăng tải lên mạng nữa. Hình ảnh con gái Việt Nam tự nhiên bị làm xấu đi”.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 
Bạn đọc Vũ Như Mai (Tây Ninh) kể rằng khi xem phim đến đoạn này, bạn đã giật mình vì “thấy con gái Việt Nam được nhắc đến trong phim theo cách như vậy…”.
 
“Cách nhìn của họ như vậy cũng không khó để lý giải. Đã không ít lần chúng ta nhìn thấy hoặc biết đến những tờ quảng cáo bằng tiếng Trung, tiếng Hàn… rằng chỉ cần một số tiền nhất định là đã có thể có được cô vợ Việt Nam xinh xắn, chăm làm việc nhà, biết sinh con…”, chị Vũ Như Mai nói.
 
Trước khi trách người, nên nhìn lại mình?
 
Sau khi đọc bài viết “Dù có sang Việt Nam cũng không lấy được vợ?”, bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn đã lên tiếng đề nghị Bộ Ngoại giao gửi công hàm phản đối đến nước bạn vì “đã xúc phạm đến hình ảnh quốc gia".
 
“Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch không cho nhập và phát hành bộ phim Nông dân hiện đại trên các phương tiện truyền thông dưới mọi hình thức”, anh Tuấn nói.
 
Cùng quan điểm, bạn đọc Phạm Hiếu Thảo cho rằng: “Thông qua Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Việt Nam, đề nghị đơn vị làm ra bộ phim này có lời xin lỗi chính thức phía Việt Nam, với phụ nữ Việt Nam”.
 
Bạn đọc Huỳnh Chí Khải cho rằng biên kịch phim và đạo diễn không nên lấy ví dụ như vậy và “họ nên có lời xin lỗi tới phụ nữ Việt Nam và dân tộc Việt Nam”.
 
PV Đông Phương của báo Tuổi Trẻ (bìa trái) thăm hai cô dâu Việt được chăm sóc tại Bệnh viện Tâm thần Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) - Ảnh: Viễn Sự
PV Đông Phương của báo Tuổi Trẻ (bìa trái) thăm hai cô dâu Việt được chăm sóc tại Bệnh viện Tâm thần Phúc Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) - Ảnh: Viễn Sự
 
Tuy nhiên, bên cạnh những bình luận yêu cầu sự xin lỗi, có những bạn đọc bày tỏ quan điểm “nên nhìn lại mình trước khi trách người”.
 
Bạn đọc Văn Đức khẳng định: “Giá trị của mình do mình định đoạt, mình làm thế nào người ta mới coi mình rẻ bèo”.
 
Bạn Tô Mai nói: “Hãy làm cách nào đó để tự cải thiện hình ảnh của mình”.
 
Bạn đọc Huỳnh Chí Khải và Phạm Hiếu Thảo cho rằng “người Việt Nam hãy cố gắng làm việc, học tập nhiều hơn nữa để tiếp thu kiến thức, văn minh nhân loại. Cố gắng phát triển kinh tế để không còn nghèo nàn, không còn xem việc kết hôn với người nước ngoài là giải pháp thoát sự nghèo nàn”.
 
“Chúng ta cũng nên có chính sách chăm lo cho phụ nữ và tư vấn cho phụ nữ trước khi họ kết hôn với người nước ngoài” - hai bạn Chí Khải và Hiếu Thảo cùng quan điểm.
 
Cái gì chờ đợi ở phía trước: không biết!
 
Chị Thùy Trang (Kiên Giang) cho biết ở nhiều vùng nông thôn quê chị vẫn tồn tại phong trào lấy chồng nước ngoài với hi vọng có chút ít tiền phụ giúp gia đình. “Có xã có rất nhiều gia đình cho con lấy chồng nước ngoài, cứ một người lấy rồi lại móc nối cho người tiếp theo”, chị Trang kể.
 
Thời gian qua, không ít đàn ông Hàn Quốc đến Việt Nam tìm vợ thông qua người môi giới bằng cách tuyển vợ như tuyển một món hàng. Bà mối đưa hàng loạt cô gái trẻ ở các vùng miền đến một địa điểm cho người tìm vợ lựa chọn. Trước thực tế đó, nhiều bạn đọc phải thốt lên “Buồn và cay đắng làm sao!”.
 
ThS xã hội học Nguyễn Thị Thúy chia sẻ trong quá trình tham vấn của mình, chị gặp không ít phụ nữ có ý định lấy chồng nước ngoài để đổi đời.
 
Soon Hwa, một giáo viên dạy nhiếp ảnh người Hàn Quốc của ÐH Nanyang (Singapore) - người đã thực hiện triển lãm về các cô gái chuẩn bị lấy chồng Hàn Quốc, Ðài Loan ở vùng quê Tân Lộc (Cần Thơ) - cho rằng lý do những cô gái này muốn lấy chồng nước ngoài chính là họ đi học, họ kiếm việc nhưng mức lương của họ không đủ sống.
 
Trang điểm kỹ càng chuẩn bị chụp hình ở một công ty môi giới hôn nhân qua mạng - Ảnh: T. L.
Trang điểm kỹ càng chuẩn bị chụp hình ở một công ty môi giới hôn nhân qua mạng - Ảnh: T. L.
 
Sống như vậy hay là quyết định ra đi thử tìm cơ hội mới? Ðó là quyết định của họ. “Nếu điều kiện tốt hơn, cơ hội việc làm tốt hơn, những phụ nữ khôn ngoan sẽ không bao giờ rời đi. Có lẽ xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu của họ nên họ mới phải đi kiếm chồng nước ngoài. Tôi không nghĩ là họ lười hay thứ gì tương tự” - Soon Hwa nói.
 
Trong loạt bài “Làm dâu xứ Hàn” đăng trên Tuổi Trẻ tháng 10-2011 có kể câu chuyện của cô dâu Ngô Thị Bích Thơm, một người quê ở Tây Ninh, lấy chồng Hàn Quốc khi vừa tròn 18 tuổi với mong muốn có tiền gửi về giúp cha mẹ.
 
Thơm kể về những nỗi vất vả, tủi nhục của mình khi phải làm dâu xa xứ với thực tế cuộc sống khác hẳn những gì mọi người ở quê thường nghĩ.
 
ThS Phạm Thị Thúy cho rằng hai nguyên nhân có thể nhìn thấy rõ ràng nhất trong việc nhiều cô gái ở miền quê vẫn “nhắm mắt đưa chân” lấy chồng nước ngoài, bất chấp việc không hiểu ngôn ngữ, văn hóa, lối sống của nơi mình sẽ làm dâu, chính là sự thiếu hụt thông tin và vì vấn đề kinh tế gia đình.
 
Chị Vũ Như Mai (Tây Ninh) thông cảm: “Cũng không biết trách họ hay thương họ vì dường như họ quá ngây thơ, thiếu kiến thức xã hội và cũng không đủ trình độ nhận thức để suy xét vấn đề cho thấu đáo. Đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng về phụ nữ VN vì thiếu hiểu biết mà lấy chồng nước ngoài để rồi không được hạnh phúc, không có tiền, có khi còn mất mạng”.
 
Thư của cô dâu Việt Nam tên Huỳnh Mai, người được tìm thấy trong tầng hầm căn nhà của chồng sau 8 ngày bị giết với 18 xương sườn bị gãy vào năm 2007
Thư của cô dâu Việt Nam tên Huỳnh Mai, người được tìm thấy trong tầng hầm căn nhà của chồng sau 8 ngày bị giết với 18 xương sườn bị gãy vào năm 2007
 
Giáo viên dạy nhiếp ảnh người Hàn Quốc Soon Hwa chia sẻ thêm rằng: “Tôi tự hỏi những phụ nữ Việt này thậm chí không nói được tiếng Hàn thì làm sao họ đến sống và thích nghi ở xã hội Hàn Quốc được.
 
Xã hội Hàn rất bảo thủ về mặt văn hóa. Tôi muốn truyền tải hình ảnh thế giới mà họ sống trước khi họ đến Hàn Quốc. Những gì để lại phía sau là những gì đã biết, những gì đang chờ đợi họ phía trước là những điều mà họ chưa biết, từ khí hậu, cảnh quan, văn hóa tới con người. Ðó là lý do tôi thay đổi cách chụp hình của mình”.
 
ThS xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng gần đây những câu chuyện về cô dâu Việt bị sát hại, bị đối xử tệ bạc khi làm dâu đất khách trên báo chí đã phần nào đánh động đến suy nghĩ, tư tưởng của những cô gái, những gia đình vẫn còn ý định “nhắm mắt đưa chân” lấy chồng xa xứ vì lý do kinh tế.
 
Thầy cô giáo THCS, THPT nên góp phần định hướng
 
Theo ThS Phạm Thị Thúy, ngoài việc tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, về việc lấy chồng nước ngoài cho phụ nữ nông thôn của chính quyền địa phương thì các thầy cô giáo cấp II, cấp III cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng về cách nhìn nhận hôn nhân cho các em học sinh.
 
Nhiều câu chuyện thương tâm
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Ngân (sinh năm 1992, ở Q.4, TP.HCM) bị một người Hàn Quốc sát hại vào lúc 3g sáng ngày 30-11-2014 tại Hàn Quốc. 
 
Gia đình lập bàn thờ cho chị Nguyễn Thị Thanh Ngân - Ảnh: Kim Anh
Gia đình lập bàn thờ cho chị Nguyễn Thị Thanh Ngân - Ảnh: Kim Anh
 
Tháng 1-2014, cô dâu Việt tên là Ngô Thị Nga, sinh năm 1993, đã bị một người chồng Hàn Quốc sát hại. Cảnh sát tỉnh Kangwon cho biết trong lúc vợ chồng cãi vã, người chồng Hàn Quốc đã bóp cổ vợ mình đến chết.
 
Tháng 7-2014, thi thể một cô dâu Việt được phát hiện dưới thung lũng tại tỉnh Chonlanam-do, phía tây nam Hàn Quốc. Cảnh sát địa phương kết luận nạn nhân (chị Tiên) đã bị sát hại khoảng 5 ngày trước, sau đó bị hung thủ đẩy xuống núi cùng với chiếc xe máy nhằm tạo hiện trường giả là một vụ tai nạn. Theo một số chị em người Việt lấy chồng Hàn Quốc ở cùng địa phương, trước khi mất tích, chị Tiên và chồng đã xảy ra mâu thuẫn và cãi vã.
 
Theo Tuổi trẻ
.