Mặc dù hiện nay hệ thống giếng khoan, nước máy trong các dự án chương trình nước sạch Quốc gia được Chính phủ xúc tiến thực hiện nhiều nơi trên cả nước, nhưng giếng đất, giếng bi vẫn không thể thiếu đối với rất đông hộ nông dân. Đào giếng để có nước uống, có nước trồng trọt chăn nuôi là nhu cầu tất yếu. Nghề đào giếng không phát triển rộng rãi, nhưng đây đó, làng quê nào cũng có 5 - 7 thợ đào giếng.
Những người thợ giếng
Phong, người khu phố 2 phường Tân An, thị xã La Gi là một thợ giếng có thâm niên trên 10 năm. Sau khi rời ghế nhà trường, thay vì chọn cho mình một nghề gì đó nhẹ nhàng, có thu nhập cao, Phong lại quyết chí theo nghề đào giếng. Tài sản khởi nghiệp của anh là dây, gàu, xà beng, thuổng, cuốc, cùng với mấy khuông đúc bi. Với sự nghiệp không lấy gì làm to tát ấy, anh vào nghề bằng những hợp đồng nhận đào giếng ở quanh làng. Theo nghiệp cùng anh là mấy thanh niên nghèo trong xóm. Tất cả họ đều dùng công sức, lao động cật lực để có những đồng tiền chính đáng. Mười mấy năm vào nghề, từ chinh phục độ sâu vài ba mét, nay cơ sở của Phong không khó khăn mấy khi nhận hợp đồng đào những giếng có độ sâu đến vài chục mét. Trong nghề nghiệp, Phong là người có trách nhiệm và uy tín nên rất được khách hàng tin cậy. Tuổi đời ngoài 30, Phong còn rất trẻ, nhiều năm liền được bà con tín nhiệm bầu làm khu phố trưởng khu phố 2, một cán bộ khu phố được đánh giá là năng động.
Cùng khu phố với Phong có anh Đặng Đình Nhiệm, một người có thâm niên vài chục năm lăn lộn với nghề đào giếng, đúc bi giếng. Anh Nhiệm đã bước qua ngưỡng tuổi 60. Ngoài công việc đào giếng, anh còn là tay chơi đàn, trống khá hay. Bà con khu phố tổ chức đám cưới, tiệc tùng, ai có nhu cầu anh Nhiệm đều mang trống đàn đến phục vụ tận nơi.
Còn anh Trước, quê ở Quảng Nam, sau vào Hàm Tân sinh sống. Thất nghiệp, may có người bạn cùng quê hướng dẫn theo nghề đào giếng. Nghề đào giếng tuy nặng nhọc, nguy hiểm nhưng cũng có cơm ăn nên anh làm nghề suốt từ đó đến giờ.
Gian nan công việc
Anh Trước nói: Nghề đào giếng rất cơ cực và nguy hiểm, nhưng bù lại có việc làm, thu nhập cũng khá. Một ngày đào giếng mỗi thợ kiếm được trên 100.000 đồng, gặp giếng dễ đào có khi hơn. Nhưng gặp giếng khó, đào không có nước hoặc gặp đá bàn phải bỏ dở, chủ chỉ trả cho phân nửa. Âu cũng song phẳng, người ta mất, mình cũng mất, chẳng trách cứ ai.
Thường đào một giếng nước cần 2 - 3 thợ. Người trưởng nhóm chính thợ cả kiêm việc cung cấp bi giếng. Giá thành bi giếng tùy thuộc vào giá xi măng, sắt thép, cát, sạn… trên thị trường, lại còn tùy thuộc vào kích cỡ bi giếng nữa. Như mới đây, Phong nhận khoán đào một giếng nước trên khu đất đồi, cao nhất phường Tân An. Dự kiến đào sâu trên 20m, bi giếng có đường kính 2m, hợp đồng thỏa thuận bao khoán cả bi, cả công 1,8 triệu đồng/m đào. Tính ra đào được cái giếng để có nước sử dụng trên vùng cao này tốn gần 40 triệu đồng. Phong và đội quân của anh đào cật lực đến mét thứ 16 thì bị đá chặn, may sao ở độ sâu này giếng cũng có được trên bi nước, không thì chủ, thợ đều khổ.
Người đào giếng đối diện với mối nguy hiểm là ngồi một mình dưới độ sâu 10 - 15 m, lỡ sợi dây bị đứt, bị sút mối, cả khối đất nặng rơi xuống, xoay sao kịp!
Phiêu, một thợ giếng dày dạn kinh nghiệm cho biết: Đào giếng xuống độ sâu chừng 10m, buộc phải có biện pháp đề phòng, không khéo người ở dưới do thiếu ôxy rất dễ dẫn đến mất mạng. Kinh nghiệm của thợ giếng, dùng đèn thắp sáng thả xuống đáy giếng, nếu đèn bị tắt là thiếu ôxy, trong trường hợp này phải bẻ lá cây tươi cột vào dây thả xuống, kéo lên liên tục, mục đích cho lá cây nhả khí. Che miệng giếng, dùng quạt quạt mạnh đẩy không khí xuống giếng. Nơi nào có điện, cột dây đưa quạt máy xuống. Trường hợp đào giếng gặp đá phải dùng chất nổ để phá đá. Khi nổ xong, ít nhất 24 giờ sau mới được xuống giếng, vì khi sử dụng chất nổ, lượng ôxy dưới giếng bị đốt đi, ngược lại khí lưu huỳnh tồn tại trong giếng rất cao, người thợ giếng không có kinh nghiệm nôn nóng xuống ngay rất dễ dẫn đến tử vong.
Tuy nguy cơ xảy ra nguy hiểm đối với nghề đào giếng lúc nào cũng có, nhưng nhờ vào dụng cụ tốt, chuẩn bị chu đáo, khâu kiểm tra liên tục nên đối với thợ giếng chuyên nghiệp tai nạn xảy ra là rất hiếm. So với nghề đào giếng trước đây, bây giờ thiết bị rất đầy đủ, công nghệ tiến bộ và an toàn hơn nhiều. Ví như ngày xưa, đào một giếng nước ở vùng cát phải đào rộng để tránh sạt lở, rồi thả từng bi xuống, sau đó mới chỉnh sửa, trét hồ, lấp đất. Bây giờ ở vùng đất cát, đào giếng rất khỏe. Đào bi nào xuống bi đó, kiểu moi đất cho bi tụt dần. Khi giếng đủ nước cũng là lúc bi xuống đủ.
Đào giếng, một công việc vất vả và nguy hiểm, thu nhập lại không cao, việc làm chủ yếu tập trung vào mấy tháng sau tết thường khô hạn, nhưng công việc không thường xuyên, nên chẳng ai giàu lên từ nghề đào giếng. Nhưng chính họ lại là những người đem nguồn nước sạch đến mỗi hộ gia đình.
Theo Báo Bình Thuận