Tại các huyện Buôn Đôn, Krông Bông (Đắc Lắc), hằng chục năm nay, nhiều hộ dân đã phải đánh đu với tử thần khi phải đu dây qua sông để làm nương rẫy.
 


Xã Hòa Lễ có khoảng 300 ha đất canh tác bên kia sông. Diện tích này do người dân xâm canh dọc bờ sông Krông Ana, thuộc địa phận xã Cư Kty, huyện Krông Bông và 2 xã Ea Yiêng, Vụ Bổn, thuộc huyện Krông Pắk. Trước đây, người dân thường dùng ghe, thuyền hoặc cầu khỉ để đi lại và vận chuyển hàng hóa qua sông. Về sau, những cây cầu này bị lũ lớn cuốn trôi nên họ đã đóng thuyền, bè để sử dụng. Tuy nhiên, do thuyền bè nhỏ, rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ nên họ đã sáng chế ra cáp để vận chuyển và việc này đã kéo dài khoảng trên mười năm nay.

Ông Võ Châu Thắng, cán bộ phụ trách Giao thông- Thủy lợi xã Hòa Lễ cho biết: “Dọc bờ sông dài hơn 10 km, thì người dân các thôn xã Hòa Lễ đã bắc gần 20 cáp treo tự chế để qua sông cho thuận tiện. Trong đó, nhiều nhất là thôn 5 với 9 tuyến cáp. Mới đây, người dân thôn 9 của xã đã góp tiền làm được 1 chiếc cầu trụ bằng sắt, lát ván bắc qua sông để người dân thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, cây cầu này chỉ là cầu tạm, khi nước lớn thường bị ngập, thậm chí là bị cuốn trôi”.

Trao đổi với chúng ôti, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ tịch xã Hòa Lễ không khỏi lo lắng: Trung bình một ngày người làm rẫy phải đu cáp qua sông 4 lần, nên việc cáp đứt và cây cọc bật gốc không có gì lạ. Đã có nhiều trường hợp người dân đu dây rớt xuống sông, nhưng được người khác phát hiện, hô hoán và ứng cứu kịp thời, nên không nguy hại đến tính mạng. Mặc dù chúng tôi đã khuyến cáo người dân không được đu dây qua sông trong mùa nước lũ để đảm bảo an toàn, nhưng vì cuộc sống, nhiều người vẫn “liều mình” đu qua sông. Trong điều kiện ngân sách của xã còn hạn hẹp, chúng tôi rất mong các cấp chính quyền kịp thời quan tâm, đầu tư xây dựng 1 cây cầu kiên cố để bà con được đi lại an toàn hơn.

Những ngày tháng 8 này, Tây Nguyên đang trong mùa mưa, làm cho dòng Krông Ana chảy xiết và hung dữ hơn. Thế nhưng vì “miếng cơm manh áo” nhiều người dân hàng ngày vẫn phải “đánh đu” trước miệng tử thần. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Đắc Lắc cần xem xét hỗ trợ xây dựng cho bà con một cây cầu treo kiên cố để họ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.
 

Theo ANTĐ

.