Phụ hồ là công việc dành cho nam giới, nhưng nhiều phụ nữ vẫn phải chọn công việc này để mưu sinh với nhiều rủi ro rình rập.

 


61 tuổi vẫn phải bê gạch vữa leo cầu thang

Trong cái nắng như đổ lửa giữa trưa tháng 8, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Nguyệt (61 tuổi), phụ hồ tại một công trình ở khu đô thị Sao Mai Bến Đình (phường 9, TP. Vũng Tàu). Quê ở tận Bạc Liêu, cuộc sống quá khó khăn nên hai vợ chồng bà phải lặn lội đến Vũng Tàu thuê một phòng trọ chưa đầy 10 m2 ở phường 11, hằng ngày chồng làm thợ xây, vợ làm phụ hồ. “Có tuổi rồi, khó mà xin được công việc khác nên tôi làm phụ hồ đã 10 năm nay. Đối với công việc này, chủ thầu không quan tâm đến tuổi tác, chỉ cần có sức khỏe để làm việc”, bà Nguyệt cho biết. Công việc của bà Nguyệt thường bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 5 giờ 30 chiều. Tại công trường, các phụ hồ phải làm nhiều việc như: sàng cát, trộn hồ, xách hồ, khuân gạch, quét dọn công trường. Mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, những lọn tóc dính bết vào trán, gương mặt đen sạm vì nắng gió, bà Nguyệt kể, có những ngày phải xách hàng chục xô hồ, khuân hàng trăm viên gạch, cả người mệt mỏi rã rời, lên cầu thang, leo giàn giáo mà chân run lẩy bẩy, tưởng như không bước nổi. Nhiều khi say nắng đến xây xẩm mặt mày nhưng gánh nặng mưu sinh không cho phép bà bỏ cuộc. Tuy sức khỏe của bà có phần hạn chế hơn nam giới, song, chủ thầu vẫn ưu tiên chọn bà vì sự cần mẫn, trách nhiệm và sự gắn bó với công việc.

Trượt ngã từ giàn giáo, hôm sau vẫn đi làm

Cũng là một phụ hồ có thâm niên, chị Lâm Thị Bo Bo (37 tuổi), ở xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ, gắn bó với công việc này đã 12 năm. Hằng ngày, chị đi làm từ 5-6 giờ sáng và trở về nhà khi trời đã xẩm tối, thu nhập 160 nghìn đồng/ngày. Chị Bo kể: “Có khi đi hàng chục km lên đến công trình rồi lại phải nghỉ vì mưa gió mà không được trả tiền công”. Nhìn hai bàn chân của chị chai sần, đôi tay bị vôi vữa, xi măng gây nên những vết loang lổ trên da, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi nhọc nhằn, vất vả của những nữ phụ hồ. Công việc cực nhọc khiến chị Bo nhiều lần bỏ nghề chuyển sang làm công việc khác. Thế nhưng, trình độ có hạn, chị chỉ có thể làm thuê làm mướn hoặc làm công nhân với đồng lương ba cọc ba đồng. Sau một thời gian ngắn, chị đành chấp nhận quay lại công việc phụ hồ nhọc nhằn để có tiền nuôi 3 con ăn học.

Không chỉ nhọc nhằn, vất vả, công việc phụ hồ còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Không được trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động nên tai nạn luôn luôn rình rập các nữ phụ hồ. Những tai nạn thường gặp nhất là ngã giàn giáo, vật liệu xây dựng rơi vào đầu, giẫm phải đinh, sắt vụn ở công trường. Chị Lê Thị Hường (phường 7, TP. Vũng Tàu), một nữ phụ hồ mới vào nghề hơn 2 năm cho biết, cách đây khoảng 10 ngày, chị bị trượt ngã khi bước từ giàn giáo xuống. Tay và vai bầm tím, đau nhức, nhưng chị vẫn cố làm cho trọn vẹn ngày công rồi về nhà tự bóp thuốc để hôm sau tiếp tục đi làm. Còn vết sẹo dài trên trán của chị Lâm Thị Bo Bo là một kỷ niệm không thể quên. Ra Tết, vừa đi làm, chị bị một nữ đồng nghiệp tranh giành đồ nghề rồi bất ngờ lấy gạch đập vào đầu khiến chị Bo phải nhập viện, khâu 5 mũi. Được 2-3 ngày, vết thương chưa kịp khép miệng, chị lại tất bật đi làm.

Mỗi nữ phụ hồ có một hoàn cảnh khác nhau, song họ lại có điểm chung là cùng có hoàn cảnh khó khăn, có sức lao động và chịu được áp lực công việc. Và hơn hết là khát khao được mưu sinh bằng sức lao động chân chính đã giúp họ vượt lên mọi nỗi nhọc nhằn, vất vả, hiểm nguy.

 

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

.