Một clip trên mạng xã hội ghi lại việc bảo vệ tòa nhà Time Square (TP.HCM) mắng, đuổi người trú nhờ khi trời đang đổ mưa như trút. Hình ảnh người phụ nữ với đứa trẻ nhỏ ướt đẫm bị xua đuổi phải tìm chỗ trú khi trời mưa to, gió lớn làm người xem xúc động mạnh, cùng với đó là sự bức xúc về cách cư xử nhẫn tâm, thô bạo của bảo vệ tòa nhà.
Trong một câu chuyện khác, bảo vệ tòa nhà chung cư Home City (Hà Nội) không cho xe cấp cứu qua barie tiếp cận toà nhà để chở một cư dân ở đây bị đột quỵ đi cấp cứu, dù người nhà đã đứng đón ở ngõ. Sau đó, người bị đột quỵ chết vì không được đưa đi cấp cứu kịp thời. Mặc dù, chủ đầu tư đã yêu cầu ban quản lý tòa nhà kiểm điểm và đuổi việc bảo vệ nhưng không làm cho dư luận giảm đi sự bất bình, bức xúc về hành động cứng nhắc, vô cảm đến đáng sợ của bảo vệ tòa nhà.
Ở đây chúng tôi không bàn sâu về trách nhiệm pháp lý của bảo vệ khi không cho xe cấp cứu đi qua dẫn đến chết người hay cổ xúy cho việc lên án, tẩy chay thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp mà chỉ đề cập đến tình người, trách nhiệm đối với đồng loại, cộng đồng của doanh nghiệp.
Phải làm rõ có hay không sự chỉ đạo, chủ trương từ các cấp quản lý có thẩm quyền của doanh nghiệp về hành động nêu trên. Hay đây chỉ là hành vi bộc phát, tức thời, thiếu kiềm chế, vô văn hóa của các bảo vệ khi gây ra những vụ việc đáng lên án như vậy.
Chúng ta không thể lý giải được tại sao vẫn tồn tại những doanh nghiệp, cá nhân vô lương tâm đến vậy, trong khi nhiều người sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để cứu người như lao ra dòng nước dữ cứu người, tay không bắt cướp, ngăn chặn kẻ xấu hại người hoặc vét đến đồng cuối cùng để giúp người khác. Hay nhiều doanh nghiệp luôn đồng hành, giang rộng vòng tay cưu mang, giúp đỡ những người gặp khó khăn, hoạn nạn, kém may mắn trong xã hội...
Không thể chấp nhận những hành động "mất tình người" như vậy tồn tại trong một đất nước vốn có truyền thống tương thân, tương ái, luôn đề cao tinh thần trượng nghĩa, nhân văn như nước ta. Cho dù xã hội còn có mặt này, mặt khác chưa tốt; nơi này, nơi kia có sự xuống cấp đạo đức, văn hóa nhưng việc xua đuổi phụ nữ, trẻ em ra đường lúc mưa gió hoặc thấy người sắp chết mà không giúp là điều khó có thể tha thứ.
Thiết nghĩ, một lời xin lỗi của những bảo vệ và cả những doanh nghiệp liên quan đến những "nạn nhân" là điều cần thiết nhất lúc này, dù chưa là đủ, nhưng đó cũng thể hiện một thái độ cầu thị, biết nhận lỗi và sửa sai!
Vĩnh Linh/ Congly.vn