Diễn ra từ ngày 24 đến ngày 26/8 tại Quảng Nam, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III có sự góp mặt của gần 2.000 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng đến từ 13 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Ngày hội do Bộ VHTT&DL, UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương tổ chức.

Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nhấn mạnh: Đồng bào các dân tộc miền Trung trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, có nền văn hóa lâu đời, giàu bản sắc, được hình thành, phát triển trong quá trình lao động sản xuất, được lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tín ngưỡng dân gian, là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.

leftcenterrightdel
Ngày hội hội tụ gần 2.000 nghệ nhân, diễn viên 

Ngày hội được tổ chức, sẽ là nơi các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc đến từ 13 tỉnh trong khu vực miền Trung hội tụ về trên tinh thần giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung.

Cũng theo bà Thủy, Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III được tổ chức tại tỉnh Quảng Nam cũng là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và là “vùng đất địa linh nhân kiệt”. Quảng Nam là nơi giao hòa của những sắc thái văn hóa giữa hai miền Nam-Bắc với hàng trăm công trình kiến trúc lịch sử mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự phát triển lâu đời của vùng đất gắn với những địa danh đã đi vào lịch sử như: kinh đô cổ Trà Kiệu, tháp Khương Mỹ, tháp Chiên Đàn, Phật viện Đồng Dương… nơi đã ghi lại dấu ấn của nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt. Quảng Nam còn là nơi lưu giữ 2 di sản văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận, đó là phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn, với những giá trị văn hóa tiêu biểu của nhân loại, là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III có 51 tiết mục văn nghệ được đầu tư công phu, nội dung phong phú đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện qua các giai điệu âm thanh dân ca dân nhạc, dân vũ, âm nhạc truyền thống như trống, chiêng, cồng. Đại diện các đoàn cũng đã trình diễn các trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc mình với sự giao lưu, tăng cường sự hiểu biết về văn hóa của các dân tộc miền Trung.

Các lễ hội, nghi thức, sinh hoạt văn hóa được tái hiện đã mô phỏng một cách khái quát đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian của dân tộc, diễn ra trang trọng đúng phong tục nhằm tạ ơn đất trời, tổ tiên, cầu mong an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt,… như một minh chứng về sự phong phú, đa dạng và nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc, có sự kế thừa các yếu tố văn hóa truyền thống đậm bản sắc của đồng bào dân tộc. Ngoài ra các sản phẩm đặc trưng, ẩm thực, hiện vật văn hóa của các dân tộc cũng được mang đến giới thiệu tại Ngày hội cùng với các hoạt động thể thao tạo nên không khí sôi nổi, phong phú thêm cho ngày hội.

leftcenterrightdel
Các giá trị văn hóa của các dân tộc sẽ lan tỏa sau Ngày hội 

Sau hơn 2 ngày diễn ra, chiều ngày 26/8, Ngày hội đã được bế mạc, để lại dư âm của những giai điệu âm thanh, giàu bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung. Ngày hội không những giúp đồng bào các tỉnh miền Trung hiểu nhau hơn về các giá trị văn hóa mà còn tạo nên một không khí, vui tươi đoàn kết.

Các giá trị văn hóa, tinh thần được hội tụ tại ngày hội sẽ được lan tỏa giúp cho mọi người hiểu biết, yêu quý, trân trọng và giữ gìn các di sản văn hoá quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc miền Trung nói riêng; đồng thời, thêm sự tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới, văn minh, tiến bộ, hạnh phúc.

Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV sẽ diễn ra tại tỉnh Bình Định vào năm 2021.

Xuân Nha