“Cò” chuyên nghiệp giăng khắp cổng vào các bệnh viện để lôi kéo thậm chí lừa người bệnh ra phòng khám tư để nhận “hoa hồng”.


Sau khi dẫn chúng tôi khám nhanh xong, một “cò” cầm luôn đơn thuốc của chúng tôi rồi yêu cầu đi thẳng ra nhà thuốc H. ở trên đường Hòa Hảo. Chúng tôi phản ứng thì một “cò” trong nhóm tới dằn mặt: “Mua thuốc đây đi, giá rẻ mà chất lượng, đi đâu cho xa”.

Sau khi thấy đơn thuốc 500.000 đồng, “cò” dẫn chúng tôi đi xin trích 10% gọi là tiền công. Không biết điều bị “cò” đánh là chuyện thường. Ông H. ở gần trung tâm này cho biết, có bệnh nhân sau khi “cò” dẫn đi khám xong, thiếu tiền nên không đưa đủ 300.000 đồng gọi là khám nhanh, bị bọn chúng đánh ngay cổng bệnh viện.

“Còn việc nhiều “cò” tranh giành người bệnh dẫn đến xô xát, ẩu đả thì diễn ra như cơm bữa ở đây”, ông H. kể.

Trước cổng Bệnh viện Da liễu, việc “cò” đánh bệnh nhân cũng xảy ra. Mới đây, khi ông Trường V.C. (55 tuổi ở quận 3), chạy xe ôm tận tình chỉ dẫn cho 3 bệnh nhân ở quê vào Bệnh viện Da liễu khám bệnh, liền bị hai “cò” đánh tới tấp vì cho rằng ông C. đã phá đám làm ăn của họ. Một bệnh nhân khác bị nhóm “cò” vây đánh do đã vào phòng khám rồi, nhưng không chịu khám mà quay trở lại Bệnh viện Da liễu.

Chị Nguyễn Thị Thu Hồng (ngụ ở Hóc Môn), cho biết: “Đầu tuần vừa qua, khi tôi đến Bệnh viện Da liễu để khám, vừa đến thì có một người đàn ông ra nói là hết số rồi. Đi xa nên không thể về không, tôi đồng ý đưa cho người này 200.000 đồng với lời hứa 5 phút sau sẽ có số khám, nhưng chờ hoài chẳng thấy. Lúc này, tôi mới biết mình bị lừa”.

Bó tay

Nạn tranh giành người bệnh diễn ra công khai ở nhiều bệnh viện trong thời gian dài, gây mất an ninh trật tự, lừa gạt bệnh nhân, nhưng không được ngăn chặn. Đại diện Công an phường 6, quận 3, nơi Bệnh viện Da liễu đóng chân, thừa nhận có biết tình trạng “cò” dẫn khách đến một số phòng mạch tư để lấy tiền “hoa hồng” gây mất trật tự trước bệnh viện.

Tuy nhiên, theo Thượng tá Vũ Văn Hiển, Phó Công an phường 6, nhiều lần ra quân dẹp nạn “cò”, nhưng dẹp hôm nay thì hôm sau “cò” lại giăng lưới tiếp. “Cái khó là luật pháp không có điều khoản nào quy định xử lý “cò”, nên chỉ xử phạt họ vì tội gây rối trật tự công cộng mà thôi”, ông Hiển nói.

Khẳng định không có hiện tượng bác sĩ bắt tay với “cò”, ông Huỳnh Ngọc Thạch, Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Da liễu, cho rằng, “cò” có đất sống vì người bệnh tin vào những lời chèo kéo.

“Một số bệnh nhân muốn khám, điều trị nhanh, số khác muốn được bác sĩ giỏi khám, có bệnh nhân lại e ngại khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Vì vậy, nhiều đối tượng xe ôm chuyển sang làm “cò”, trong đó có cả “cò” chuyên bắt khách đến các phòng khám tư”, ông Thạch nói.

Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện, vừa có cuộc làm việc với các bác sĩ, yêu cầu họ cam kết không liên kết với “cò” để đưa về phòng khám tư.
 

Theo Tiền phong

.