(BVPL) - Câu chuyện tưởng chừng như chỉ xảy ra trong truyện cổ tích, vậy mà nó lại hiển hiện trong cuộc sống đời thường. Đó là câu chuyện về người chiến sỹ đã một lần “chết hụt”, một lần đồng đội báo tử về quê hương và tên của ông đã được khắc trên tấm bia trong nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Điều đặc biệt là hiện ông vẫn còn sống và đang giữ nhiều chức vụ như: Tổ trưởng tổ dân phố, chủ tịch Hội cựu chiến binh phường…. Số phận của “liệt sỹ sống” Đậu Đức Nam (SN 1942) (trú tại phường 12, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) với người đồng đội đã hy sinh bị hoán đổi được bắt đầu từ chiếc đồng hồ định mệnh.
 


Năm 1962, khi vừa tròn 20 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nam lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại Cục 2, Sư đoàn 341, trinh sát đặc công của Bộ Quốc phòng đóng tại Vĩnh Linh. Năm 1964, đơn vị của Nam cùng Nông trường 10 vào chiến đấu giải phóng A Sao, A Lưới (miền Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế). Với sự thông minh, nhanh nhạy, Nam được cử đi học một khóa huấn luyện thông tin rồi về công tác tại Sư đoàn 325 với chức Đài trưởng trinh sát đặc công (truyền tin về Bộ Tư lệnh). Trên đường hành quân vào chiến trường B3 Tây Nguyên, Nam bị đồng đội cho là đã chết do sốt ác tính, khi chuẩn bị an táng thấy tim của Nam vẫn còn thoi thóp nên đồng đội đưa về. Được một lúc thì Nam tỉnh lại, sau một thời gian ngắn, Nam lại tiếp tục đi chiến đấu. Với cương vị là Đài trưởng, Nam đã đem hết sức lực, trí tuệ để chiến đấu, và ở trong chiến trường B3 Tây Nguyên, Nam đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản.

Ngày 05/6/1967, địch tập kích đài vô tuyến, trong trận chiến ác liệt, không cân sức này, tổ đài 4 chỉ còn anh và đồng chí báo vụ viên Trần Văn Vu (quê ở Nông Cống, Thanh Hóa). Trong trận Vu bị trúng đạn, và khuôn mặt bị biến dạng do bom mìn. Sau khi băng bó cho Vu, Nam dùng xăng tiêu hủy đài, tài liệu và tử thủ. Ngay lúc đó, một quả đạn pháo rơi trúng hầm làm Nam ngất lịm, sau đó anh đã bị giặc bắt và chuyển ra nhà tù Phú Quốc.

Tại nhà tù Phú Quốc, Nam đã gặp đồng chí Nguyễn Huy Phước (quê ở Diễn Châu, Nghệ An), chính trị viên của đơn vị cũng bị bắt. Gặp Nam, đồng chí Phước hết sức ngạc nhiên ôm chầm lấy anh và nói: “Mày vẫn còn sống à Nam, tao đã báo tử mày về quê rồi mà…”. Lúc này, Nam mới ngớ người ra, vậy người chết là Trần Văn Vu vì lúc đó trên tay Vu còn đeo chiếc đồng hồ của Nam. Chính chiếc đồng hồ định mệnh ấy đã khiến đồng đội nhầm tưởng Trần Văn Vu là anh và biến Nam trở thành “liệt sỹ sống”...

Từ 1968-1969, địch đưa Đậu Đức Nam sang khu B2, ở đây Nam đã đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi cho anh em trong trại giam, lập tức Nam bị bọn địch tra tấn dã man. Nam kể: “Tôi đã bị đục 06 cái răng hàm trên, đập dập ngón tay, ngón chân, đóng đinh vào 10 đầu ngón tay, nhốt vào chuồng cọp kẽm gai, bắt dầm mưa dãi nắng nhiều ngày. Hết nhốt vào chuồng cọp bọn chúng lại nhốt tôi vào nhà biệt giam B2… Nói chung là nhục hình nào dã man nhất tôi đều được “nếm” qua”.

Năm 1970, ông Nam cùng tổ chức Đảng ở phòng 6 khu B4 đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ tuyệt thực 9 ngày, sau đó bị đưa về khu A4. Tại đây, chúng tôi đã lấy gạch, đá và thìa ăn cơm tiếp tục đào hầm ở ngay dưới chỗ tôi nằm. Đêm 23, sáng 24/12/1971 đường hầm tại khu A4, dài 76m xuyên qua 4 dãy nhà giam, qua giao thông hào và hàng rào điện tử của địch thông ra ngoài. Từ đây 42 chiến sĩ đã thoát được gông kìm của địch, nhưng địch đã phát hiện và truy quét, số thì hy sinh khi ra tới miệng hầm, số thì bị bắt lại về nhốt chung với anh ở khu biệt giam số 8. Một số thoát được thì tiếp tục cầm súng chiến đấu đến ngày toàn thắng. Đến năm 1973, Nam và đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris 1973.

Hy vọng trả lại tên cho đồng đội

Hòa bình lập lại anh trở về quê hương với niềm vui, niềm tự hào vì mình đã góp được một phần nhỏ trong đại thắng của đất nước. Thế nhưng, niềm vui ấy vẫn không mỉm cười với anh.

Năm 1974, Nam về quê Hà Tĩnh, anh lên trình diện với xã và để cắt chế độ liệt sĩ nhưng xin được giữ lại giấy báo tử và bằng Tổ quốc ghi công vì như anh nói “để làm kỷ niệm”. Anh mong một cuộc sống bình yên ở quê nhà nhưng nhiều người lại cho rằng anh là “chiêu hồi” (phản động) nên ai cũng dị nghị, xa lánh anh. Anh buộc phải rời khỏi quê hương, ra Bắc Giang lập nghiệp. Tại đây anh đã quen và yêu một cô giáo làng, hai người đã tiến đến hôn nhân và sinh hạ được 4 người con. Thế nhưng số phận dường như muốn trêu ngươi khi anh bị nhiễm chất độc da cam khiến đứa thì không thể sống được, đứa thì tuổi đã lớn nhưng vẫn mang hình hài trẻ con... Sau đó, gia đình anh vào TP.Hồ Chí Minh sinh sống bằng nghề “bán rượu tự nấu”.

Anh tâm sự: “Dù sống trong thời bình nhưng lòng tôi vẫn không khi nào yên vì tôi may mắn sống sót chứ nhiều đồng đội của tôi còn nằm lại dưới đất không một danh phận. Tôi đã trở lại chiến trường xưa, về nhà tù Phú Quốc và đã tìm được 14 mộ liệt sĩ đưa về mọi miền của đất nước nhưng tôi vẫn day dứt vì điều kiện gia đình khó khăn nên chưa thể trả lại danh phận cho Trần Văn Vu được, đến nay ở nghĩa trang liệt sĩ, có một mộ phần mang tên tôi là Đậu Đức Nam còn xác thì lại là của đồng chí Vu”.

Hiện nay, đã ngoài 70 tuổi đời nhưng ông Đậu Đức Nam vẫn tham gia nhiều hoạt động xã hội của địa phương. Ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý: 3 Huân chương chiến công giải phóng hạnh nhất, 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, 2 Kỷ niệm chương…

Ông Nguyễn Bá Du, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phù Việt cho biết: “Trước đây, do hiểu lầm nên dân làng đã có định kiến với đồng chí Đậu Đức Nam. Thực ra, ông là một người con ưu tú của quê hương. Với những công lao của ông Nam, hiện tại địa phương đang hoàn tất những thủ tục để cấp đất cho ông theo đúng quy định đối với người có công và ông đang được đề nghị làm hồ sơ công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
 

Thanh Tâm

.