Con trâu biết quỳ, biết bò khi được ra lệnh đã đồn thổi khắp vùng quê trung du như một câu chuyện khó tin.
Cách trung tâm huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, hơn chục cây số, thôn Đại Nghĩa, xã Nhân Đạo được bao quanh bởi dòng sông Lô và những quả đồi cây cối um tùm. Men theo con đường đê ven sông, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Ngọc Lê, chủ sở hữu chú trâu được bà con quanh vùng đồn là biết quỳ, biết bò và “hiểu” được tiếng người.
Xuất xứ từ giống trâu chọi
Là một người gắn với đồng quê từ nhỏ, ông Lê có thâm niên nuôi trâu lâu năm, nên mỗi khi chọn trâu ông luôn chọn lựa rất kĩ lưỡng. Nhiều khi ông phải tìm xuống tận Hà Nội, có khi lên mạn ngược Hà Giang, Lạng Sơn mới tìm được con trâu ưng ý. Ông Lê chia sẻ, “Phải vất vả lắm tôi mới chọn được một con trâu ưng ý để nuôi. Nhiều khi đi mãi Hà Giang mà không tìm được trâu tôi lại về tay không”.
Theo ông, để có một con trâu tốt thì ngoại hình nó phải cân đối, đầu to, sừng cân đều, móng khít… Ngoài ra, trâu phải có bộ hàm to khỏe mới chịu khó ăn cỏ và dễ nuôi. Mặc dù rất khó tính trong cách chọn lựa trâu nhưng khi nhìn thấy con “trâu lạ” này ông lại tỏ ra ưng ý ngay. “Lần đó tôi lên Tuyên Quang để xem một vài con trâu có xuất xứ từ miền trong vì được mấy người bạn giới thiệu. Khi lên tới nơi thấy con trâu này đang gặm cỏ ngoài vệ đường tôi ưng ý ngay. Gặng mãi họ mới bán vì lí do trâu còn quá nhỏ, mới được nửa năm tuổi”.
Vì thấy con trâu “dáng đồ sộ” lạ kì, ông Lê cất công tìm hiểu về nó. Sau đó ông được một người sành trâu cho biết con trâu này thuộc giống trâu chọi, khỏe, tinh nhanh và đặc biệt rất hám chủ. Nghe kể ông Lê mới nhớ ra gần nhà có lễ hội chọi trâu, mọi người vẫn bảo nhau trâu chọi ở lễ hội vẫn hay được mua ở vùng mạn người Hà Giang, Tuyên Quang. Ông nghĩ bụng: “Biết đâu con trâu này cũng có thể ràng để tham gia lễ hội chọi trâu sắp tới”.
|
Chú trâu cúi chào theo lời ra lệnh của ông chủ. Ảnh: Phi Hùng |
Con trâu “hiểu” tiếng người
Ngay từ khi nhìn thấy con trâu, ông Lê có cảm giác đặc biệt với nó. Ngày lấy trâu ông được người chủ cũ cho biết: “Con trâu này còn nhỏ, nhưng nó rất biết nghe lời chủ. Mỗi buổi chiều tối, nhà tôi chỉ cần ra bảo một câu là “trời tối rồi đi về nào”, thế là con trâu dù đang mải mê gặm cỏ bỗng ngừng “công việc” và ngoe nguẩy cái đuôi đi một mạch về chuồng mà không cần chủ dắt”.
Nghe ông ta nói vậy ông Lê có vẻ ngờ vực, vì sống đã trên nửa cuộc đời, lại đi nhiều nơi tìm trâu giống, nhưng chưa bao giờ ông gặp con trâu nào hiểu và nghe được tiếng người như vậy. Nhưng đến khi ông được chứng kiến tận mắt chủ cũ của nó “biểu diễn” những gì đã nói thì ông mới tin.
Ông Lê kể: “Hôm dắt trâu về tôi phải vất vả lắm mới đưa nó về chuồng an toàn được. Hình như con trâu không muốn xa chủ cũ nên nói mãi nó không ra khỏi chuồng, đến nỗi chủ nó phải đi cùng tôi về nhà, đưa trâu vào chuồng ông ấy mới yên tâm ra về”. Khi về với chủ mới “trâu lạ” không chịu ăn uống gì, mắt nó cứ đỏ quạch. “Nó cứ kêu mãi, như thể đang nhớ nhà, nhớ mẹ nó lắm. Mặc dù tôi đã chăm sóc nó rất chu đáo, cho cỏ ngon để ăn, nhưng cuối cùng nó cũng chỉ ăn được vài cái rồi bỏ”, ông Lê cho biết thêm.
Cuối cùng, ông Lê nghĩ ra cách phải chăm sóc nó khác với con trâu bình thường, từ đó ông dành thời gian quan tâm nó nhiều hơn, nói chuyện và vỗ về nó. Lâu dần trâu cũng quen và trở nên thân thiết hơn với ông Lê. “Có khi nửa đêm không ngủ được tôi cũng ra với nó xem thế nào, hình như nó cũng biết được tấm lòng của tôi dành cho nó, nó dần cân bằng lại, tôi mừng lắm”, ông Lê chia sẻ.
Có lần, do vô tình trong khi đang chăm sóc trâu, ông Lê nắm dây thừng bảo nó quỳ xuống, tự nhiên hai chân trước nó khuỵu xuống như đang chào chủ vậy. Thấy thế, ông Lê mới tập luyện cho nó thành thục. Hiện giờ trâu không chỉ biết quỳ mà còn bò được một đoạn khá xa ngay cả trên đường bê tông.
“Nó ngoan lắm, chỉ một thời gian sau, nó bắt đầu tập quen với những gì tôi huấn luyện”. Không chỉ tập cho trâu biết quỳ, biết bò, ông Lê còn chỉ cho trâu biết cái gì ăn được cái gì không ăn được. “Những buổi tôi thả, nó tự do ra vườn, vào nhà làm việc vặt cả buổi mà không phải lo nó sẽ phá hoại gì, mặc dù tôi trồng đủ các loại hoa màu xung quanh”, ông Lê vui vẻ kể.
Ông Lê nhớ lại: “Hôm đó tôi đang dẫn trâu đi cày đám ruộng gần nhà, không hiểu sao nó vùng vằng rồi chạy tung cánh đồng. Xéo nát cả những ruộng gần đó”. Ngày hôm đó ông Lê đã phạt con trâu quỳ rồi bò trên đoạn đường bê tông hơn 2m. Sau hôm đó trâu nhịn ăn mấy hôm, cứ thấy tôi ra chuồng là nó liền quay đầu đi chỗ khác”.
Câu chuyện về con trâu biết quỳ lạy, nghe lời chủ, ông Lê đem kể với hàng xóm nhưng ai nấy đều bĩu môi nói ông “chỉ khéo nói đùa”, chỉ đến khi tận mắt chứng kiến mới thật sự tin, người trong làng, thậm chí cả những người ở các xã khác cũng lũ lượt kéo đến nhà ông để được tận mắt chứng kiến con trâu “biểu diễn”.
Trong đợt tiêm vắc-xin phòng bệnh vừa rồi tại xã, ông mới nói đùa với mọi người: “Con trâu nhà tôi có thể quỳ xuống cúi chào khán giả”, mọi người đều nhìn ông với ánh mắt ngờ vực. Để mọi người mãn nhãn ông tiến gần lại chú trâu, nói nhỏ bảo nó quỳ xuống, lập tức hai chi trước khuỵu xuống rồi nó cúi đầu trước đông đảo dân làng. Mọi người ai nấy đều bất ngờ.
Biết tin trâu quý nhiều người đã ra giá đến cả trăm triệu đồng, nhưng ông nhất quyết không bán. Ông Lê bảo: “Gia đình tôi xem nó như của quý trong nhà, thậm chí là một thành viên trong gia đình, phải khó khăn lắm tôi mới tìm được một con trâu ưng ý, dù có trả giá cao gấp nhiều lần hơn nữa, tôi cũng nhất quyết không bán nó”.
Theo PL&XH