Bị anh em, bà con hàng xóm gọi là “kẻ phá gia chi tử” khi thuyết phục gia đình bán đi 2.000m2 đất để theo đuổi nghiệp vẽ, anh Nguyễn Văn Thạnh (SN 1980, ở Sóc Trăng) vẫn quyết tâm thực hiện niềm đam mê. Và chàng họa sĩ 34 tuổi đang gặt hái nhiều thành công trên con đường mà anh đã chọn.


“Con đường hội họa mà tôi chọn, trường học không dạy, tôi phải đi “học lỏm” từ những “bậc thầy” trong nghề. Nhưng kinh nghiệm cả đời người đâu ai cho không mình được. Tôi xin phụ việc cho một người họa sĩ đương đại nổi tiếng và học từ những cái gì mình thấy. Cũng trong thời gian đó, tôi học được kỹ thuật của Pháp từ các chuyên gia về tranh của cả Việt Nam và nước ngoài” - anh Thạnh chia sẻ.

Ngày mới ra trường, anh Thạnh mở triển lãm cá nhân ngay tại ngôi trường đại học. Triển lãm tranh “Ngàn năm Thăng Long” gây ấn tượng bởi 20 bức tranh được dát vàng với đường nét gồ ghề, rạn nứt mới lạ. Đó là thể loại tranh sơn mài đương đại rất “kén” người vẽ.

Những người đến xem triển lãm tranh đều nghĩ rằng đó là triển lãm của một đại gia chịu chơi. Nhưng ít ai biết rằng, chàng họa sĩ này phải thuyết phục gia đình bán đi 2.000m2 đất để mở triển lãm đầu tay. Thạnh kể: “Nhà tôi nghèo làm gì có tiền cho tôi số tiền lớn để theo đuổi ước mơ vẽ tranh và mở triển lãm. Biết mẹ thương nên tôi từ năn nỉ chuyển qua dọa “không mở được triển lãm con không muốn sống nữa” thì mẹ tôi đành nhân nhượng”.

Mẹ anh bấm bụng bán đất, còn anh em trong gia đình và bà con dòng họ xem anh như kẻ “phá gia chi tử”. “Riêng tôi, tôi thấy mình nợ mẹ và gia đình nhiều lắm, không biết đến bao giờ mới trả được. Khi triển lãm thành công gây được tiếng vang trong giới hội họa, mẹ tôi vui lắm, tôi cũng bớt day dứt phần nào” - anh bùi ngùi nhớ lại.

Theo Nhà phê bình lý luận Chương Phi Đức, ở Việt Nam hiện chỉ có khoảng 7, 8 họa sĩ tranh sơn mài đương đại. Nhà lý luận, phê bình Mỹ thuật Phụng Quốc Phàm nhận xét: “Phòng tranh sơn mài đầu tiên của Văn Thạnh thấm đẫm hồn quê chân chất, đã tạo một trực cảm với giới thưởng ngoạn”.

Giáo sư - Nhà phê bình Mỹ thuật Đặng Quý Khoa có lời động viên chàng họa sĩ trẻ: “Qua những vất vả, hy sinh trong hoàn cảnh túng thiếu và những dằn vặt trong nghiên cứu, quan trọng nhất là Thạnh đi đúng hướng với con đường mà em lựa chọn!”.
 

Theo Đời sống & Tiêu dùng

.