Rất nhiều quyết định, công văn có dấu đỏ của cơ quan chức năng tại tỉnh Quảng Trị đã được gửi về các địa phương để hướng dẫn việc cấp gạo cứu đói cho người nghèo, nhưng theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, sự thật “trần trụi” tồn tại ở nhiều thôn, xã ở hai huyện (Vĩnh Linh và Gio Linh), đó là cán bộ địa phương đã tự “nới rộng” cách phân chia, để rồi người nghèo lại đói ngay khi hạt gạo cứu đói vừa mới chạm tay.
 
Những hộ gia đình này ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái trình bày với PV họ không có tên trong danh sách nhận gạo cứu đói dịp giáp tết Giáp Ngọ nhưng vẫn được nhận 12kg/hộ. w Còn danh sách cấp gạo cứu đói của thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái có chữ ký nhận 170kg
Những hộ gia đình này ở thôn Thử Luật, xã Vĩnh Thái trình bày với PV họ không có tên trong danh sách nhận gạo cứu đói dịp giáp tết Giáp Ngọ nhưng vẫn được nhận 12kg/hộ. Còn danh sách cấp gạo cứu đói của thôn Tân Mạch, xã Vĩnh Thái có chữ ký nhận 170kg
 
Cấp 170kg gạo, thực nhận 15kg
 
Tôi lặp đi lặp lại câu hỏi với hàng chục người dân là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ không thuộc diện nghèo hay chính sách, rằng: “Trước Tết Nguyên đán, gia đình mình có nhận được gạo cứu đói của Chính phủ cấp phát không” - câu trả lời là “có”. Vặn vẹo cán bộ chính quyền thôn, xã, thị trấn là: “Gạo có được cấp cho đúng đối tượng, đúng số lượng không” - câu trả lời “khẳng định” chắc nịch là “có” và với một mớ báo cáo, giấy biên nhận được soạn ra. Lạ thay, những người thuộc diện đói lại kêu ca rằng, ăn hạt gạo cứu đói chỉ đúng dăm ngày là đã “hoàn đói” trở lại. Còn những chữ ký, những báo cáo thì “có biết chi mô”...
 
Sau bài điều tra “Đem gạo cứu đói chia cho người không nghèo” (Lao Động ra ngày 12.2.2014) phản ánh tại thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã phát đều gạo cứu đói của người nghèo cho cả những hộ không nghèo. Ngay sau đó, đường dây nóng của Báo Lao Động tại Quảng Trị nhận được rất nhiều thông tin từ người dân cho biết cũng rơi vào tình cảnh tương tự, thậm chí có nhiều hộ nghèo còn không biết đáng ra họ sẽ nhận được gấp nhiều lần số gạo được cấp phát. Còn những gia đình không nghèo, có người khẳng định không biết đó là gạo của người đói, “cứ nghĩ là quà của Nhà nước chia đều cho người dân để đón tết nên mới nhận”...
 
Ông Nguyễn Hữu Diễn (ở thôn Tân Mật, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh) thuộc hộ cận nghèo, gia đình ông có 6 người, do đau ốm liên miên, ruộng đất lại ít nên gia cảnh khó khăn. Ông nói: “Sát tết âm lịch, vợ tôi ( bà Đào) có nhận 15kg gạo của Nhà nước. Nhà đông người nên ăn được mấy ngày là hết sạch”. Sao lại là 15kg? - tôi hỏi. Bà Đào thật thà: “Bên thôn chia theo khẩu, 1 khẩu được 2,5kg, cứ rứa mà tính thôi”. 
 
Tôi giật mình vì chỉ ít phút trước đó, trưởng thôn Tân Mật vừa trưng ra biên bản ký nhận, trong đó gia đình ông Diễn đã được cấp 170kg gạo(?). Tại thôn Thử Luật cũng vậy. Gạo cứu đói được cấp ít ỏi cho những hộ nghèo, cận nghèo, nhiều trường hợp không có tên trong danh sách nhận gạo mà vẫn được nhận. Bà Nguyễn Thị Càng thuộc diện hộ nghèo, cả gia đình có 4 nhân khẩu, Bà Càng cho biết: “Ngày 28.1, tui đi ra hội trường thôn thì được nhận 12kg gạo. 
 
Nghe nói đây là gạo của Nhà nước tặng để ăn tết nên rất vui”. Thế gạo đó còn không? - tôi lại hỏi. Bà Càng nói lớn: “Được từng nớ ăn hết ba đời rồi, còn mô...”. Khi tôi tiết lộ rằng, đáng ra những hộ gia đình thuộc diện nghèo sẽ được cấp 15kg gạo/khẩu và được nhận không quá 3 tháng, như vậy gia đình có 4 khẩu sẽ nhận được ít nhất 60kg. Bà Càng hết vui, co ro người, nói rằng: “Nãy giờ nói rứa đừng có méc (mách) với ai, kẻo năm sau tui... hết hộ nghèo”, rồi bà đi thẳng. Ông Nguyễn Văn Tư ở cùng thôn Thử Luật cũng xác nhận rằng có nhận tại hội trường thôn 12kg gạo. Trong lúc đó gia đình là hộ nghèo, có 4 khẩu.
 
Tại xã Vĩnh Trung (huyện Vĩnh Linh) cũng là những sai phạm y hệt như trên. Bà Trần Thị Nậy (thôn Thủy Trung) không thuộc diện chính sách cũng được nhận 3kg gạo cứu đói. Gia đình chị Nguyễn Thị Hanh, cùng ở thôn cũng không rơi vào trường hợp được nhận gạo, nhưng đã được cấp 10kg gạo cứu đói. 
 
Chúng tôi ngược lên thôn kinh tế mới của xã Trung Sơn (huyện Gio Linh), cũng mở đầu bằng câu chuyện gạo cứu đói, anh Nguyễn Văn Thắng nói rằng: “Nhà miềng có 4 người, mỗi người được 3kg gạo, cộng lại đúng 12kg. Năm ngoái (2013) cũng chia như thế này”. Người dân thấp cổ bé họng nói một đường, trong lúc đó lời “khẳng định” và báo cáo của cán bộ địa phương đến thời điểm này đều nói một nẻo. Chúng tôi phải tiếp tục hành trình đi tìm lời giải đáp và tự đặt câu hỏi rằng: Phải chăng hạt gạo cứu đói có “chân”?
 
Tuyệt đối không để một hộ dân thiếu đói…(?!)
 
Đó là lời khẳng định trong bản báo cáo của UBND xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) ngày 17.2.2014, về việc triển khai thực hiện cứu trợ gạo thiếu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và giáp hạt năm 2014. Theo báo cáo thì riêng tại xã này đã được cấp 10 tấn gạo cứu đói, quá trình phân phối gạo cho nhân dân do trưởng thôn phân phát theo danh sách bình xét đã được thông qua. 
 
Quá trình phân phát được triển khai chặt chẽ, bằng chứng là các đồng chí Đảng ủy viên, cán bộ UBND xã và cán bộ công chức phụ trách địa bàn đến tận thôn giám sát. Kết luận của báo cáo nêu trên khẳng định: “Các địa phương đều làm đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND xã Vĩnh Thái”.
 
Ông Trần Văn Thận - Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thái - cũng khẳng định rằng: “Đã cấp đúng đối tượng, cấp đủ số lượng cho nhân dân. Không có chuyện người dân nào thắc mắc hay cán bộ xảy ra sai phạm trong quá trình cấp gạo cứu đói”. Ông Thận cho biết thêm là ngày 20.2.2014, UBND huyện Vĩnh Linh sẽ tiến hành đi kiểm tra tình hình cấp gạo này, vì trước đó Báo Lao Động đã thông tin ở trên địa bàn có xảy ra sai phạm. 
 
Rồi ông cung cấp cho chúng tôi một tập hồ sơ, từ kế hoạch, báo cáo... “Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn để báo cáo cho huyện, tất cả mọi việc hoàn tất theo đúng yêu cầu” - ông Thận lại khẳng định lần nữa. Tại thôn Thử Luật của xã Vĩnh Thái, anh Phan Ngọc Hiến - Trưởng thôn - cũng “thẳng thắn”: “Tôi làm theo chủ trương của xã, nhận được hơn 1,5 tấn gạo cứu đói thì thôn cấp lại cho 21 hộ thiếu đói. Cấp theo quy định 15kg/khẩu nên hộ được nhiều nhất 105kg, hộ ít nhất 45kg”. 
 
Gạo có được cấp cho người không nằm trong danh sách là 21 hộ thiếu đói không? - tôi lại hỏi. Anh Hiến lại khẳng định lần nữa: “Không, đã nói cấp đúng đối tượng, đúng số lượng mà”.
 
Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thái - ông Trần Văn Thận - cung cấp bản báo cáo và “khẳng định” đã cấp đúng đối tượng, đúng số lượng (?!)
Phó Chủ tịch xã Vĩnh Thái - ông Trần Văn Thận - cung cấp bản báo cáo và “khẳng định” đã cấp đúng đối tượng, đúng số lượng (?!)
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn yêu cầu xử lý sai phạm trong việc cấp gạo cứu đói cho người nghèo tại thị trấn Cửa Tùng. Ảnh: HƯNG THƠ
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị có công văn yêu cầu xử lý sai phạm trong việc cấp gạo cứu đói cho người nghèo tại thị trấn Cửa Tùng. Ảnh: HƯNG THƠ
 
Bất lực trước những lời báo cáo “giả dối”, tôi lại tìm gặp Trưởng thôn Tân Mật kiêm Phó Bí thư chi bộ - ông Nguyễn Tất Hữu, ông lại đọc báo cáo mà trước đó tôi đã thuộc lòng rằng: “Được sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền, chúng tôi đã thực hiện cấp phát gạo đúng đối tượng, đúng số lượng”. Rồi ở thôn kinh tế mới của xã Trung Sơn (huyện Gio Linh), anh Nguyễn Văn Hiếu - Trưởng thôn - cũng cho biết “đã cấp gạo cho 23 hộ thiếu đói”.
 
Những làng, xã mà chúng tôi đi qua, đã tìm hiểu, cho thấy tất cả báo cáo mà chúng tôi được nghe, được cầm trên tay đều bị phù phép, biến hóa một cách trắng trợn. Bằng chứng là hàng chục cuộc đối thoại với người nghèo mà chúng tôi ghi âm được, khẳng định gạo cứu đói đã được chia đều cho cả người không nghèo. Và người nghèo chỉ chạm tay được một phần nhỏ vào chủ trương to lớn của Chính phủ, điều này đang báo động về tình trạng báo cáo giả, lấp liếm sự thật mà cán bộ địa phương ở đây lại luôn “khẳng định”. Đáng ra, cán bộ phải khẳng định... không biết xảy ra sai phạm - mới đúng.
Còn bao nhiêu địa phương đã làm báo cáo giả, đã cấp gạo sai mục đích và không đúng đối tượng? Để làm sáng tỏ vụ việc này, nếu căn cứ vào báo cáo mà không về trực tiếp gặp dân thì đến bao giờ, hạt gạo cứu đói của Chính phủ mới làm tròn trách nhiệm “cứu” người đói qua kỳ giáp hạt?
 
Thông tin trên Báo Lao Động là đúng sự thật
 
Ngày 18.2.2014, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn hỏa tốc gửi UBND huyện Vĩnh Linh nói rằng, thông tin Báo Lao Động đã phản ánh sai phạm trong việc hỗ trợ gạo cứu đói cho người nghèo tại thị trấn Cửa Tùng là đúng sự thật. Để xử lý sai phạm này, UBND tỉnh chỉ đạo thu lại gạo đã cấp sai để cấp lại đúng đối tượng, tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý đối với cá nhân, tập thể liên quan.

 

Theo Lao động