Tham nhũng là một vấn đề vô cùng nhức nhối của đất nước. Do đó, việc tăng cường xử lý tham nhũng là chủ trương hết sức đúng đắn và cấp thiết. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần hết sức thận trọng trong việc xác định hành vi này, đặc biệt là trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, không thể quy chụp không đúng, để oan sai xảy ra.
Cần xác định đúng phạm vi chủ thể.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Congluan.vn, luật sư Nguyễn Quang Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Việt (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: “Tội phạm về tham nhũng là có hành vi tham nhũng, cho nên chủ thể của tội phạm này trước tiên cũng phải thuộc chủ thể của hành vi tham nhũng (liên quan đến vấn đề này, Điều 2 nghị định 59/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định dẫn chiếu rằng: “Các hành vi tham nhũng được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng được xác định theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999”). Chủ thể của hành vi tham nhũng được xác định theo Điều 1 Luật phòng chống tham nhũng. Cụ thể, theo điều luật này thì:
- Người có hành vi tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn.
- Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: Cán bộ, công chức, viên chức; Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước (là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ – theo Mục 3 Phần I Thông tư 08/2007/TT-BNV của Bộ nội vụ); cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp bất kỳ; người không thuộc các trường hợp kể trên nhưng “được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ” nhất định nên “có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”.
Mặt khác, Tội phạm về tham nhũng – thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ (Mục A Chương XXI BLHS). Theo Điều 277 BLHS thì “Các tội phạm về chức vụ là những hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ”. Và tại điều luật này, nhà làm luật cũng đã định nghĩa, đồng thời giới hạn luôn về chủ thể của nhóm tội danh này bằng cách quy định cụ thể “người có chức vụ nói trên đây là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”. Tức là, nếu người có chức vụ mà không được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ thì không phải là chủ thể của nhóm tội danh này.
Bởi vậy, khi áp dụng quy định về chủ thể của tội phạm về tham nhũng, cần hết sức lưu ý là: công việc của chủ thể mô tả trong Luật phòng chống tham nhũng được thể hiện bằng cụm từ “nhiệm vụ, công vụ”, còn đặc thù công việc của chủ thể được mô tả tại mục các tội phạm về tham nhũng (như đã phân tích ở trên) thì lại giới hạn trong từ “công vụ”. “Nhiệm vụ, công vụ” có phạm vi rộng hơn “công vụ” rất nhiều. Bất cứ công việc một người được giao nhằm bất kì mục đích gì cũng là “nhiệm vụ”; Còn thực hiện “công vụ” là thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhằm phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội.
Quy định của Luật phòng chống tham nhũng có tính chất bao quát về chủ thể của hành vi tham nhũng không chỉ bao gồm những người được giao công vụ, mà còn là các đối tượng khác được giao nhiệm vụ ngoài công vụ (bằng hình thức hợp đồng, các hình thức khác có hưởng lương hay không hưởng lương) – như lái xe, bảo vệ, người dọn dẹp vệ sinh…làm việc theo hình thức hợp đồng trong các cơ quan hành chính Nhà nước… Những người đó không thể là chủ thể của tội phạm tham nhũng nhưng vẫn có thể là chủ thể của hành vi tham nhũng.”
Điển hình vừa qua một vụ án xảy ra tại Thái Nguyên cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng không biết vì lý do gì đã “vô tình” quy chụp các bị cáo phạm tội về tham nhũng.
Theo hồ sơ vụ án, ngày
11/4/2013, lãnh đạo Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (Cty Gia Sàng) đã ký duyệt thông qua văn bản đề nghị của Phân xưởng cán và Phòng kế toán thống kê tài chính về việc xin Công ty cho thu gom xỉ cắt phôi để bán lấy tiền trả cho công nhân đi làm.
|
Trong vụ án Công ty Cổ phần luyện cán thép Gia Sàng. Cơ quan tiến hành tố tụng có dấu hiệu buộc tội cho ban lãnh đạo công ty này? |
Sáng ngày
12/4/2013, xe ôtô BKS 20K-5768 do anh Lưu Thanh Hải điều khiển đã xuất trình văn bản nêu trên cho bảo vệ cổng của Cty Gia Sàng (hai bảo vệ trực ca lúc đó là Bùi Hồng Dương và Nguyễn Mạnh Thắng) để vào Công ty bốc hàng. Khi xe đến nơi đổ hàng thì bị công an kiểm tra, do thời điểm đó lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số hàng trên xe nên công an đã tiến hành tạm giữ xe cùng toàn bộ hàng hóa.
Một thời gian sau, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên khởi tố, bắt tạm giam đối với: ông Lê Xuân Hộ – một cổ đông là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc Công ty; ông Dương Minh Vang, Đoàn Bá Huấn – hai Phó quản đốc của xưởng cán thép; Bùi Hồng Dương, Nguyễn Mạnh Thắng về tội “Lợi dụng, chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” – Điều 281 BLHS (một tội phạm về tham nhũng nằm trong Mục A Chương XXI BLHS) vì cho rằng họ đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để cho xe ôtô trên vào Công ty lấy sắt thép phế liệu trái quy định của Công ty.
|
Nhà máy ngày một xuống cấp, vì sự nhùng nhằng trong việc xác định tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Thái Nguyên. |
VKSND thành phố Thái Nguyên truy tố 5 bị cáo theo điểm c khoản 2 Điều 281 BLHS. TAND thành phố Thái Nguyên vừa qua đã trả hồ sơ điều tra bổ sung và vụ án dự kiến sẽ được tiếp tục đưa ra xét xử vào ngày 19/01/2015.
Trong vụ án trên, Cty Gia Sàng chỉ có dưới 50% vốn góp của Nhà nước, tất cả các bị cáo trong vụ án đều không phải người đại diện vốn góp Nhà nước và cũng không được giao thực hiện bất kỳ một công vụ nào khác. Họ chỉ làm việc theo sự phân công và vì lợi ích của một chủ thể kinh doanh theo cơ chế thị trường. Cho nên, theo phân tích của luật sư Quang Anh thì rất dễ để nhận thấy rằng, các bị cáo đều không phải là người có chức vụ, quyền hạn theo Điều 277, Điều 281 BLHS và họ cũng đều không thể thực hiện hành vi trong khi thi hành công vụ được, và đương nhiên không ai trong số họ có thể trở thành chủ thể của tội phạm mà họ đang bị quy kết.
Thiết nghĩ, việc xác định ranh giới giữa một tội phạm và vi phạm pháp luật khác nhưng có những nét tương đồng với tội phạm đó đôi khi không hề dễ dàng. Tuy nhiên, chính vì vậy mà rất cần sự công minh, sáng suốt của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người mang trong mình trọng trách bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, mang lại công bằng cho người dân.
Theo Congluan.vn