Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, các chủ hụi tuyên bố không có khả năng chi trả khiến các nạn nhân của các vụ vỡ hụi đều rơi vào cảnh tán gia, bại sản, nợ nần chồng chất. 

Điêu đứng vì nợ

Ông Trương Văn Chỉ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, lãnh đạo huyện vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND xã Cư Suê và Ea Mnang tổ chức xác minh vụ hàng chục hộ dân tố cáo bị lừa hàng chục tỷ đồng bằng hình thức "đáo hạn ngân hàng". Người bị tố cáo là bà Trần Thị Vân, SN 1989, trú tại thôn 2, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk.

Theo các đơn tố cáo, từ khoảng đầu tháng 9-2017, Trần Thị Vân đã tìm đến nhiều người dân trên địa bàn các xã miền núi của huyện Cư M’gar để vay tiền với chiêu bài “đáo hạn ngân hàng”. Đánh vào tâm lý của nhiều người, bà Vân đã đưa ra mức lãi suất từ 3.000 - 4.000 đồng/triệu/ngày. Trước “miếng mồi” lãi suất cao, nhiều người không ngần ngại đi vay “nóng” hoặc cắm “sổ đỏ” về cho bà Vân vay để kiếm lời. Bà Trần Thị Kim Dung, 42 tuổi, trú thôn 4, xã Cư Suê, kể trong nước mắt: “Cuối năm 2017, được mẹ của bà Vân giới thiệu "con gái hiện đang làm bên ngân hàng" và bà Vân cho biết đang cần 500 triệu đồng để đáo hạn ngân hàng, lãi suất 3.000 đồng/triệu/ngày, sẽ trả trong 10 ngày nên tôi đã cả tin lấy tiền cho Vân vay. Những đợt đầu tiên, bà Vân trả lãi đầy đủ, đúng hẹn nên gia đình tôi rất tin tưởng. Đến ngày 5-1-2018, bà Vân đã vay tổng cộng 7,57 tỷ đồng của gia đình tôi, hẹn đến 23-3 sẽ trả nhưng đến nay chưa trả và cũng đã bỏ đi, gọi điện thì bà ta không nghe máy”.

Chị Nguyễn Thị Bến, trú tại xã Ea Mnang, cũng gom góp tài sản, vay nợ, lấy sổ đỏ của nhiều hộ gia đình khác đi thế chấp ngân hàng để đưa cho Trần Thị Vân vay tổng cộng 22 tỷ đồng. Nghe tin bà Vân bỏ trốn, nhiều lần không liên lạc được qua điện thoại, chị Bến liên tục ngất xỉu vì lo lắng, hoang mang. Mấy ngày nay, tại nhà chị Bến, có nhiều người dân đến túc trực để đòi lại số tiền đã đưa cho chị Bến trước đó. "Bà Bến nói đã đưa hết số tiền của mình và của mọi người cho bà Vân nên giờ chưa biết tính sao. Bà Bến là chủ nợ nhưng cũng là con nợ của nhiều người khác bởi mức lãi suất hấp dẫn mà Vân đưa ra", chị Võ Thị Nương, trú xã Ea Mnang cũng là nạn nhân, thông qua chị Bến đã đưa hơn 2 tỷ đồng cho bà Vân, bức xúc cho biết.

leftcenterrightdel
Cán bộ chiến sĩ BĐBP tuyên truyền vận động bà con các dân tộc nâng cao cảnh giác, không tham gia “tín dụng đen”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để tạo sự tin tưởng để người dân giao hết tài sản cho mình, bằng nhiều mánh lới tinh vi, cộng với sự “hà hơi”, tiếp sức của một số cán bộ ngân hàng biến chất, Trần Thị Vân đã nâng khống tài sản thế chấp để người dân được vay nhiều tiền. Theo người dân, mọi việc vay tiền ở ngân hàng đều do bà Vân dẫn đi, sau khi giải ngân đều được bà Vân "vay lại" hết. Vì nhiều lần bà Vân cùng cán bộ ngân hàng giải quyết các hồ sơ vay rất đơn giản và thuận lợi nên người dân hết sức tin tưởng. Ông Trần Đây, trú tại thôn 4, xã Cư Suê cho biết, đã đưa "sổ đỏ" của gia đình cho bà Vân đi cầm cố ngân hàng để vay tiền. "Thực tế tài sản tôi nếu vay cũng chỉ được 200-300 triệu đồng nhưng bà Vân đã vay cho tôi được 500 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, gửi tiền “trà nước” mấy chục triệu cho cán bộ ngân hàng thì tôi đưa hết cho bà Vân vay. Nay bà Vân và gia đình đã bỏ trốn, tôi vô cùng lo lắng vì nguy cơ bị mất nhà cửa khi không có tiền trả ngân hàng".

Bà Dung, chị Bến cũng như chị Nương, ông Đây chỉ là những trường hợp điển hình trong số gần 100 nạn nhân chia sẻ với chúng tôi về sự “cả tin” của bản thân đã “giao trứng cho ác”. Với trình độ hiểu hiết còn hạn chế, không tìm hiểu cặn kẽ, lại tin người, hàng trăm nạn nhân ở các xã miền núi huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk đang phải “ngậm đắng nuốt cay”.

Cần nâng cao cảnh giác

Mặc dù không phải thiên tai, địch họa nhưng hậu quả của vỡ hụi đôi khi còn tàn khốc và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an sinh xã hội hơn gấp nhiều lần. Dư luận vẫn luôn bất bình và đặt nhiều câu hỏi, không lẽ pháp luật phải bó tay với những vụ vỡ hụi?

Theo ông Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Đắk Lắk, “tín dụng đen” là dạng huy động và cho vay tín dụng không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh, cũng như chưa được cấp phép và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý Nhà nước nào. “Tín dụng đen” có lãi suất huy động và cho vay cao, trong khi thủ tục thực hiện thì vô cùng đơn giản so với các hoạt động tín dụng của các ngân hàng dẫn đến vỡ nợ hàng loạt ở một số địa phương. Nếu nói về pháp luật liên quan đến hụi thì chúng ta đã có quy định về hụi, họ, biêu, phường tại Điều 479 Bộ luật Dân sự. Đồng thời, Nghị định số 144/2006/NĐ-CP cũng đã có các chế định về trách nhiệm dân sự trong giao dịch này. Tuy nhiên, các văn bản liên quan đến hụi có dấu hiệu hình sự thì chưa có qui định cụ thể. Chính vì vậy, đối với các vụ vỡ hụi lớn, chủ hụi không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Điều 139 hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” Điều 140 Bộ luật Hình sự.

Nhằm giúp người dân cảnh giác trước những chiêu trò của các chủ hụi như tình trạng hiện nay, bà con cần phải thận trọng việc cho vay với lãi suất cao; tìm hiểu thông tin về người đi vay trước khi cho vay; khi hết hạn mà người vay không trả được nợ thì cần cân nhắc để thu hồi vốn và không cho vay nữa; nắm bắt thông tin về thị trường, nếu cho người vay là người đầu tư kinh doanh bất động sản; việc vay mượn nên tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hãy cảnh giác với hiệu ứng của hiện tượng vỡ nợ hàng loạt này để tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Người dân cần thận trọng và tránh bị tâm lý số đông chi phối mà mất tỉnh táo, cảnh giác, đẩy con nợ vào thế đường cùng, bị bí bách mà gây thiệt hại đến người cho vay, người đi vay và cho xã hội.

Hoàng Anh Trần