Dọc biên giới Tây Nam, hàng lậu từ Campuchia tuồn vào Việt Nam suốt 12 tháng trong năm. Thời điểm giáp tết là mùa làm ăn của các đầu nậu từ Tây Ninh đến Kiên Giang, một lượng lớn hàng lậu tập trung để đón đầu nhu cầu thị trường.
Gỗ quý cho đại gia
Thời gian gần đây, ngoài những mặt hàng “truyền thống” như thuốc lá, rượu ngoại, đường cát Thái Lan thì gỗ quý cũng được giới buôn lậu ưa đánh hàng. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 UBND tỉnh An Giang, 11 tháng đầu năm 2014, có 110m3 gỗ (hương, cẩm...) không rõ nguồn gốc bị thu giữ, xử lý. Gần đây nhất, ngày 20.11, Công an kinh tế (PC46) tỉnh An Giang phối hợp với Chi cục Kiểm lâm kiểm tra cơ sở kinh doanh của ông Lương Minh Chiến (huyện Tịnh Biên) phát hiện lượng gỗ không rõ nguồn gốc như hương, căm xe, gõ đỏ... trị giá khoảng 2,8 tỉ đồng. Hiện số gỗ này đang bị tạm giữ để xử lý. Tại cửa khẩu Vĩnh Xương, Cục Hải quan An Giang cũng vừa tịch thu số gỗ trị giá 1,3 tỉ đồng do một số đối tượng nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam. Các đối tượng này dùng ghe trọng tải 100 tấn, xếp hơn 46m3 gỗ căm xe, mật, sao phía dưới rồi phủ 15 tấn lúa bên trên. Liên quan đến 70m3 gỗ mật, căm xe khác bị bắt giữ tại cửa khẩu Vĩnh Xương, tháng 12.2014, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng - Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) - đã quyết định trưng cầu giám định đối với số tang vật này để làm cơ sở xử lý. Theo hồ sơ, rạng sáng 4.3, một chiếc ghe khoảng 100 tấn từ Campuchia vào Việt Nam đã chất số gỗ lậu bên dưới rồi phủ nông sản lên trên. Khi bị yêu cầu kiểm tra, đối tượng điều khiển phương tiện lợi dụng đêm tối nhảy xuống sông bỏ của chạy lấy người. Ngoài 70m3 gỗ, trên ghe còn 19 cái bàn gỗ lớn, giá khoảng 30 triệu đồng/cái.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gỗ lậu vào Việt Nam khá nhiều nhưng chỉ một lượng khá nhỏ trong số này bị bắt giữ. Các vụ bắt giữ gỗ không rõ nguồn gốc chủ yếu là các đối tượng “cò con”, làm ăn nhỏ lẻ. Riêng tại khu vực biên giới tỉnh An Giang, một số đầu nậu tên tuổi trong giới gỗ lậu như bà Mười T, ông Ba C, chị em bà V hầu như chưa bao giờ bị bắt. Hiện gỗ mật giao tại biên giới dưới 5 triệu đồng/m3, lọt qua Việt Nam giá hơn 10 triệu đồng/m3; giáng hương tại biên giới dưới 30 triệu đồng/m3, trong nước từ 60 - 70 triệu đồng/m3; gõ đỏ tại biên giới là 30 triệu đồng/m3, về tới Việt Nam 70 - 100 triệu đồng/m3 (tùy vân gỗ)... Một cán bộ chống buôn lậu cho biết, gỗ là mặt hàng không có mã vạch, không ghi xuất xứ nên chỉ cần lọt vào nội địa là rất khó xử lý. Do lợi nhuận quá cao, đi 2 chuyến bị bắt 1 chuyến cũng hòa vốn nên các trùm không lo chuyện lỗ vốn.
Siêu lợi nhuận
Sáng 26.12, nhóm phóng viên chúng tôi đứng trên cầu Đức Huệ (tỉnh Long An), vài phút sau, mấy chiếc vỏ lãi (thuyền máy) chất đầy thuốc lá chạy qua, mỗi võ lãi chất 12 đai (mỗi đai 600 gói) thuốc. Mấy tay tài công dường như quá quen với cảnh “được chụp hình” chẳng buồn liếc nhóm phóng viên đứng trên cầu, xem như chuyện ai người ấy làm. Tại Hà Tiên, thuốc lá lậu và đường lậu cũng dập dìu vượt biên. Tiếp xúc với chúng tôi, một lái xe ôm cho biết, nhiều cư dân biên giới không nghề nghiệp, không đất sản xuất thì đi làm nài chở hàng lậu, mỗi ngày kiếm chừng 100.000 - 200.000 đồng. Hỏi có sợ bị bắt không, anh xe ôm cười hì hì: “Riết rồi cũng quen mặt, ở đây chạy hà rầm có thấy ai bắt bớ gì đâu!”. Thuốc lá lậu là mặt hàng siêu lợi nhuận, quay vòng rất nhanh nên đầu nậu rất ưa chuộng. Nếu như đường cát, giá tại biên giới khoảng 13.000 đồng/kg, nội địa hơn 14.000 đồng/kg, chênh lệch chưa đến 10%, thì thuốc lá lậu chênh lệch hơn 100%, mua ở bên kia biên giới khoảng 5.000 đồng/gói, về đến Việt Nam giao sỉ 13.000 đồng/gói…
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) - năm 2014, thuốc lá nhập lậu gây thất thu ngân sách khoảng 8.000 tỉ đồng…
Theo Lao động