(BVPL) - Thời gian qua, những nỗ lực trong công tác chống buôn lậu-gian lận thương mại (BL-GLTM) của lực lượng chức năng các địa phương trên tuyến biên giới Tây Nam trên thực tế đã thu được những kết quả đáng kể, đóng góp một phần không nhỏ vào việc lành mạnh hoá thị trường và tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Tuy nhiên, sẽ chủ quan nếu chỉ nhìn vào kết quả trên mà cho rằng, không lâu nữa, “dòng chảy” hàng lậu và các hành vi GLTM sẽ bị chặn đứng hoàn toàn. Bởi “tương kế, tựu kế”, hiện nay, bọn BL đã chuyển sang sử dụng những “chiến thuật” mới nhằm qua mặt lực lượng chức năng...
Theo báo cáo của Ban 389 các tỉnh thuộc khu vực biên giới Tây Nam, dù “làn sóng” BL-GLTM đã cơ bản được khống chế trong tầm kiểm soát nhưng nhìn chung, hoạt động BL-GLTM, đặc biệt là buôn lậu qua biên giới cho đến nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Do bị “truy” ráo riết, hiện nay, bọn buôn lậu đang tìm mọi cách, áp dụng mọi phương thức, thủ đoạn nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Một mặt, các đầu nậu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng có thuế suất cao, giá trị lớn, hàng cấm và hạn chế nhập khẩu như: thuốc lá, đường cát, phân bón, quần áo, vải may mặc, phụ tùng xe máy, ô tô... mặt khác, chúng thuê cửu vạn xé lẻ hàng hoá, tháo rời linh kiện, phụ tùng máy móc để đai, cõng vượt biên giới từ Campuchia về Việt Nam… Để đảm bảo an toàn cho hàng hoá, bọn chủ hàng thường tổ chức thuê người cảnh giới, trinh sát vị trí mật phục của lực lượng chống buôn lậu, sử sụng điện thoại di động để liên lạc, báo động cho nhau. Bên cạnh đó, các chủ hàng còn có những ràng buộc chặt chẽ với đội ngũ cửu vạn bằng cách bắt họ đặt cọc tiền mặt với số lượng lớn hơn giá trị số hàng mà họ đai, vác thuê, đồng thời gắn trách nhiệm vật chất đối với chủ ô tô, xe máy chở hàng vào sâu nội địa theo một cơ chế kiểu “luật bất thành văn”: nếu lọt, sẵn sàng chi thù lao cao, nhưng nếu để mất hàng thì phải đền. Đây chính là lý do hiện tượng chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực chống buôn lậu trên các tuyến biên giới Tây Nam đang có xu hướng gia tăng.
Có thể nói, thức tế tình trạng BL-GLTM ở khu vực biên giới vẫn âm ỉ những đợt “sóng ngầm”, tích tiểu thành đại, thấm tràn dần qua biên giới. Để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này, chắc còn phải mất nhiều thời gian, cho đến khi Nhà nước thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kinh tế - xã hội toàn diện ở khu vực này nhằm nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực vùng biên, đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu…
Bình Long