"Tất cả chức danh lãnh đạo nếu bỏ phiếu đồng loạt mà không có trình bày, trao đổi thì khả năng mấy chục vị đều đạt tín nhiệm. Nếu như vậy, làm đến lần 2, 3 sẽ nhàm, bỏ phiếu trở nên hình thức", ông Vũ Mão trao đổi.
 
- Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội đang gây chú ý với nội dung lấy phiếu tín nhiệm. Là người từng nhiều lần phát biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm, ông có nhận xét gì?
 
- Liên quan tới nội dung này, qua theo dõi kỳ họp tôi thấy có nhiều loại ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng tình bỏ phiếu hàng năm, nhưng số đó không nhiều. Có những ý kiến nghiên cứu sâu, lật lại vấn đề và phân tích, đề xuất là nên bỏ phiếu bất tín nhiệm chứ không phải bỏ phiếu tín nhiệm. Một số đại biểu cho rằng, bản chất của vấn đề là "bỏ phiếu bất tín nhiệm" thì không thể bỏ hàng năm được. Bởi vì nếu một chức danh lãnh đạo không có khuyết điểm gì, chẵng nhẽ "cứ đè ra bỏ phiếu"? Phân tích đó theo tôi là hợp lý, không thể bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm được.
 
Thế còn, nếu bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm, cho những người ở cấp bộ trưởng trở lên thì có trên dưới 50 người phải bỏ phiếu, xem xét tín nhiệm. Nếu vậy, Quốc hội lấy đâu ra thời gian mà bỏ phiếu? Một người chịu việc bỏ phiếu tín nhiệm thì cũng phải cho người ta thời gian trình bày, đồng thời trao đi đổi lại để nắm lại xem có làm việc đạt yêu cầu không mới bỏ phiếu được. Mỗi vị như vậy mất ít nhất 1-2 giờ đồng hồ, mỗi ngày được khoảng 3 vị. Như vậy, riêng việc bỏ phiếu đã mất nửa tháng rồi. Có đáng để Quốc hội mất ngần ấy thời gian cho công việc này không?
 
Bên cạnh đó, phải xem tính hiệu quả của việc bỏ phiếu. Tất cả chức danh lãnh đạo nếu đều bỏ phiếu đồng loạt mà không có trình bày, không trao đổi thì khả năng tất cả mấy chục vị đều đạt tín nhiệm rất dễ xảy ra. Nếu như vậy, làm lần một, đến lần 2, 3 sẽ nhàm đi. Việc bỏ phiếu trở nên hình thức.
 
Bac-Mao
Ông Vũ Mão: "Người bị bỏ phiếu bất tín nhiệm thì không bao giờ thích. Nhưng về pháp lý, anh có quyền thì anh phải chịu giám sát và chịu sự xem xét, đánh giá". Ảnh: Nguyễn Hưng.
 
- Một phương án khác được bàn thảo là bỏ phiếu vào giữa và gần cuối nhiệm kỳ. Ông thấy sao?
 
- Đúng là nhiều ý kiến cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm thì không nên hàng năm, nhất là năm đầu nhiệm kỳ, chỉ nên làm từ năm thứ hai, đến năm thứ tư làm một lần nữa. Thực ra, giải pháp này cũng không căn cơ, không tránh được những nhược điểm tôi nói ở trên. Ở đây còn một vấn đề nữa, nhiều đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đưa ra một quy trình, thủ tục cụ thể thì lúc đó mới thảo luận, xem xét được việc bỏ phiếu.
 
Ngoài ra, trong công tác, có mối quan hệ giữa việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với công tác quản lý cán bộ của Đảng. Hai cái đó thực chất có mối quan hệ với nhau. Cần kết hợp hai công tác này với nhau và phải xây dựng thành một quy trình cụ thể. Như thế mới làm tốt việc lấy tín nhiệm. Đấy cũng là nguyên nhân vì sao 10 năm Luật Giám sát ra đời mà chưa thực hiện được việc bỏ phiếu. Quá nhiều ràng buộc, nhiều mối quan hệ mà chưa giải mã điểm này.
 
Tôi đề nghị, trong đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội chưa nên quyết nội dung về bỏ phiếu tín nhiệm mà phải bàn thêm, có tính toán cụ thể hơn.
 
- Nhiều lần ông phát biểu về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm với các chức danh lãnh đạo. Theo ông, với điều kiện hiện nay, nên làm theo phương pháp nào để vừa khả thi, vừa tránh hình thức?
 
- Theo tôi, phải làm căn cơ. Thứ nhất, sửa luật Tổ chức quốc hội và Luật Giám sát 2003. Luật Tổ chức Quốc hội nêu một trong hai điều kiện ràng buộc để tiến hành bỏ phiếu. Một là quy định có ít nhất 20% số đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm. Nguyên tắc trong Quốc hội là không được đi vận động nên tìm được 20% số phiếu là điều không hiện thực. Thứ hai, là phải được một ủy ban đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, thì quy định này cũng rất khó thực hiện. Các điều kiện như vậy thì ngặt nghèo quá
 
Tuy nhiên, đến Luật Giám sát 2003, tại điều 13 quy định Ủy ban Thường vụ có thể "tự mình" đề nghị. Như vậy, ngay Luật Giám sát đã khác với Luật Tổ chức Quốc hội. Cần phải xem xét để sửa cho đúng.
 
Để làm được việc này có thể có một số cách như sau, với một số chức danh lãnh đạo, khi bị Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn không đạt yêu cầu, Quốc hội thấy là có vấn đề; hoặc qua thảo luận, điều hành và các mặt thì cũng sẽ bật ra các vấn đề. Khi đó, Quốc hội sẽ có ý kiến yêu cầu vị đó phải giải đáp. Đó là những căn cứ để bỏ phiếu tín nhiệm.
 
"Nếu ta thực hiện được thì đây sẽ là bước tiến quan trọng. Năm 2001, chúng ta bổ sung vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, khi thảo luận người ta coi là điểm nhấn của đổi mới thì bây giờ không có lý do gì ta không tiếp tục tiến lên. 10 năm chưa làm được thì là thiếu sót nhưng quan trọng là ta phải tìm được nguyên nhân là gì để khắc phục, làm tốt hơn lên. Khi đã khẳng đinh là đúng thì phải làm được và phải làm tốt", ông Vũ Mão nói.
 
Theo tôi, bất cứ khi nào có vấn đề thì tại các kỳ họp ở Quốc hội đều có thể đưa ra lấy phiếu tín nhiệm. Có thể giữa năm, có thể cuối năm, chứ không phải tiến hành định kỳ hàng năm. Mỗi năm có 2 kỳ, thì các kỳ đều có thể tiến hành nếu thấy có vấn đề. Còn nếu không có thể 2-3 năm mới có việc bỏ phiếu. Bỏ phiếu đồng loạt, đình kỳ sẽ trở nên hình thức.
 
- Vậy ai hoặc cơ quan nào sẽ đề xuất và lập ra danh sách cần lấy phiếu tín nhiệm để đảm bảo khách quan, công bằng?
 
- Các đại biểu có thể tự nêu ra danh sách, đây là trách nhiệm và quyền hạn của đại biểu. Nhưng không bắt buộc phải đủ 20%. Còn trong khi thảo luận, bàn bạc thì chính là trách nhiệm của Thường vụ Quốc hội. Thường vụ sẽ xem xét và trình ra Quốc hội. Ở đây lại có vấn đề như tôi và nhiều đại biểu nói, công tác cán bộ không chỉ Quốc hội có quyền mà bên Đảng cũng quản lý công tác này.
 
Ở đây phải có mối quan hệ phối hợp mà theo tôi phải thành một quy trình. Cơ quan cán bộ của Đảng và Quốc hội phải có sự phối hợp với nhau. Quốc hội hiện có Ban Công tác đại biểu, nắm rõ về mặt nhân sự. Ban có thể thay mặt cho Thường vụ Quốc hội nắm tình hình, trao đổi với cơ quan quản lý cán bộ của Đảng. Trao đổi trước hết là xây dựng quy trình, quy trình đó trước khi đưa ra Thường vụ cho ý kiến thì phải tham khảo ý kiến bên Đảng, Ban Tổ chức trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương... Theo tôi, những tham khảo đó tạo sự phối hợp nhuần nhuyễn, cần thiết. Đồng thời, có thể thông báo cho bên Chính phủ, ví dụ lần này, qua ý kiến như vậy, Thường vụ dự định xem xét tín nhiệm đồng chí A, đồng chí B... như vậy thì các đồng chí có ý kiến gì không.
 
Tức là, Ban Công tác đại biểu đề xuất thêm việc hàng năm xem xét lại hồ sơ của từng vị. Đồng chí Trưởng ban Công tác đại biểu hiện là Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng (bà Nguyễn Thị Nương). Theo tôi, như vậy là ta đã có điều kiện thuận lợi để hình thành cơ chế trao đổi với nhau, đã có sự phối hợp rồi thì cần phát huy cái đó lên.
 
- Tâm lý của người bị lấy phiếu tín nhiệm thường là e ngại, không thích. Theo ông, cần làm gì để thay đổi?
 
- Người bị điều trần, bị bỏ phiếu bất tín nhiệm thì không bao giờ thích. Nhưng về pháp lý, anh có quyền thì phải chịu giám sát và chịu sự xem xét, đánh giá. Đó là nguyên tắc, là sự công bằng. Nhưng tôi quan sát thấy vị lại thích như vậy. Như hoạt động chất vấn, lúc đầu bên Chính phủ không thích, ngại ngần và còn tâm tư nữa. Nhưng sau thì một số vị lại thích được trả lời, bởi đấy là nơi để giải đáp, trình bày các vấn đề mà chưa có cơ hội. Tất nhiên, với điều kiện là người bị chất vấn, điều trần phải trong sáng và có tài hùng biện nữa. Bản thân tôi nếu là người trong cuộc tôi cũng thích hoạt động này.
 
Thực tế ở đây cần có cơ chế hậu bỏ phiếu tín nhiệm, bởi khi bất tín nhiêm rồi thì người ta làm gì? Cơ chế của ta hiện nặng nề, bất tín nhiệm là mất danh dự. Nhưng ở các nước người ta coi bình thường. Một quan chức rất thoải mái khi nói rằng anh ta không thích ứng, anh ta không thể làm thì xin thôi làm việc khác. Nhưng ở ta làm việc khác thì làm việc gì? Có tự mình tìm được việc không? Rõ ràng, còn nhiều vấn đề cần đặt ra để trao đổi, xem xét.
 
- Kinh nghiệm các nước, việc lấy phiếu tín nhiệm tiến hành như thế nào?
 
- Ở các nước cơ bản dùng thuật ngữ "bỏ phiếu bất tín nhiệm". Khi tiến hành việc này thì có chất vấn, thảo luận, xem xét.... Người thuộc diện xem xét lấy phiếu tín nhiệm có quyền trình bày lại. Theo tôi, việc này sẽ tốn mất thời gian, ít thì vài tiếng đồng hồ, có khi hàng buổi để làm rõ vấn đề. Bởi vì không dễ xem xét, đánh giá con người mà phải cân nhắc, thận trọng, khách quan. Như thế mới đảm bảo quyền lợi của người ta. Quy định như vậy vừa dân chủ vừa đúng nguyên tắc, đúng pháp luật.
 
Như ở Nhật, người ta bỏ phiếu tín nhiệm nhiều, trong một nhiệm kỳ Quốc hội nhưng thay mấy thủ tướng là bình thường. Nhiều nước làm tốt việc này và tôi cho chuyện đó là bình thường.
 
Ông Vũ Mão sinh năm 1939, là ủy viên trung ương Đảng 5 khóa 5, 6, 7, 8, 9. Ông từng đảm nhiệm cương vị Chánh Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội.
 
Theo VnE