(BVPL) - Qua lời kể của ông Trần Đào (55 tuổi, trú ở làng Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai), trong một dịp cuối tuần, chúng tôi đã quyết tâm đến mục sở thị viên đá được cho là có khắc nhiều văn tự cổ tựa như chữ Thái hay chữ Lào đầy bí ẩn.

 


Băng qua một ruộng mía, đi chừng hơn một cây số, khi đến một bãi đất hoang, trước mắt chúng tôi, tảng đá như lời kể được bao bọc bởi những lùm cây dại hiện ra trước mắt chúng tôi. Tảng đá cao chừng 2m; chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 1,5m; cả 2 mặt đá đều có những dòng chữ lạ chằng chịt trông như chữ Thái, được khắc chìm; một bên mặt có 8 dòng chữ, mặt còn lại thì có 3 dòng. Theo lời ông Đào, trước đây, chiều cao từ mặt đất lên đỉnh viên đá chỉ chừng 1,6m, nhưng do nhiều người đã đào sâu xuống tìm kho báu nên tảng đá mới có chiều cao như bây giờ. Không chỉ vậy, một số thanh niên còn tác động vào đỉnh phiến đá khiến hình thù của nó mới bị biến dạng như ngày nay. “Khi tôi còn bé đã biết được sự tồn tại của hòn đá này trong những lần đi chăn bò. Nghĩ rằng nơi đây là nơi đánh dấu hay ẩn chứa một kho báu cổ nên nhiều năm qua, người dân trong làng Tư Lương hay mang cuốc, xẻng kéo ra đây đào bới. Nhiều người đã tìm thấy được vàng ở vị trí quanh tảng đá nhưng vì quá ít nên đành bỏ cuộc. Sau này, nhiều người ở nơi khác nghe đồn về tảng đá lạ cũng lũ lượt kéo về, gồng gánh tìm vận may. Đã có rất nhiều người đào bới quanh hòn đá nhưng đến giờ vẫn chưa có ai tìm được kho báu”. Là một trong những người đầu tiên đi tìm vận may quanh tảng đá, cụ Nguyễn Xuân Thành (74 tuổi)- Trưởng thôn Tư Lương kể: “vào năm 1962, khi đi chăn bò, trông thấy tảng đá có khắc chữ lạ, nghĩ rằng khu vực này biết đâu là nơi chôn cất 1 kho tàng cổ nào đó nên tôi và một số thanh niên khác đã tổ chức đào bới, tìm kiếm. Nhóm tôi đã đào, xới quanh tảng đá và khu vực lân cận song chẳng phát hiện được gì nên sau đó đành bỏ cuộc...

Được biết, mới đây, khi được chứng kiến viên đá lạ, một đại gia ở phố Núi đã quyết định thuê máy móc với ý định cẩu tảng đá về làm cảnh trong vườn nhà. Tuy nhiên, sau khi hay tin, người dân thôn Tư Lương đã kéo nhau ra ngăn chặn. Theo họ, đó là tài sản của làng, không ai được phép mang phiến đá đó đi. “Thời gian dần trôi, những ký tự trên tảng đá đang mờ dần do thiên nhiên bào mòn song ý nghĩa của nó thì vẫn còn là điều bí ẩn, tạo sự hiếu kỳ cho mọi người, không ít người đã thêu dệt và cho nó là một huyền thoại... Do đó, dân làng Tư Lương mong muốn các nhà ngôn ngữ học hãy đến nghiên cứu để giải mã ý nghĩa các ký tự cho họ thỏa mãn”. Ông Trưởng thôn nói về nguyện vọng của dân làng.
 

Ngọc Linh

.