“Trước lúc được chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu, thằng Hải nhà tôi còn gắng lấy hết sức tàn chắp tay lạy bác sỹ. Nó biết mình sắp chết nên van nài họ cứu mình. Bây giờ thì quá muộn rồi. 3 ngày nay Hải không tỉnh lại, người ta bảo não nó đã chết. Tội nghiệp con tôi…”. Người phụ nữ nông dân chân chất vừa đưa tay gạt nước mắt, vừa kể lại với chúng tôi hành trình đưa con trai mình đi… bệnh viện.

 

leftcenterrightdel
 Vợ chồng ông Trọng vẫn túc trực tại BV trong tuyệt vọng
 
8 ngày đau khổ
 
Bà là Phạm Thị Phúc, mẹ đẻ bệnh nhân Đặng Đình Hải, hiện trú tại Đội 6, thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Cách đây hơn chục ngày bà Phúc đưa con trai đi nhập viện với chứng bệnh viêm phổi. 
 
Dù ít học, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng bà Phúc vẫn biết với triệu chứng ban đầu chỉ là sốt nhẹ thì con bà không thể chết, nhất là khi Hải mới hơn 30 tuổi, vốn rất khỏe mạnh và tiền sử chưa hề có bệnh gì. Ngay cả bây giờ bà vẫn khăng khăng rằng, nếu các bác sỹ ở bệnh viện nhiệt tình, không đùn đẩy bệnh nhân cho nhau thì con bà không thể “chết” một cách tức tưởi như thế. 
 
Trong tiếng nức nở, bà Phúc nghẹn ngào: “Sáng 12-4, thằng Hải kêu mệt, thấy con mình hơi sốt tôi bèn đưa luôn ra bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám tự nguyện. Sau một loạt các thủ tục như chụp chiếu, xét nghiệm cháu được đưa về điều trị tại khoa Lao và bệnh phổi với chẩn đoán ban đầu là viêm phổi. Theo các kết quả chụp chiếu ban đầu thì  phổi của cháu Hải có hiện tượng tràn dịch. Tôi vẫn nhớ vị bác sỹ phó khoa là ông Chu Bá Lợi thông báo, dịch bên phổi trái là 6mm, bên phải là 11mm. Như vậy là lượng dịch quá ít nên không đáng ngại. Tuy nhiên các bác sỹ vẫn cho nằm viện để theo dõi và điều trị. Hàng ngày con tôi được các bác sỹ tiêm thuốc ngày 2 lần. Sau 6 ngày điều trị, con tôi bệnh tình không thuyên giảm mà có phần nặng hơn, đặc biệt là bắt đầu từ ngày 18-4 thì cháu có hiện tượng ho ra máu. Thấy vậy các bác sỹ chỉ định truyền nước, nhưng sau khi được truyền con tôi ngày càng khó thở. Đúng vào dịp này cả nước nghỉ lễ, bác sỹ Lợi nghỉ nên chỉ có bác sỹ Đỗ Văn Quang trực”.
 
Bi kịch bắt đầu từ đây khi Hải ngày càng mệt. Bà Phúc nhớ lại: “Hầu như cháu không thể ngồi yên một chỗ mà luôn phải đi lại, ngửa cổ lên trời há miệng cố hít lấy chút không khí. Đêm thì cứ bắt mẹ ngồi quay lưng lại để cháu tỳ lên vai cho dễ thở. Cho đến sáng 20-4 thì Hải không chịu nổi nữa. Cháu liên tục bắt mẹ chạy lên phòng bác sỹ Quang đề nghị có biện pháp giúp đỡ vì cháu không thể thở được. Tuy nhiên, lần nào lên gặp bác sỹ Quang cũng không xuống mà chỉ trả lời: “Không sao đâu, bảo nó cứ về phòng nằm và hạn chế cử động, đi lại”. Đến chiều thì tôi quá sốt ruột vì sắc mặt cháu ngày càng sạm đi, Hải cứ ngửa mặt lên trời và há miệng ngáp không khí. Tôi chạy đi gọi bác sỹ Quang xuống cứu con tôi hàng chục lần, nhưng lần nào cũng bị mắng. Thậm chí bác sỹ Quang còn nói thẳng: “Đây là bệnh nhân của ông Lợi, tôi không biết. Tôi mà động vào nhỡ có làm sao thì lại rách việc. Chị cứ về phòng đi”.
 
Lần lên cầu cứu cuối cùng, chính bệnh nhân Hải cũng không thể chịu đựng được. Thu hết lực tàn, Hải gượng vịn vai mẹ gõ cửa phòng bác sỹ trực rồi chắp tay lạy và thều thào: “Bác sỹ ơi, em không thở được. Bác sỹ cứu em không chết mất”. Chỉ đến lúc này, vị bác sỹ mới cho Hải thở oxy. Các bệnh nhân cùng phòng xúm vào khênh Hải chuyển xuống khoa Hồi sức cấp cứu, nhưng đã muộn. Hải chìm vào hôn mê ngay sau đó…
 
leftcenterrightdel
 Bệnh nhân Hải đang phải sống cuộc sống thực vật
Hết hy vọng
 
Chúng tôi vào thăm Hải, bây giờ anh chỉ còn là một cơ thể sống nhờ vào những thiết bị máy móc. Ông Đặng Đoàn Trọng, cha đẻ của Hải nức nở: “Lúc chúng tôi đưa cháu xuống đây, vị trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đã hút từ trong phổi con tôi ra rất nhiều dịch. Chính ông ấy còn trách gia đình sao lại đưa xuống quá muộn thế này? Như vậy nghĩa là, cháu Hải đã bị khoa Lao và bệnh phổi bỏ mặc mà không hề có biện pháp cứu chữa dù chúng tôi liên tục kêu cứu. Hôm qua, khoa Hồi sức cấp cứu đã mời bệnh viện Bạch Mai sang hội chẩn về trường hợp của con tôi và thông báo, não cháu đã chết do thiếu oxy quá lâu. Khả năng hồi phục là rất tuyệt vọng”. Rồi ông đau khổ: “Tôi không hiểu các bác sỹ yếu chuyên môn hay quá vô cảm mà họ lại thờ ơ với bệnh nhân như thế? Giá như họ đừng đùn đẩy trách nhiệm thì con tôi sẽ không chết. Hoặc khi thấy vị bác sỹ từ chối thăm khám cho cháu, gia đình tôi chuyển luôn con mình đi viện khác thì chắc hậu quả không thê thảm thế này”.
 
Sáng 24-4, trao đổi với phóng viên về sự việc này, bác sỹ Trần Đăng Huấn - Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa trung tâm Hà Đông cho biết: “Chúng tôi đã nắm được sự việc và đang yêu cầu các bác sỹ liên quan trong khoa Lao và bệnh phổi viết báo cáo tường trình. Những vấn đề mà người nhà bệnh nhân phản ánh liên quan tới chuyên môn, y đức, trách nhiệm của bác sỹ trong điều trị sẽ được đưa ra để đánh giá trước toàn hội đồng y khoa. Trách nhiệm của bác sỹ đến đâu chúng tôi sẽ xử lý đến đó. Hiện tại chúng tôi chưa thể nói được gì khi chưa có báo cáo của họ. Nếu sự thực đúng như gia đình bệnh nhân nói thì rất khó chấp nhận”.
 
Tiên lượng về tình trạng bệnh của bệnh nhân Hải, bác sỹ Huấn cũng thừa nhận là rất xấu và hầu như không có khả năng hồi phục. “Chúng tôi cũng đã gặp gỡ gia đình bệnh nhân để làm công tác tư tưởng, động viên họ. Mặt khác bệnh viện vẫn đang tiếp tục sử dụng những loại thuốc tốt nhất cho bệnh nhân”.
 
Theo Nguyễn Long/ANTĐ