(BVPL) - Được biết, ngày 1/11/2012, thực hiện chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã có Văn bản số 209/CV-HĐTS-VP1 đề nghị Ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hải Phòng thu hồi, hủy bỏ Công văn số 17/CV-BTS ngày 22/6/2012 và Quyết định số 85/QĐ-BTS ngày 8/8/2012 vì vi phạm pháp luật. Báo BVPL tiếp tục phản ánh những bất cập trong công tác quản lý tôn giáo hiện nay để GHPGVN và các cơ quan chức năng kịp thời có biện pháp quản lý các hoạt động tôn giáo ngày một tốt hơn.
Thiếu sư “quản” chùa!
Trên địa bàn Hải Phòng hiện có 590 ngôi chùa, nhưng số Tăng, Ni trong danh bộ do Thành hội Phật giáo Hải Phòng (PGHP) quản lý hiện có 351 sư. Trong đó, số sư Trụ trì và kiêm nhiệm trụ trì các chùa có khoảng 300 sư. Số chùa còn lại là do một số “vãi” và Ban hộ tự địa phương tự quản lý, chăm lo phần thờ tự. Việc thiếu sư trụ trì chùa khiến nhân dân nhiều địa phương buộc phải đi thỉnh sự ở nơi khác về “quản” chùa giúp họ!
Theo thông tin từ Ban Tôn giáo Hải Phòng: Do thiếu sư, tại tỉnh Hà Nam có 300 sư từ các địa phương khác về ở chùa. Tại Hải Phòng, cũng do thiếu sư, nên con số thống kê sơ bộ có trên 20 vị sư không là thành viên của Thành hội PGHP về “trụ trì” chùa ở các xã. Nhưng nếu xem xét toàn diện thì số này có thể lên đến trên 100 sư “ngoài luồng”.
Nguyên nhân chính của việc thiếu sư này phần lớn cũng do công tác đào tạo các Tăng, Ni và công tác quản lý các hoạt động của các chùa, các sư hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập.
Theo Điều 37, của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương – Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Theo luật Phật chế, mỗi năm Tăng, Ni phải An cư 3 tháng (đi hạ hay còn gọi là đi học) để thúc liễm thân tâm, tinh tấn đạo nghiệp, tu tập Giới - Định - Tuệ...”. Mỗi một tu sĩ muốn được bổ nhiệm là Trụ trì chùa, ngoài sức khoẻ, phẩm hạnh mẫu mực phải có trình độ Phật pháp từ trung cấp và phải đủ 5 tuổi hạ trở lên (5 năm đi hạ)...”
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đi hạ, bổ nhiệm sư trụ trì, công nhận các giáo phẩm, quản lý các tu sĩ hiện nay tại Thành Hội PGHP đang còn một số tồn tại khiếm khuyết.
Việc tổ chức An cư, đi hạ cho các tu sĩ năm nào cũng được Thành hội PGHP tổ chức, nhưng việc cấp giấy Chứng điệp an cư cho việc đi hạ của tu sĩ lại được “tổ chức theo đợt” từ 5 – 7 năm mới xét, cấp(!?)
Mặc dù sư Nghiên được Thành hội PGHP cử đi du học 5 năm tại Đài Loan, trong thời gian đó, sư Nghiên cũng đi hạ tại chùa ở Đài Loan và đã được cấp Chứng điệp, nhưng lại bị một số vị sư cho là bằng giả, không được công nhận? Điều này đã tạo ra sự không công bằng, mất dân chủ đối với các Tăng, Ni trong việc thừa nhận trình độ, thừa nhận tuổi hạ trong việc bổ nhiệm trụ trì và độ giới cho các đệ tử của mình.
Một số sư đã thừa tuổi hạ để bổ nhiệm trụ trì (ra ở riêng), nhưng không được chấp nhận.
Đây là một trong những nguyên nhân làm “teo” đầu vào và đầu ra trong việc đào tạo các sư đủ điều kiện được bổ nhiệm trụ trì.
Bên cạnh đó, việc không dân chủ, minh bạch, công bằng và những biện pháp hành chính của Thành hội PGHP mang tính áp đặt, gia trưởng đã tạo ra những ức chế, bức xúc khiến một số tu sĩ hiện nay đã bỏ việc đi hạ và sinh hoạt tại Thành hội PGHP.
Trao đổi với PV Báo BVPL, sư ông Thích Quảng Thành “trụ trì” chùa Phù Ninh, huyện Thuỷ Nguyên: “Tôi là nhà tu hành được thụ giới và sinh hoạt tại Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Nam Định, nhưng tôi đã được nhân dân xã Phù Ninh thỉnh mời và chính quyền huyện Thuỷ Nguyên chấp thuận nên đã ở chùa này 11 năm rồi. Tôi là con nhà phật nên tôi biết “cha (thầy nghiệp sư) không bao giờ sai, cha bắt chết là phải chết, không được cãi, không được thanh minh, vì “ý các cụ” là ý Phật, ý Trời. Vì vậy, sư Nghiên dám cãi các cụ, làm mất uy tín các cụ là bị tẩn xuất, đây là luật bất thành văn”.
Quyết định hợp lòng dân mới có giá trị thực thi!
Trao đổi với PV báo BVPL về những bất cập của Thành hội PGHP và cả việc sư Nghiên bị tẩn xuất, ông Phạm Quốc Phòng – Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo Hải Phòng cho biết: “Do thiếu sư, nên Hải Phòng mới có 20 Tăng, Ni “ngoài luồng” (là những người thụ giới ở nơi khác, không tham gia sinh hoạt tại Giáo Hội PGHP) nhưng được nhân dân thỉnh mời làm sư trụ trì chùa làng của họ.
Bên cạnh đó, trong số các quyết định bổ nhiệm, tẩn xuất của Thành hội PGHP, thời gian qua có Quyết định tẩn xuất đối với Đại đức (ĐĐ). Thích Tục Phát khỏi chùa xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng và tiếp đó là Quyết định bổ nhiệm ĐĐ. Thích Quảng Truyền, người ở tỉnh Lạng Sơn về trụ trì chùa Bắc Hưng này, nhưng không thể thực hiện được.
Đối với ĐĐ. Nghiên, trong bối cảnh hiện nay ở Hải Phòng, tình trạng dân “cúng đất” dưới dạng làm công đức vào chùa diễn ra khá phổ biến. Riêng huyện An Dương đã có 25 chùa tự mở rộng diện tích, xây dựng chùa, chưa làm các thủ tục pháp lý với cơ quan chức năng và báo cáo với Thành hội. Việc đưa mộ vào khuôn viên chùa đã diễn ra ở rất nhiều chùa như: Chùa Vẽ, chùa Đồng Thiện, chùa Hàng... khi mồ mả đã kín đặc thì các chùa này mới xây tường bao ngăn cách ra với chùa. Khi Thành hội và Sở Nội vụ Hải Phòng có công văn cấm các chùa không được đưa mộ phần vào chùa thì sư Nghiên chùa Cao Linh cũng chấp hành, chấm dứt luôn... Thiết nghĩ, khi xem xét việc này cần đánh giá một cách khách quan, tổng thể.
Bên cạnh đó, việc Thành hội cử sư Nghiên đi học, khi về có bằng cử nhân phật học, có Chứng điệp an thì bị cho là Chứng điệp “dấu củ khoai”, mà không tiến hành xác minh; không công nhận tuổi hạ mà lại ra quyết định bổ nhiệm trụ trì cho sư Nghiên theo đề nghị của thầy nghiệp sư Giác; cũng chỉ theo đề nghị của sư Giác, Thành hội lại ra quyết định “đuổi sư Nghiên về quê”, bỏ qua các quy định của pháp luật và luật Phật chế. Vì những quyết định sai trái, không hợp lòng dân nên đã vấp phải sự phản ứng của hàng ngàn phật tử và dư luận xã hội.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ phải tham mưu cho Thành uỷ, UBND chấn chỉnh, kiện toàn lại công tác tôn giáo trên địa bàn để quản lý các hoạt động Phật sự ngày càng tốt hơn...”.
Cần xây dựng Giáo hội dân chủ, hoà hợp, tiến bộ
Theo chúng tôi, để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động Phật giáo, tín ngưỡng và hoạt động của các nhà tu hành đảm bảo đúng bổn phận, pháp luật tại các địa phương, các cơ quan chức năng cần:
1, Giáo Hội PGVN và các cơ quan chức năng sớm bổ sung, sửa đổi những điểm chưa phù hợp với thực tế hiện nay của Hiến chương và Nội quy tăng sự của Giáo hội PGVN và các văn bản hướng dẫn các hoạt động tôn giáo trở thành Luật Tôn giáo.
2, Triển khai ngay những giải pháp xây dựng Giáo hội, Tỉnh hội Phật giáo ở các địa phương theo quan điểm dân chủ, hoà hợp, tiến bộ.
3, Nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Giáo hội, tổ chức kiểm tra, hủy bỏ ngay Quyết định 85 về việc tẩn xuất ĐĐ.Nghiên của Thành hội PGHP, trả lại các chức danh giáo phẩm cho sư Nghiên. Cùng với đó, cho kiểm tra các lỗi của sư Nghiên để kiểm điểm, nhắc nhở sư Nghiên sửa chữa khuyết điểm; chấn chỉnh lại bộ máy giúp việc cho Ban Trị sự Thành hội PGHP thực sự dân chủ, đoàn kết, là “ngôi nhà chung” của các Tăng, Ni.
4, Hiện tại, được biết có rất nhiều nhà sư “ngoài luồng”, được thụ giới, tu tập ở nhiều địa phương khác nhau, thậm chí tự ra nước ngoài tu học trở về, đã không được các tỉnh, thành Hội Phật giáo các địa phương công nhận. Nhưng, họ được nhân dân một số địa phương mời về “quản” chùa giúp họ, nên họ vẫn làm tốt việc Phật sự. Vì vậy, theo chúng tôi, tỉnh, thành Hội các địa phương phải là mái nhà, cầu nối để kéo họ về sinh hoạt với mình, qua đó để quản lý các hoạt động Phật sự ngày càng tốt hơn, bằng cách: Giáo hội PGVN, hoặc tỉnh, thành Hội phật giáo các địa phương cần thành lập Hội đồng kiểm tra trình độ Phật pháp, lí lịch, phẩm hạnh của họ. Khi họ đạt những tiêu chí đề ra, phải công nhận trình độ và mời họ vào sinh hoạt trong Giáo hội. Nếu những người nào không vượt qua được các cuộc “sát hạch”, có vấn đề về phẩm hạnh thì cũng kiên quyết mời ra, không để họ tiếp tục các hoạt động Phật pháp, giả mạo tu hành để trục lợi.
5, Các địa phương cũng cần quan tâm, củng cố, xây dựng bộ máy tỉnh, thành hội Phật giáo, hoạt động một cách thành thục, chuẩn mực và trở thành một mái nhà chung ấm cúng của các Tăng, Ni; chỉ đạo các cơ sở đào tạo Phật học, tổ chức các khoá An cư và cấp các Văn bằng, Chứng điệp cho các tăng sinh một cách chuẩn chỉ, kịp thời; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với tỉnh, thành Hội Phật giáo tiến hành quản lý tốt các hoạt động Phật sự, hoạt động tôn giáo của các tu sĩ.
6, Các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng thiết lập các quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống các chùa chiền; đề ra những quy đinh cụ thể, quản lý chặt chẽ các di biến động về đất đai và các hoạt động xây dựng chùa chiền, các công trình tâm linh; nghiêm cấm việc tiếp tục đưa các phần mộ vào chùa, đề ra những biện pháp quản lý các dòng tài chính đầu tư xây dựng chùa chiền; có biện pháp quản lý, công khai các nguồn thu, chi tại các chùa và các hoạt động Phật sự, từ thiện xã hội.
Để cho các sư yên tâm tu tập, hoạt động Phật sự ngày một tốt hơn, cần phải có những giải pháp tách bạch, không nên để họ trực tiếp tham gia công việc xây dựng, tu bổ, tham gia vào việc quản lý tài chính của các chùa...
Quang Chiến