Nguồn cung thực phẩm quá nhiều, ngành chức năng không thể kiểm soát hết được từ gốc mà mới nắm phần "ngọn", còn người tiêu dùng thì chấp nhận "sống chung" với thực phẩm bẩn.
 
Phần lớn nguồn thực phẩm được sản xuất, sơ chế từ nơi khác chuyển về Đà Nẵng tiêu thụ nên ngành chức năng thiếu thông tin về nguồn gốc, mức độ an toàn. Trong khi đó, nguồn thực phẩm sản xuất ở Đà Nẵng thì nhỏ, manh mún, thu gom nhiều nơi, qua nhiều cơ sở nên việc truy xuất nguồn gốc, tận nơi sản xuất để biết có sử dụng chất cấm, chất bảo quản không là điều cực khó. Chưa kể, khi nguồn thực phẩm nhập về Đà Nẵng, việc lấy mẫu kiểm soát cũng chỉ là phần "ngọn", số lượng rất hạn chế so với tổng lượng hàng hóa. Đấy là chưa kể các mẫu đó cũng chỉ phân tích được vài loại hoạt chất trên tổng số vài ngàn hoạt chất cấm theo qui định.
 
Ông Nguyễn Đỗ Tám- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, việc thanh tra ATTP hiện nay  chủ yếu về hình thức như thủ tục hành chính, điều kiện ATTP chứ chưa thể thanh tra, xử lý về sử dụng chất cấm, chất độc hại. Muốn làm được việc này qui trình lấy mẫu rườm rà, tốn kém, phải thông báo trước cho chủ cơ sở nên dẫn đến sự chuẩn bị đối phó của các cơ sở. Thậm chí với các mặt hàng nhập từ tỉnh ngoài về, chủ cơ sở kinh doanh gây khó dễ cho công tác kiểm tra bằng cách không bán mẫu cho cán bộ kiểm tra. Bên cạnh đó, ở các chợ đầu mối, nguồn hàng về được kinh doanh tự do, không chịu bất kỳ hình thức kiểm tra nguồn gốc nào. Thậm chí nguồn hàng của mỗi tiểu thương ở chợ đầu mối còn là một bí mật.
 
Theo CAĐN
.