Những người dân qua lại trên đường Nguyễn Chí Thanh (TP Hồ Chí Minh) những ngày qua thường gặp cảnh một người đàn bà đi tha thẩn quanh mấy bệnh viện. Người ta đồn bà ở mãi tận Cần Thơ lên đây hỏi thăm để chuộc lại quả thận cho con. Con bà nghe xui dại thế nào đi bán thận cho một người trên thành phố, tiền bạc tiêu hết rồi, bây giờ nằm bệnh ăn vạ cả nhà. Bà kể, nghe nói tìm được người nào đang mang trong mình quả thận của con bà, chuộc lại, ghép trả lại cho con bà, con bà sẽ khỏe mạnh. Người dân phố đã giải thích cho bà rằng việc ấy không làm được, quả thận con bà đã cho người khác không thể ghép trở lại... Mọi người quyên góp giúp bà ít tiền để bà về quê. Không biết câu chuyện này thật đến đâu, nhưng chuyện nhiều người dân nghèo miền Tây Nam Bộ đi bán thận lấy vốn làm ăn đã rộ lên khắp nơi.
Về vùng người dân bán thận để… trả nợ
Chúng tôi tìm về xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), nơi đã được xác minh việc có nhiều người bán thận để mưu sinh. Nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà anh Lâm, người đã bán thận lấy 100 triệu đồng để trả nợ và lấy vốn làm ăn. Trong căn nhà vách lá cạnh đường bê tông ấp 7, chị Sang vợ anh Lâm ngao ngán kể: Anh Lâm từ ngày đi bán thận về giờ đau ốm suốt, không làm ăn gì được, đến cơm nước cũng phải hầu. Theo chị Sang bị kịch của gia đình bắt đầu từ khi anh Lâm nợ người ta 50 triệu đồng. Do nhà quá nghèo nên số tiền vay không trả được. Vừa đúng lúc gặp người quen tên là Anh. Ông Anh liền rủ anh Lâm đi bán thận lấy tiền trả nợ. Ông Anh vạch bụng cho anh Lâm nhìn thấy vết mổ dài hơn gang tay trên bụng và cho biết chính ông cũng bán thận đã lâu mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nghe thuyết phục, anh Lâm đồng ý theo ông Anh lên TP Hồ Chí Minh. Tại đó, sau khi đưa chứng minh nhân dân và hộ khẩu, anh được đưa đi khám bệnh, xét nghiệm rồi đưa vào một bệnh viện nào đó mà anh không biết. Tỉnh dậy trong phòng hậu phẫu, anh biết mình đã mất một quả thận. Sau một tuần trong bệnh viện, ngay khi ra viện, anh nhận được 100 triệu đồng, nhưng ông Anh và những người môi giới đã “cấu” lại 20 triệu gọi là công giới thiệu. Sau khi trả nợ và làm ăn thua lỗ, bây giờ anh Sang chỉ còn lại một thân hình tiều tụy, không làm việc gì được, đau toàn thân đặc biệt là tại vết mổ và trong ổ bụng.
Cùng cảnh nghèo, anh Hồ Văn Tranh ở ấp 6, xã Thạnh Phú đã chấp nhận cắt một quả thận để bán cho một người khác. Theo anh Tranh, người nhận thận là ân nhân đã giúp mình tìm được chân phụ hồ trong những ngày mưu sinh ở Sài Gòn. Trước khi ghép thận, 2 bên đến văn phòng công chứng ký giấy cam kết không khiếu nại về sau và anh Tranh nhận được 120 triệu đồng sau ca phẫu thuật cách nay hơn 3 tháng. Anh Tranh cho biết, vết mổ đã lành nhưng bên trong vẫn còn đau khiến việc đi lại gặp khó khăn. Số tiền nhận được anh đã trả xong nợ hơn 100 triệu đồng, còn lại chút ít quay về quê cất căn nhà nhỏ ven đường, trên phần đất chị ruột mới cho.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, đa số những trường hợp đi bán thận ở xã Thanh Phú đều là nông dân nghèo, không có đất sản xuất. Các trường hợp này đều làm hồ sơ thủ tục tự nguyện hiến, tặng thận cho người thân rồi đến bệnh viện tiến hành các thủ tục cắt, ghép. Tuy nhiên có những trường hợp “hiến” thận mà cha, mẹ, vợ con đều không hề hay biết. Đã 2 tháng nay người nhà Anh Lê Văn Giòn, ngụ ở ấp 6, xã Thạnh Phú dù đã dùng mọi cách nhưng vẫn không thể liên lạc được với anh. Người nhà của anh Giòn cho biết ngày mồng 4 tết Anh Giòn được anh Tẹt (là em rể của anh Giòn) chở đón xe đi đâu đó. Đến nay gia đình không liên lạc được với anh Giòn, và cũng không thấy anh Giòn liên lạc về nhà mà chỉ nghe anh Tẹt nói lại là anh Giòn lên Sài Gòn rồi đi Hà Nội và gặp người thân cũ để làm ăn. Hàng xóm nhà anh Gòn cho biết trước khi bỏ đi mất tích, anh Giòn có làm đơn trình lên địa phương với nội dung là đi ra Bắc hiến thận cho người nhà, nhưng không được chính quyền địa phương xác nhận.
Điều đáng nói là ở xã Phú Trạnh có những trường hợp người thân trong gia đình cùng rủ nhau đi bán thận. Trước Tết Nguyên đán 2014, Ngô Hoàng Sơn (43 tuổi, ĐKTT tại xã Hựu Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đến nhà cha ruột là Ngô Văn Y (tạm trú tại ấp 5, xã Thạnh Phú) để rủ 2 người em ruột là Ngô Phú Em (31 tuổi) và Ngô Thanh Hoài (27 tuổi) cùng lên TP.HCM hiến thận lấy tiền. Theo xác minh của Công an huyện Cờ Đỏ, trước đó, 2 người em ruột của Sơn là Ngô Phú Anh (39 tuổi) và Ngô Ngọc Bích (41 tuổi) đang ngụ ở địa phương cũng đã “hiến” thận lấy tiền.
Theo chúng tôi được biết, mới đây ngày 5-4, trong báo cáo gửi Giám đốc Công an TP Cần Thơ, Công an huyện Cờ Đỏ cho biết qua điều tra đã xác định có 8 trường hợp đi hiến thận để nhận mỗi người 120 triệu đồng. Tuy nhiên, theo những người dân trong xã Thạnh Phú, thực tế con số này trên toàn xã còn lớn hơn bởi có những người bán thận chưa về xã nên chưa thể xác định được đầy đủ.
Còn nhiều kẽ hở của pháp luật
Trên các trang mạng xã hội có không ít những lời rao bán hoặc cần một quả thận để ghép cho người bệnh. Giá một quả thận sống hiện nay trên thị trường chợ đen dao động khoảng từ 100 triệu đến 200 triệu đồng. Người bán trực tiếp còn kèm theo yêu cầu chăm sóc sau mổ, nhưng với đám cò mồi thì sẽ bao trọn gói, kể cả giấy tờ tự nguyện hiến thận cho người thân. Điều này xuất phát từ nhu cầu ghép thận ngày càng tăng cao ở Việt Nam. Mặc dù số ca ghép thận tại các bệnh viện như BV Chợ Rẫy, BV 115, BV Việt Đức, BV Bạch Mai, BV Nhi trung ương... đã được thực hiện khá nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu với nhiều lý do - trong đó chủ yếu là không tìm được người cho thận phù hợp với người bệnh. Nắm được nhu cầu này, đã xuất hiện một đội ngũ “cò” ghép thận. Lân la trong khu vực chạy thận nhân tạo, các “cò” này gặp gỡ một số bệnh nhân, rồi gạ họ mua thận mà nguồn cung cấp đến từ giới công nhân hoặc sinh viên, dân lao động nghèo dưới hình thức bà con, anh em hiến, tặng. Cứ mỗi quả thận, những kẻ cò mồi kiếm hàng chục triệu đồng.
Theo quy định của Ủy ban Ghép tạng quốc gia, hiện nay các bệnh viện chưa được phép lấy thận từ người sống tự nguyện hiến thận, mà chỉ được lấy thận của người cho có cùng huyết thống hoặc có quan hệ gần gũi với người nhận như cha mẹ, anh em, con cái, vợ chồng, họ hàng… Những trường hợp này đều phải được chính quyền địa phương xác nhận. Tuy nhiên, điều kiện được quy định hết sức định tính, họ hàng đến mức nào, quan hệ gần gũi ra sao đều không được nói cụ thể. Đó chính là kẽ hở để bọn “cò” mua bán thận lợi dụng và gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi xử lý. Ngay tại Cần Thơ vào thời điểm này, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng đang rất bối rối trong cách xử lý đối với những người mua bán thận. Hầu hết các nạn nhân đều viết giấy tự nguyện hiến thận, không cần tiền bạc, mặc dù thực tế họ có nhận tiền. Vì vậy cách duy nhất của chính quyền địa phương hiện nay là tuyên truyền vận động bà con không nên đi bán thận nữa.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, Pháp luật Việt Nam có quy định cấm mua bán thận. Việc hiến thận chỉ nhằm phục vụ cho mục đích cứu người, giảng dạy cũng như nghiên cứu. Mỗi con người sinh ra đều có 2 quả thận, nếu mất đi 1 quả chắc chắn sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, cũng không loại trừ nếu người đã hiến 1 quả thận rồi nhưng quả kia sau này bị hỏng thì người hiến có thể sẽ bị tử vong. Trong tình huống này, có thể gia đình người hiến thận sẽ... đòi lại quả thận hoặc “xin” thêm tiền. Những vấn đề hậu “hiến thận” như thế này sẽ rất khó giải quyết. Vì những lý do trên mà thế giới chưa có quốc gia nào công khai cho phép việc mua bán thận mặc dù nhu cầu ghép tạng là rất lớn và ghép tạng hiện được xem là biện pháp duy nhất để cứu sống bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối.
Xưa nay việc hiến thận thường là người thân trong gia đình, họ hàng; còn khi đã vượt khỏi những đối tượng này thì không loại trừ đó là một cuộc mua bán. Xét cho cùng, người dùng tiền đi mua tạng phủ của người khác - hành vi của họ về mặt đạo đức - cũng là hành vi vô nhân đạo.Chính vì thế, với những người cho, hiến, tặng, ngoài những thủ tục pháp lý cần thiết thì ngay tại bệnh viện - nơi thực hiện lấy ghép tạng - cũng có một hội đồng tư vấn trên cơ thể người sống để đánh giá việc hiến ghép này có thật hay không.
Theo ANTĐ