Bị cáo Trần Văn Nam thừa nhận thiếu trách nhiệm

Ngày 17/8, trong ngày thứ ba xét xử vụ án, Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đã đặt nhiều câu hỏi về các sai phạm liên quan hai "khu đất vàng" 43ha và 145ha. Trong đó, các câu hỏi thẩm vấn của đại diện VKS làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm, dẫn đến vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí của các cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong việc để "đất vàng" rơi vào tay tư nhân.

Trả lời thẩm vấn của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khai: Khi Công ty Kim Oanh (doanh nghiệp mua lại khu “đất vàng” 43ha) làm hàng rào bao quanh khu đất 43 ha, bị cáo mới biết đất Nhà nước bị bán cho tư nhân. Sau đó, bị cáo đã tổ chức cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy để thanh tra và cuối cùng là khởi tố vụ án để điều tra.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS tại phiên xét xử sơ thẩm.

Bị cáo Nam khẳng định, trước đó chưa từng được Kế toán trưởng Tổng Công ty Bình Dương trao đổi về vấn đề đất đai. Nếu bị cáo biết trước, sẽ không bao giờ có việc Tổng Công ty Bình Dương bán đất cho doanh nghiệp.

Khi đại diện Viện Kiểm sát đặt câu hỏi về việc bị cáo Trần Văn Nam đã ký văn bản lùi ngày chuyển đất về doanh nghiệp của Tỉnh ủy, tạo điều kiện cho Tổng Công ty Bình Dương bán đất cho tư nhân.

Giải trình về việc này, bị cáo Nam khai, bị cáo không có lý do gì để ký văn bản lùi ngày. Hàng ngày, bị cáo thường phải ký rất nhiều giấy tờ nên ký rất nhanh. Sau khi Ủy ban kiểm tra phát hiện ra sai phạm, bị cáo Nam mới biết các văn bản thu hồi đất về Tỉnh ủy bị ký lùi ngày.

Bị cáo Nam thừa nhận, bị cáo "đã thiếu trách nhiệm," song cho rằng, bị cáo không chỉ đạo cấp dưới duyệt các văn bản liên quan khu đất 43ha hay hợp thức hóa các công văn, giấy tờ liên quan khu "đất vàng", làm sai lệch bản chất nội dung các văn bản.

 
leftcenterrightdel
 Bị cáo Trần Văn Nam tại phiên xét xử.

Theo nội dung cáo trạng của VKSND tối cao, năm 2006, bị cáo Trần Văn Nam (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) đã ký các quyết định giao hai khu đất 43ha và 145ha cho Tổng Công ty Bình Dương. Tuy nhiên, khi giao đất lại áp dụng bảng giá của năm 2006, khiến Nhà nước thiệt hại hơn 760 tỉ đồng.

Trong giai đoạn cổ phần hóa của Tổng Công ty Bình Dương, bị cáo Nam là Bí thư Tỉnh ủy, bị cáo Nam biết rõ việc Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú, không bàn giao về cho Nhà nước là trái chủ trương của Tỉnh ủy. Song, bị cáo Nam không yêu cầu hủy bỏ Hợp đồng, mà chỉ đạo và quyết định cho Tổng Công ty Bình Dương tiếp tục chuyển nhượng 30% vốn góp, dẫn đến 43 ha đã bị chuyển sang Công ty tư nhân. Hành vi của bị cáo Trần Văn Nam cùng các đồng phạm đã dẫn đến hậu quả gây thất thoát cho Nhà nước gần 985 tỉ đồng.

Bị cáo Trần Thanh Liêm thừa nhận làm không đúng pháp luật

Trả lời thẩm vấn của Viện kiểm sát, bị cáo Trần Thanh Liêm cho biết, cuối tháng 12/2015 đến tháng 9/2020, bị cáo là Chủ tịch UBND tỉnh. Viện kiểm sát đặt vấn đề về việc công văn xin vốn góp giữa Tổng công ty 3-2 và Công ty Âu Lạc có phải gửi Thường trực Tỉnh ủy không, bị cáo Liêm cho hay, thời điểm chuyển nhượng bị cáo không biết.

Sau này đọc báo, bị cáo mới biết là công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy, thường trực lúc đó có 4 người gồm: Trần Văn Nam - cựu Bí thư Tỉnh ủy,  Phạm Văn Cành - cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, một Phó bí thư khác và bị cáo Liêm.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS thẩm vấn các bị cáo tại phiên xét xử.

"Công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy mà bị cáo nói không nhận được thì có vô lý không?" - Viện kiểm sát tiếp tục truy vấn. Bị cáo Liêm đáp: "Công văn gửi Thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng tiếp nhận theo đúng quy trình, sau đó Văn phòng xử lý rồi mới báo cáo với Phó bí thư thường trực. Tuy nhiên, có những văn bản không hề gửi cho Phó bí thư và Bí thư".

Cũng theo lời khai của bị cáo Liêm, sau khi có quyết định cổ phần hóa Tổng công ty 3-2, theo chỉ đạo, văn bản của Tỉnh ủy thì UBND tỉnh mới quyết định thành lập Ban chỉ đạo do bị cáo là Trưởng ban.

Bị cáo Liêm cũng cho biết, không nhớ hết những nội dung, trách nhiệm của Ban chỉ đạo tham mưu cho UBND tỉnh cổ phần hóa theo quy định hiện hành của Nhà nước. Việc quyết định giá trị doanh nghiệp mà bị cáo ký có dựa vào báo cáo của kiểm toán: "Theo bị cáo hiểu thì kết quả là kiểm kê đánh giá, phân loại tài sản".

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên xét xử.

"Bị cáo là Trưởng ban cổ phần hóa thì hơn ai hết phải dựa trên cơ sở pháp luật, đúng không?" - Viện kiểm sát truy vấn. Bị cáo Liêm thừa nhận: "Đúng vậy".

Cuối phần trình bày, bị cáo Liêm xin bổ sung thêm thông tin Tổng công ty 3-2 là doanh nghiệp thuộc Tỉnh ủy nên quyền quyết định trong khi cổ phần hóa đều do Tỉnh ủy quyết định. Phương án sử dụng đất và phương án xác định giá trị doanh nghiệp, quá trình cổ phần hóa UBND tỉnh cũng phải xin ý kiến và làm theo chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy. Do đó, việc cổ phần hóa này khác hơn với các doanh nghiệp nhà nước khác. Tuy đặc thù nhưng vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Thanh Liêm là Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng Công ty sản xuất XNK Bình Dương, Trần Thanh Liêm phải có trách nhiệm thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của pháp luật, bị cáo đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

Tỉnh Bình Dương quyết liệt giải quyết tồn đọng, thu hồi tài sản Nhà nước

Cũng tại phiên xét xử, đại diện Viện kiểm sát đã thẩm vấn người đại diện Tỉnh ủy Bình Dương là ông Phạm Văn Hiền, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, để làm rõ một số vấn đề.

Trả lời thẩm vấn, ông Hiền cho biết, đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, 2 khu đất 43ha và 145ha trên nằm ở vị trí cửa ngõ, là nơi khẳng định hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Bình Dương. Đến giờ này, Văn phòng Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đang quyết liệt giải quyết các tồn tại.

Hành vi sai phạm của các cá nhân gây ra sẽ được các cơ quan tố tụng phán quyết, còn trách nhiệm của tỉnh Bình Dương là tìm mọi cách để làm đúng pháp luật.

Ông Hiền cũng cho biết, theo Công văn 407 (phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng công ty 3-2), khu đất 43ha được chuyển giao về cho Impco là công ty thuộc Tỉnh ủy. Khu đất này chuyển về doanh nghiệp 100% vốn của Tỉnh ủy.

"Theo công văn, tài sản 43ha đất có còn thuộc về Tổng công ty 3-2 không?" - Viện kiểm sát hỏi. Ông Hiền cho hay, theo công văn 407, khu đất 43ha phải chuyển về cho Công ty Impco.

Cũng theo ông Hiền, Thường trực Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy "không biết việc Tổng công ty 3-2 chuyển nhượng khu đất 43ha".

Đại diện Tỉnh ủy Bình Dương cho hay, nếu Tòa tuyên hủy các hợp đồng để trả lại khu đất cho tỉnh Bình Dương, Tỉnh ủy phải cho đấu giá khu đất đó, nếu không sẽ gây thất thoát tài sản nhà nước.

 

Hà Nhân- Hà Tuân