Nguyễn Đại Dương “cam kết” chịu phạt 800 tỉ đồng nếu chuyển nhượng không thành?

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra bổ sung và đề nghị VKSND tối cao truy tố 25 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương TNHHMTV và các đơn vị liên quan.

Theo Kết luận điều tra bổ sung, năm 2010, mặc dù UBND tỉnh Bình Dương chưa có Quyết định giao khu đất 43 ha cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương (Tổng Công ty 3/2) nhưng từ sự trao đổi, thống nhất của Nguyễn Văn Minh (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc), Nguyễn Đại Dương (con rể Minh) đã chủ động kêu gọi bạn bè góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc). Nhằm lấy tư cách pháp nhân ký hợp đồng Hợp tác với Công ty 3/2 thành lập liên doanh Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú), mục đích nhận chuyển nhượng khu đất 43ha với giá 570.000 nghìn đồng/m2.

Mặc dù, thực hiện chủ trương sắp xếp lại các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND tỉnh Bình Dương, trong đó, có Tổng Công ty 3/2, Nguyễn Văn Minh báo cáo Tỉnh uỷ về phương án sử dụng đất, trong đó có 43ha và phần vốn góp của Công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú được bàn giao về Công ty TNHH MTV Đầu tư và quản lý Dự  án Bình Dương (Công ty Impco).

Rõ ràng, tại thời điểm này, Tổng Công ty 3/2 chưa chuyển nhượng khu đất  trên cho Công ty Tân Phú và chưa xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Tuy nhiên, Nguyễn Đại Dương lại liên hệ với Đặng Thị Kim Oanh (Tổng Giám đốc Công ty Kim Oanh TP Hồ Chí Minh) để thoả thuận về việc chuyển nhượng Công ty Tân Phú.

leftcenterrightdel
 Nguyễn Văn Minh (phải) giúp con rể Nguyễn Đại Dương  thâu tóm 43ha đất vàng.

Theo đó, Đặng Thị Kim Oanh đồng ý mua toàn bộ 100% vốn điều lệ của Công ty Tân Phú, để trở thành chủ sở hữu duy nhất tại Công ty Tân Phú, trong đó có khu đất 43ha với giá 350 tỉ đồng.

Sau khi thống nhất, Nguyễn Đại Dương chỉ đạo đại diện Công ty Âu Lạc ký hợp đồng “hứa mua, hứa bán” vốn góp giữa Công ty Âu Lạc với Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi (do ông Nguyễn Thiện, chồng bà Đặng Thị Kim Oanh làm đại diện).

Nội dung hợp đồng thể hiện: Công ty Tân Phú thoả thuận và đã thanh toán tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khu 43 ha cho Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương theo quy định; cam kết sẽ nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng Công ty SX-NNK Bình Dương tại Công ty Tân Phú và chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Thuận Lợi với giá 350 tỉ đồng, nếu không thực hiện sẽ bồi thường cho Công ty Thuận Lợi 800 tỉ đồng (?!)

Do biết thoả thuận giữa Nguyễn Đại Dương và bà Đặng Thị Kim Oanh, nên Nguyễn Văn Minh tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú với giá 250 tỉ đồng. Tiếp đó, dù mới nhận được 140 tỉ đồng nhưng Nguyễn Văn Minh vẫn chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục đăng ký biến động khu đất 43ha sang Công ty Tân Phú. Tiếp đó, Tổng Công ty 3/2 đã cố tình hạch toán sai báo cáo tài chính kế toán năm 2016 để che giấu việc chuyển nhượng đất.

Đồng thời, thực hiện đến cùng thỏa thuận của Nguyễn Đại Dương với phía bà Đặng Thị Kim Oanh, Nguyễn Văn Minh “thu xếp” để Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá 161 tỉ đồng.

Không dừng lại, dù chưa nhận tiền, Tổng Công ty 3/2 vẫn xác nhận đã thanh toán xong để Công ty Âu Lạc hoàn tất thủ tục sở hữu 100% vốn Công ty Tân Phú nhằm sớm chuyển nhượng cho phía bà Đặng Kim Oanh. Sau khi sở hữu 100% vốn, Công ty Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ Công ty Tân Phú với 43 ha đất cho Công ty Kim Oanh với mức giá … vô lý 350 tỉ đồng, thấp hơn số tiền thực tế Công ty Âu Lạc bỏ ra để thâu tóm Công ty Tân Phú với 43 ha đất (?).

Cũng theo nội dung Kết luận điều tra bổ sung, theo đề nghị của bà Đặng Thị Kim Oanh, Nguyễn Đại Dương đã chuyển nhượng Công ty Tân Phú cho Công ty Xây dựng A Đông Hải (sau này là Công ty KimOanh) thay cho Công ty Thuận Lợi.

VKSND tối cao yêu cầu làm rõ đơn vị thụ hưởng lợi ích 

 Theo phê duyệt quy hoạch, khu đất 43 ha có đến 23 ha là đất ở, thương mại, dịch vụ, công trình hỗn hợp, riêng đất ở là hơn 20 ha. Sau khi thâu tóm Công ty Tân Phú, Công ty Kim Oanh dùng Dự án này huy động vốn của hàng trăm khách hàng thông qua Hợp đồng vay tiền/góp vốn đầu tư.

Nhiều giao dịch được ghi rất rõ là góp vốn đầu tư, đặt cọc theo hợp đồng vay vốn, tiền góp vốn theo hợp đồng…. Nội dung: Bên B là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tân Phú; dự án hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện các bước thủ tục pháp lý có liên quan để triển khai hạ tầng và sớm đưa sản phẩm ra kinh doanh.

Chỉ tính từ thời điểm tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019, Công ty Kim Oanh đã có 615 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hàng theo số tài khoản của Công ty Tân Phú với tổng số tiền lên đến khoảng hơn 466,4 tỉ đồng.

Theo nội dung Kết luận điều tra, Hội đồng định giá xác định giá khu đất 43 ha tại thời điểm chuyển nhượng tháng 12/2016 là 552,9 tỉ đồng, so với giá chuyển nhượng 250 tỉ cho Công ty Tân Phú, số tiền thiệt hại là 302,8 tỉ đồng. Thiệt hại này là để xác định trách nhiệm hình sự của các cá nhân sai phạm.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh khu 43 ha đất vàng Bình Dương.

Nhận thấy, việc Công ty Kim Oanh tham gia giao dịch ngay từ giai đoạn đầu của vụ án, Công ty Kim Oanh là người thụ hưởng lợi ích sau cùng của cả chuỗi hành vi trên. Cơ quan chức năng xác định, thiệt hại của Nhà nước tính tại thời điểm chuyển nhượng đất là hàng trăm tỉ động, thời điểm khởi tố vụ án hàng ngàn tỉ đồng. Theo yêu cầu của VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định vai trò của Công ty Kim Oanh trong vụ án này.

Theo kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, thực hiện Hợp đồng nhận chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú từ Công ty Âu Lạc, phía bà Đặng Thị Kim Oanh đã chuyển 330 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Âu Lạc và chuyển 20 tỉ đồng vào tài khoản của Nguyễn Đại Dương. Trong số tiền Công ty Âu Lạc nhận được: Nguyễn Quốc Hùng chuyển 220 tỉ đồng cho Nguyễn Đại Dương; chuyển 80 tỉ đồng để góp vốn vào Công ty Tân Phú cho đủ 140 tỉ đồng và số tiền này được Công ty Tân Phú sử dụng để thanh toán cho Tổng Công ty 3/2; chuyển 20 tỉ đồng để thanh toán tiền nhận chuyển nhượng 30% vốn góp của Tổng Công ty 3/2. Như vậy, có thể đặt ra nghi vấn về việc Nguyễn Đại Dương dùng chính nguồn tiền của phía bà Đặng Thị Kim Oanh thực hiện thương vụ “thâu tóm”(?).

Theo nội dung Kết luận điều tra bổ sung của Bộ Công an: Bà Đặng Thị Kim Oanh không biết, không liên quan đến hành vi trái pháp luật của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm. Không có cơ sở chứng minh bà Đặng Thị Kim Oanh câu kết với bị can Nguyễn Đại Dương thành lập pháp nhân Công ty Tân Phú; cùng Nguyễn Đại Dương mua bán, chuyển nhượng khu đất 43 ha trái quy định pháp luật… Việc bà Đặng Thị Kim Oanh chuyển tiền vay và cho vay với Nguyễn Đại Dương không liên quan đến hành vi làm trái của Nguyễn Văn Minh và đồng phạm trong việc chuyển nhượng khu đất 43ha và thoái 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú. Như vậy, bà Đặng Thị Kim Oanh có chuyển tiền cho Nguyễn Đại Dương, nhưng là cho vay (?).

Mặc dù nội dung thoả thuận, Nguyễn Đại Dương chuyển nhượng Công ty Tân Phú kèm theo khu đất cho bà Đặng Thị Kim Oanh từ khi chưa có 100% cổ phần, chưa là chủ sở hữu khu đất, đồng thời cam kết nếu không thực hiện sẽ bồi thường cho Công ty Thuận Lợi 800 tỉ đồng (?).  Khi đưa ra mức bồi thường hợp đồng như vậy, nếu nói phía Công ty Thuận Lợi, Công ty Kim Oanh không nắm được vấn đề pháp lý của khu đất và thực trạng việc sở hữu của Công ty Âu Lạc sẽ có phần “khiên cưỡng”.

Xung quanh việc Công ty Thuận Lợi mua Công ty Tân Phú từ Nguyễn Đại Dương (Công ty Âu Lạc) kèm theo khu đất với giá 350 tỉ đồng là một mức giá rẻ một cách … bất ngờ. Công ty Âu Lạc tự biến mình thành doanh nghiệp bị “thiệt thòi” trong thương vụ mà lợi nhuận lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Vậy, lý do gì để Tổng công ty Bình Dương, Công ty Âu Lạc sau khi “kỳ công” lấy được đất của Nhà nước thì lại chuyển nhượng cho Công ty Kim Oanh với giá bất thường. Động cơ phạm tội của Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đại Dương là gì? Liệu xung quanh thỏa thuận này có che giấu một thỏa thuận khác là bên mua chuyển số tiền chênh lệch cho bên bán hay không, để đề phòng bên bán không thực hiện thỏa thuận và cũng không trả lại tiền chênh lệch?

Vụ án đang được làm rõ, bằng mọi cách thu hồi triệt để số tiền thất thoát của Nhà nước, đồng thời tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Cơ quan điều tra đề nghị VKSND tối cao truy tố 25 bị can (trước đó là 21 bị can), trong đó có Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương), Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương), Phạm Văn Cành (cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy), Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh). Cùng bị đề nghị truy tố còn có Trần Xuân Lâm (cựu Chánh Thanh tra tỉnh), Võ Văn Lượng (cựu Chánh Văn phòng UBND tỉnh), Ngô Dũng Phương (cựu Trưởng phòng tài chính Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy, nguyên Cục trưởng, Cục Phó Cục Thuế) và các đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bốn bị can mới là: Hồ Đắc Hiếu (Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn và thẩm định Đông Nam), Vũ Thị Lợi (cựu Phó trưởng phòng tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính tỉnh), Nguyễn Kim Liên (cựu Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp) và Hà Văn Thuận (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương).

 

 

Hà Nhân