leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND TP Hồ Chí Minh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.

Theo Viện kiểm sát, bị cáo Tất Thành Cang với vai trò Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM đã có bút phê “đồng ý” về việc xin chủ trương cho Công ty Tân Thuận chuyển nhượng 32 ha khu dân cư Phước Kiển với giá 1,29 triệu đồng/m2 mà không báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Tại tòa, bị cáo Tất Thành Cang nhận trách nhiệm về việc không báo cáo Ban thường vụ Thành ủy khi bút phê "đồng ý” lên tờ trình.

Đại diện VKSND TP HCM cáo buộc bị cáo Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", có vai trò xuyên suốt trong vụ án.

Tại phiên xử, bị cáo Thiện phủ nhận việc bán rẻ hai dự án Khu dân cư Phước Kiển và dự án Khu dân cư Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Bị cáo cho rằng các hợp đồng đã ký giữa hai công ty là góp vốn hợp tác, đồng thời dẫn chứng lợi nhuận của dự án là toàn bộ chi phí bỏ ra so với doanh thu nhận lại, dôi ra bao nhiêu thì đó là lợi nhuận của hợp đồng.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Tất Thành Cang (phải).

Lập luận này bị Kiểm sát viên VKSND TP HCM bác bỏ: “Đó là bị cáo đang tính tiền lời từ việc bán đất chứ không phải hợp tác để phân chia lợi nhuận. Hợp tác phân chia lợi nhuận có nghĩa công ty của bị cáo có đất, công ty kia có tiền, cả hai cùng xây dựng, cùng bán căn hộ, cùng kinh doanh sinh lợi nhuận được bao nhiêu thì chia nhau, đó mới hợp pháp".

Về nguồn vốn của Công ty Tân Thuận, bị cáo Thiện nói công ty có 100% vốn của Đảng bộ TP HCM, chủ sở hữu là Văn phòng Thành ủy TP HCM. Theo nhận thức của bị cáo thì "tài sản của Công ty Tân Thuận không phải tài sản của Nhà nước". Do đó, quản trị vốn kinh doanh của công ty do bị cáo tự quyết trên cơ sở pháp luật, không áp dụng quy đinh quản lý tài sản Nhà nước.

Lập luận này, đại diện Kiểm sát viên khẳng định: Công ty Tân Thuận có vốn của Đảng bộ TP HCM, là tài sản của Nhà nước, do vậy khi thực hiện quản lý sử dụng, ngoài Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, bị cáo phải tuân thủ quy định về quản lý tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên tòa.

"Toàn bộ tài sản của Công ty Tân Thuận phải được quản lý trên nguyên tắc quản lý tài sản của Nhà nước chứ không phải muốn quản lý thế nào cũng được. Theo nguyên tắc đó, bị cáo phải quản lý công ty làm ăn phát triển, bảo toàn nguồn vốn chứ không phải là vốn kinh doanh thì bị cáo thích làm gì thì làm. Do đó, với các quyết định sai trái của bị cáo, bị cáo phải chịu trách nhiệm", Kiểm sát viên khẳng định.

Sau đó, bị cáo Thiện nói rất hối hận. "Bị cáo rất hối tiếc, không ai khuyến cáo cả. Phải chi dặn dò thì bị cáo đã không vi phạm chỉ mong HĐXX xem xét lại", bị cáo Thiện nói với HĐXX.

Tại phiên tòa, các bị cáo Phạm Văn Thông, Phan Thanh Tân (cựu phó chánh Văn phòng Thành ủy), Huỳnh Phước Long (cựu trưởng phòng quản lý đầu tư và kinh doanh vốn Văn phòng Thành ủy) thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố và khai rằng thời điểm đó các bị cáo nhận thức việc chuyển nhượng thuộc thẩm quyền của mình nên thực hiện. Viện kiểm sát cáo buộc bị cáo Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng Quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy) đã soạn thảo tờ trình, ký trình Văn phòng Thành ủy đề xuất chấp thuận chuyển nhượng hai dự án, cùng với hành vi sai phạm của các bị cáo khác, gây thiệt hại cho nhà nước 735 tỉ đồng.

Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin./.

Đại Lánh